Tuy nhiên, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thì vẫn cần xem xét lại mức phí này từ góc độ bản chất và chi phí của “dịch vụ/công việc” mà cơ quan cấp phép thực hiện.
Mức phí mới chưa tương ứng với hoạt động thẩm định
Điều 3 Luật Phí và Lệ phí 2015 quy định “Phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả nhằm cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi được cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công”. Như vậy, mức phí phải được xác định dựa trên chi phí cơ quan nhà nước bỏ ra để thực hiện dịch vụ công. Hơn thế nữa, mức phí này chỉ mang tính “bù đắp”, “phục vụ”, chứ không hoàn toàn là “trả ngang giá” cho các chi phí thực tế mà Nhà nước đã bỏ ra.
VCCI cho rằng, dựa trên bản chất này thì mức phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản theo quy định tại Thông tư 230 cũng như trong Dự thảo Thông tư sửa đổi dường như chưa thực sự phù hợp: “Không rõ cơ quan nhà nước đã thực hiện những công việc/dịch vụ gì khi thẩm định, mất thời gian và nhân lực như thế nào mà mức phí chỉ mang tính bù đắp, hỗ trợ đã lên tới 630.000-700.000/lần thẩm định?”- văn bản của VCCI gửi Bộ Tài chính nêu.
Theo quy định tại Thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 30/12/2015 quy định việc chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác, thủ tục xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác gồm các bước: i) Chủ hàng nộp 02 Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác; ii) Trong thời gian không quá 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị xác nhận nguyên liệu, cơ quan thẩm quyền kiểm tra tính xác thực của thông tin đã khai trong Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và xác nhận/không xác nhận.
“Như vậy, với quy định trên, không rõ “kiểm tra tính xác thực của thông tin đã khai trong Giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác” bao gồm những hoạt động gì? Hay chỉ là những hoạt động hành chính, kiểm tra thông qua các dữ liệu có sẵn? Nếu chỉ là hoạt động kiểm tra hành chính, giấy tờ, số liệu thì mức phí trên là quá cao? Nếu là tiến hành kiểm tra thực địa thì là những hoạt động nào? Có phải sử dụng tới các loại máy móc thiết bị tốn kém không, ở mức nào mà cả thời gian xem xét hồ sơ lẫn kiểm tra thực địa chỉ là 2 ngày làm việc mà mức chi phí lên tới trên 700.000 (suy đoán là chi phí bỏ ra phải ở mức đó thì mức phí mang tính hỗ trợ, bù đắp mới là 630.000-700.000 đồng như dự kiến được)” – VCCI đặt vấn đề.
Do đó, các chuyên gia VCCI cho rằng, Ban soạn thảo cần giải trình rõ về các hoạt động thẩm định và các chi phí để thực hiện hoạt động này. Trên cơ sở đó, đề nghị tính toán mức phí thẩm định thấp hơn chi phí thực tế bỏ ra để thực hiện hoạt động này.
Gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp
Trên thực tế, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, các lô hàng xuất khẩu sang EU, mà sắp tới là thị trường Mỹ đều cần phải có giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác. Một lô hàng xuất khẩu có thể có nhiều giấy xác nhận nguyên liệu do mua từ nhiều đợt và từ nhiều tàu cá, tại nhiều địa phương khác nhau (theo quy định tại Thông tư 50/2015/TT-BNNPTNT thì nguyên liệu khai thác ở đâu thì phải xin xác nhận tại cơ quan có thẩm quyền ở địa phương đó). Do đó, với phí thẩm định 630.000-700.000 đồng/lần sẽ tạo gánh nặng về chi phí rất lớn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, một công ty chế biến cá ngừ cỡ vừa, trong năm 2016 cần tới 1.200 bộ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác. Nếu theo mức phí tại Thông tư 230 thì công ty sẽ phải chi trả thêm mức phí này là 840.000.000 đồng/năm.
Hay như với một doanh nghiệp sản xuất hải sản quy mô nhỏ, trong năm 2016, đã làm 220 bộ giấy xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác chỉ cho riêng thị trường EU. Như vậy, ước tính chi phí doanh nghiệp này phải chi trả cho hoạt động xin giấy xác nhận này là 154.000.000 đồng/năm.
Như vậy, có thể thấy mức “phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản” tại Thông tư 230 đã tạo ra gánh nặng chi phí rất lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu nhiều.
VCCI nhận định: “Dự thảo đã sửa đổi Thông tư 230 theo hướng giảm phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản đã thể hiện được tinh thần tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, theo tinh thần của Nghị quyết 75/NQ-CP.
Tuy nhiên, mức giảm phí tại Dự thảo (giảm từ 700.000 đồng/lần xuống 630.000 đồng/lần) dường như chưa thực sự theo đúng kỳ vọng của doanh nghiệp và cần được đánh giá, xem xét lại. Vì với mức giảm này thì gánh nặng về chi phí của doanh nghiệp xuất khẩu theo phản ánh trên sẽ không được giảm đi đáng kể và mức phí theo đề xuất của Dự thảo (630.000 đồng/lần) vẫn được xem là khá cao. Doanh nghiệp đề nghị giảm thêm mức phí, ở mức từ 100.000 đồng/lần – 350.000 đồng/lần”.