Người hoài nghi cho rằng, mua bán sản phẩm là thẩm quyền và chức trách của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, việc tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước cam thiệp vào là không phù hợp Luật Doanh nghiệp. Có ý kiến hoài nghi sợ “đánh trống bỏ dùi”, tâm huyết của Bí thư Thăng có được thực hiện hay vẫn chỉ nằm trên giấy?
Không gặp người mua, sao bán sữa?
Tâm điểm dư luận đang hướng về tân Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng với phép thử của ông và quan niệm “làm cái dân cần”. Đó là chuyện ông Thăng muốn gọi điện cho Tổng Giám đốc Vinamilk để trao đổi về việc hơn 40 ngàn con bò sữa ở Củ Chi không có nơi tiêu thụ sản phẩm, nhưng Chủ tịch UBND huyện Củ Chi không có số điện thoại người này.
Có người khen ông Thăng sâu sát, thực tiễn, xắn tay hành động, không lý luận chung chung. Nhưng có người lại lo xa, cho rằng kinh doanh mua bán là quyền của doanh nghiệp, lãnh đạo không nên can thiệp.
Suy nghĩ này không sai nếu chính quyền, lãnh đạo ép doanh nghiệp phải bao tiêu sản phẩm; hoặc gò ép, áp đặt theo khung giá cả, phương thức mua bán bất công nào đó.
Nhưng trước bối cảnh hoạt động chăn nuôi của hàng ngàn hộ dân đang bế tắc, chuyện tìm hiểu nguyên nhân ách tắc, tìm biện pháp tháo gỡ cho đôi bên hẳn nhiên là trách nhiệm chính đáng, là việc làm cần thiết của chính quyền.
Ông Sáu Dân đã từng đến các nhà máy lắng nghe ý kiến từ người quản lý đến công nhân để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời bao cấp, là tấm gương sáng về việc này.
Hơn thế, ở đây ông Thăng không chỉ quan tâm giải quyết đầu ra cho lượng sữa ứ đọng, mà quan trọng hơn còn làm phép thử với cán bộ, chính quyền địa phương huyện Củ Chi.
Phép thử ấy đã cho ra kết quả tức thì là cán bộ chỉ nghe báo cáo cấp dưới và báo cáo lên cấp trên, mà không hề động tay động não giải quyết vấn đề trong phạm vi trách nhiệm của mình.
Huyện Củ Chi không có số điện thoại của Tổng Giám đốc Vinamilk, đơn vị tiêu thụ 80% lượng sữa bò của huyện.
Ngay tại cuộc họp này, ông Thăng đã lý giải:“Tôi kiểm tra thế là đã biết ngay. Chủ tịch huyện chưa gặp Tổng Giám đốc Vinamilk thì làm sao biết được nguyên nhân bà con bán không được sữa. Sản lượng sữa của đàn bò Củ Chi đâu thấm gì so với năng suất của Vinamilk? Phải gặp họ mới có phương thức để giải quyết cho bà con được”.
Bí thư Thăng thăm mẹ Việt Nam anh hùng tại TP.HCM |
Buộc “con bệnh” chuyển động, sửa chữa
Không phải lần đầu tiên ông Thăng dùng phép thử này. Cách đây không lâu, trong cuộc họp tổng kết hoạt động giao thông đường bộ, ông Thăng đã chỉ đạo phải tháo dỡ các bảng biển báo không hợp lý.
Những người có trách nhiệm về các biển báo này đã lý giải nào là về phân cấp quản lý, nào là không có kinh phí phương tiện… Trong thời đại thông tin đa dạng, thế giới thu gọn trong một cái điện thoại thông minh, những người có trách nhiệm quản lý biển báo giao thông ở trung ương và địa phương vẫn như cách xa nhau hằng mấy thiên hà.
Ấy vậy mà chỉ với một tuyên bố “anh nào không làm được thì đi chỗ khác chơi”, chỉ sau mấy ngày Tổng cục Đường bộ đã báo cáo tháo dỡ hàng trăm biển báo bất hợp lý.
Tương tự, sau chỉ đạo của ông Thăng một ngày, ngành giao thông TP.HCM đã thay đổi hệ thống biển báo cấm dừng đỗ theo ngày chẵn lẻ trên khắp các con đường khu trung tâm Sài Gòn.
