“Hoàng tử bất đắc dĩ”
Ông Rahul Gandhi sinh năm 1970, là con trai của Thủ tướng bị ám sát Rajiv Gandhi. Đến tuổi đi học, ông được cho theo học ở những trường học tốt nhất của Ấn Độ rồi tới Mỹ học kinh tế, làm việc ở Anh trước khi về nước vào năm 2002.
Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, người ta vẫn nghĩ cô Priyanka – người em gái sôi nổi và cuốn hút – của ông Rahul mới là người thừa kế sự nghiệp chính trị hùng mạnh của gia tộc. Chính vì vậy, quyết định gia nhập chính trường của Rahul trước cuộc tổng tuyển cử năm 2004 đã khiến nhiều người rất bất ngờ.
Là đại diện thế hệ thứ 4 của triều đại Nehru-Gandhi nắm quyền điều hành đảng Quốc đại trong gần như toàn bộ quãng thời gian hoạt động của đảng sau khi Ấn Độ giành được độc lập - năm 1947 tới nay, con đường chính trị của ông Rahul gần như được dọn sẵn và khá thuận lợi.
Ngay trong năm 2004, ông Rahul đã ra tranh cử vào quốc hội Ấn Độ và giành được chiếc ghế đại diện của khu vực Amethi thuộc bang Uttar Pradesh. Đến năm 2007, ông này trở thành tổng thư ký của đảng Quốc đại vốn đang do mẹ ông làm chủ tịch nắm quyền điều hành.
Năm 2008, ông khởi động chiến dịch có tên “Khám phá Ấn Độ” – một chiến dịch được cho là nhằm vận động ủng hộ, xây dựng hình ảnh một nhà lãnh đạo tương lai.
Tháng 1/2013, ông Rahul được bầu làm Phó Chủ tịch đảng Quốc đại, sát cánh bên mẹ là bà Sonia trong việc điều hành các hoạt động của đảng. Dù đã nỗ lực để thoát ra khỏi cái bóng của cha mẹ và tạo lập chỗ đứng của mình trên chính trường nhưng nhiều người vẫn nhớ đến Rahul như một người đàn ông hay ngại ngùng, thích những trận đấu bóng và các hoạt động ngoài trời hơn là các hoạt động chính trị.
Ngay trong nội bộ đảng Quốc đại cũng có những ý kiến mâu thuẫn. Nhiều người muốn ông Rahul đóng vai trò lớn hơn trong đảng nhưng cũng có nhiều người băn khoăn về khả năng của ông này và bị miêu tả là “hoàng tử bất đắc dĩ”.
Trên cương vị nhân vật số 2 của đảng trong nhiều năm, ông được cho là người có thực quyền nhưng lại không phải chịu nhiều trách nhiệm do đã có người mẹ gánh vác.
Thất bại của một triều đại
Tại cuộc bầu cử năm 2014, ông Rahul trở thành ứng viên của đảng Quốc đại. Trước cuộc bầu cử, với việc đảng Quốc đại đang là đảng cầm quyền, bản thân là hậu duệ của gia tộc chính trị hùng mạnh nhất Ấn Độ, nhiều người nghĩ rằng ông Rahul có nhiều triển vọng kế nghiệp cha. Thế nhưng, kết quả bầu cử đã không diễn biến như vậy.
Sau thất bại, ông Rahul bị chê trách là đã không tập trung làm việc dẫn tới kết quả không tốt.
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến thừa nhận thất bại trên không chỉ do ông Rahul mà còn do chính phủ của đảng Quốc đại lúc bấy giờ đã khiến cử tri không hài lòng về tăng trưởng kinh tế chậm chạp, tỉ lệ lạm phát cao và hàng loạt những vụ bê bối gây bức xúc trong dư luận khiến ứng viên Narendra Modi của đảng BJP với quan điểm dân túy chiếm được sự ủng hộ của nhiều người dân hơn.
Rahul Gandhi và mẹ là bà Sonia |
Thất bại của liên minh do đảng Quốc đại dẫn đầu trước Đảng Bharatiya Janata (BJP) của Thủ tướng Narendra Modi tại cuộc tổng tuyển cử diễn ra năm 2014 là thất bại nặng nề của không chỉ đảng Quốc đại mà còn là thất bại của gia tộc Gandhi – gia tộc đã sản sinh ra ba thủ tướng.
Chỉ ít ngày sau khi kết quả bầu cử được công bố, ông Rahul Gandhi đã lên tiếng nhận trách nhiệm về kết quả tồi tệ nhất của đảng tại các cuộc bầu cử từng diễn ra. Tuyên bố của ông Rahul được đưa ra sau khi đã có nhiều chỉ trích nhằm vào ông. Người phát ngôn BJP Ravi Shankar Prasad lúc bấy giờ - từng tuyên bố kết quả bầu cử cho thấy “nền chính trị thừa kế và gia tộc đang bị trừng trị”.
Con đường có còn rộng mở?
