Hội nghị nhằm tìm ra cơ chế, chính sách phù hợp cho vùng hội nhập, phát triển kinh tế, nhất là nâng cao giá trị các sản phẩm chủ lực của vùng là lúa gạo, trái cây, thủy sản khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương; tiếp thu khoa học, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, vận động tài trợ vốn đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi cấp thiết và đầu tư nông nghiệp công nghệ cao vào vùng ĐBSCL nói chung và tỉnh Hậu Giang nói riêng.
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành Hội nhập quốc tế về kinh tế - Bộ Công Thương cho biết: Năm 2015, thị trường ĐBSCL chiếm 18,8% tổng mức bán lẻ trong cả nước. Đây cũng là thị trường bán lẻ lớn thứ ba cả nước, chỉ sau vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng.
ĐBSCL là khu vực còn nhiều tiềm năng và nguồn lực phát triển kinh tế ở nhiều lĩnh vực. Với diện tích đất gần 40.000km2, đồng bằng màu mỡ thuận lợi phát triển ngành nông nghiệp; có nguồn lợi thủy sản đa dạng và chiếm đến 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước; có hơn 700km bờ biển và khoảng 28.000km sông ngòi là cơ sở cho việc hình thành hệ thống giao thông vận tải đường thủy, các cảng sông, cảng biển và phát triển du lịch. Sản xuất nông nghiệp vùng chiếm hơn 50% sản lượng nông nghiệp cả nước, có vai trò quan trọng góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
Đánh giá về phát triển của vùng, ông Anh cho biết: Kinh tế ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến, chất lượng sản phẩm hàng hóa được nâng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên phạm vi cả nước và phục vụ xuất khẩu, góp phần đảm bảo cung cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, ĐBSCL vẫn còn một số hạn chế như cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo, việc liên kết các tỉnh, thành còn lỏng lẻo, chưa xây dựng được chiến lược phát triển... để vùng có thể chủ động hội nhập và phát triển bền vững, trước mắt phải giải quyết cho được những “nút thắt” đang tồn tại.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ đánh giá: Nhìn lại cấu trúc và cơ cấu kinh tế của vùng đang có nhiều khiếm khuyết, mặc dù có sự dịch chuyển đúng hướng nhưng diễn ra rất chậm. Nông nghiệp hiện chưa có địa phương nào ứng dụng công nghệ sản xuất thông minh để tăng giá trị và năng suất cao. Ngành công nghiệp vẫn dựa trên chế biến nông thủy sản với sản phẩm sơ chế. Thương mại dịch vụ gia tăng do sức mua nhưng chưa thu hút đầu tư; chỉ dừng lại là đầu mối trong các giao dịch thị trường cũng như dịch vụ hỗ trợ cho các lĩnh vực kinh doanh khác.
Tham dự hội nghị, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Đại học Nam Cần Thơ, cảnh báo: “Người nông dân có thể khó tồn tại trong môi trường thương mại tự do, nếu không có những chính sách tăng cường năng lực cạnh tranh cho họ bằng cách làm cho mọi người có kỹ thuật tay nghề”. GS Xuân đề nghị cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp gắn kết với nông dân, gắn kết được doanh nghiệp với hợp tác xã nông nghiệp hay doanh nghiệp liên kết đầu cánh đồng lớn gắn kết nông dân. Bên cạnh đó, cần thay đổi luật về hợp tác xã, thành lập chuỗi trong liên kết sản xuất nông nghiệp, xây dựng thương hiệu để nâng cao tính cạnh tranh...
Phát biểu trong cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, hạn, mặn đã làm cho nông nghiệp ĐBSCL trong 6 tháng đầu tăng trưởng âm, dẫn tới bình quân của cả nước cũng giảm theo. Trước xu thế hội nhập sâu rộng, thiên tai, tác động biến đổi khí hậu, ĐBSCL cần xem lại có nghiên cứu sâu sắc hơn, cụ thể hơn đối với 3 sản phẩm chủ lực là lúa gạo, thủy sản, trái cây. Phó Thủ tướng cũng giao trách nhiệm cho các bộ, ngành nghiên cứu vấn đề liệu có thể “sống chung với xâm ngập mặn” như “sống chung với lũ”? Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh phải có chính sách đưa doanh nghiệp về ĐBSCL, gia tăng đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp, đồng thời coi trọng việc giải quyết “bài toán” liên kết nông dân - doanh nghiệp.