“Phép thử” của ông Thăng chính là nghiệm số ông bà ta đã tổng kết: “Đường đi khó không phải vì ngăn sông cách núi, mà vì lòng người ngại núi e sông”.
Những khó khăn vướng mắc, những tồn tại trong quản lý sinh hoạt đời sống xã hội hiện quả nhiên không phải là không giải quyết được. Có khi chỉ do người có trách nhiệm không muốn, không cần nhọc công giải quyết, đổ vấy cho các nguyên nhân khách quan.
Đó là căn bệnh trì trệ, kém hiệu quả của một số người trong guồng máy quản lý hiện nay. Nói cụ thể hơn là chính quyền ở một số nơi đã trở nên ì ạch, không thực hiện thiên chức phục vụ nhân dân, mà lắm khi lại thành thế lực sách nhiễu, phiền hà đời sống người dân.
Điểm mới đáng lưu ý của phép thử này là không bằng lời nói, không bằng lý thuyết suông, ông Thăng đã bằng hành động cụ thể, buộc căn bệnh đang “tàng hình” phải hiện ra để mọi người nhận diện.
Không chỉ buộc căn bệnh hiện hình, ông Thăng còn buộc “con bệnh” phải chuyển động, sửa chữa. Chỉ hơn 100 phút sau cuộc họp, Chủ tịch huyện Củ Chi và lãnh đạo Vinamilk đã có thông tin qua lại. Việc mua sữa bò chưa phải đã thông suốt, nhưng ít nhất cũng tìm ra được nguyên nhân ách tắc.
Làm cái dân cần
Với guồng máy, với những cán bộ đang có quán tính nghe báo cáo từ cấp dưới, đẩy báo cáo đó lên cấp trên, thì việc tạo ra sự chuyển động có hiệu quả không phải dễ dàng.
Với ông Thăng, ngoài phép thử khá thực tiễn, người dân còn hy vọng vào một “vũ khí”, một “phương thuốc” mà ông đã từng áp dụng khá thành công trong vai trò tư lệnh ngành Giao thông.
Đó là việc xin toàn quyền trách nhiệm trong lĩnh vực phụ trách và lời tuyên bố sẵn sàng “trảm tướng”. Trong một số trường hợp, “án trảm” của ông đã thật sự thúc đẩy được tiến độ, chất lượng công trình.
Như với Cảng Hàng không Đà Nẵng, ông Thăng đã quyết liệt đến mức: “Nếu mà bảo không xong được, thì thuê tôi, tôi chỉ huy”.
Đối với TP.HCM, trong nhiều năm qua, người dân cứ thắc mắc hàng ngàn tỉ đã đầu tư chống ngập đã trôi đi đâu khi TP ngày càng bị ngập nhiều hơn. Người dân cứ nói đùa là đến nay chỉ còn một điểm ngập là toàn TP. Trong bối cảnh ấy, không có ai chịu trách nhiệm.
Tương tự, phòng chống cứ phòng chống, kéo giảm cứ hô hào, nhưng tình trạng tội phạm gia tăng hàng năm cứ diễn ra. Hy vọng rằng lần này “thượng phương bảo kiếm” của ông Thăng sẽ tỏ rõ oai thần.
Người dân lóe lên hy vọng rằng với cách làm mới, với phương châm “vì dân hành động” thể hiện trong câu nói: “Anh nói dở mà làm được nhiều việc cho dân thì người ta cũng theo. Bớt nghị quyết hội họp đi, hành động ngay cái dân cần”, guồng máy quản lý của TP sẽ từng bước có chuyển động.
Một điều đáng mừng khác là đồng hành với ông Thăng, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại buổi làm việc đầu năm với thủ trưởng các đơn vị, đã phát biểu: “Cán bộ không đảm đương nhiệm vụ thì xin thôi”. Điều đó cùng thể hiện quyết liệt ý chí thúc đẩy guồng máy quản lý của TP chuyển động theo hướng “làm cái dân cần!”
Một tuần lễ quá ngắn so với vòng quay của một nhiệm kỳ. Vì vậy, hãy còn quá sớm để bình phẩm đánh giá về kết quả của các chỉ đạo này. Tuy nhiên về cách làm lập tức động chạm vào những vấn đề cụ thể của người dân đang bức xúc, đã nhen lên trong dư luận xã hội những tín hiệu phấn chấn lạc quan/.