Sau thất bại, cả ông Rahul và mẹ của ông đều nộp đơn xin từ chức nhưng ủy ban thường trực của đảng đã không chấp thuận đề nghị của họ.
Trong vài tháng đầu năm 2015, ông Rahul đã biến mất, dấy lên những đồn đoán về tương lai chính trị của ông. Song, ít lâu sau đó, ông đã quay trở lại và tiếp tục hoạt động chính trị mạnh mẽ.
Đến tháng 12/2017, sau nhiều đồn đoán, đảng Quốc đại thông báo vị trí chủ tịch của đảng đã thuộc về ông Rahul Gandhi. Thông tin trên đã chấm dứt những tranh cãi suốt mấy nhiều năm liền về khả năng người thừa kế của triều đại Nehru-Gandhi có thể đảm đương vị trí mà mẹ của ông, hiện đã bước sang tuổi 72, đã đảm nhiệm từ năm 1998 hay không. Kết quả này cũng cho thấy nhiều người Ấn Độ vẫn tin vào huyền thoại một thời của dòng họ chính trị nổi tiếng nhất của quốc gia Nam Á thời hiện đại.
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào năm tới, ngày 23/4 vừa qua, ông Rahul Gandhi đã khởi động chiến dịch có tên “Cứu lấy hiến pháp”. Chiến dịch kéo dài tới ngày 14/4/2019 của đảng Quốc đại được tiến hành nhằm lôi kéo sự ủng hộ của người dân thuộc các bộ lạc của Ấn Độ trong bối cảnh những vụ bạo lực nhằm vào nhóm đối tượng này đang gia tăng thời gian qua.
Trong phát biểu khởi động chiến dịch, ông Rahul đã thách thức Thủ tướng Modi tham gia tranh luận trực tiếp với ông trong 15 phút. Ông này cũng tuyên bố sẽ khiến thủ tướng “không nói nên lời” về các vấn đề xung quanh thỏa thuận mua tên lửa Rafael, tỉ phú lừa đảo Nirav Modi và tình trạng gia tăng các vụ phạm tội hình sự nhằm vào phụ nữ ở Ấn Độ.
5 thế hệ hoành tráng của gia tộc Nehru - Gandhi:
• Thế hệ thứ nhất - ông Motilal Nehru (1861-1931): Là lãnh đạo của phong trào giải phóng Ấn Độ, Motilal Nehru từng 2 lần giữ vị trí Chủ tịch đảng Quốc đại và là một luật sư chuyên nghiệp. Ông được xem là tộc trưởng sáng lập gia tộc Nehru-Gandhi lừng lẫy. Sau vụ quân đội Anh thảm sát người Ấn vào năm 1919, Motilal Nehru chính thức gia nhập phong trào giải phóng dân tộc do Mahatma Gandhi đứng đầu.
• Thế hệ thứ 2 - ông Jawaharlal Nehru (1889-1964): Sát cánh bên ông Mahatma Gandhi và cha mình là ông Motilal, Jawaharlal Nehru là một nhân vật chủ chốt trong phong trào giải phóng dân tộc của Ấn Độ. Ông là thủ tướng đầu tiên của đất nước Ấn Độ độc lập và cũng là chủ tịch đảng Quốc đại. Trong suốt thời gian giữ chức thủ tướng từ năm 1947 đến 1964, ông là người đã định hình các chính sách đối ngoại, kinh tế và đối nội của đất nước Ấn Độ non trẻ, trở thành người có vai trò quan trọng trên chính trường đất nước cả trước và sau độc lập.
• Thế hệ thứ 3 - bà Indira Gandhi (1917-1984): Indira là con duy nhất của ông Jawaharlal Nehru. Về sau, bà kết hôn với ông Feroze Gandhi, cũng là một thành viên của đảng Quốc đại. Indira chính là nữ thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ. Bà nắm quyền từ năm 1966 đến 1977 và từ năm 1980 cho đến khi bị ám sát vào năm 1984.
• Thế hệ thứ 4 - ông Rajiv Gandhi (1944-1991): Ông Rajiv trở thành người kế nhiệm mẹ, giữ chức Thủ tướng Ấn Độ từ năm 1984 đến 1989, cũng là thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước này. Ông bị ám sát vào năm 1991 khi tới Tamil Nadu. Sau khi ông qua đời, vợ của ông là bà Sonia Gandhi (sinh ra ở Ấn Độ) sau nhiều lần từ chối đã quyết định gia nhập chính trường, trở thành lãnh đạo của đảng Quốc đại. Tuy nhiên, bà không thể trở thành Thủ tướng Ấn Độ vì sinh ra ở nước ngoài.
• Thế hệ thứ 5 - ông Rahul Gandhi: Ông Rahul Gandhi là con trai duy nhất của bà Sonia. Với việc được bầu làm chủ tịch đảng Quốc đại, ông đang được kỳ vọng sẽ viết tiếp truyền thống vẻ vang của gia tộc mình.