Rác thải ngành này là nguồn của ngành kia
Hoạt động kinh tế của Việt Nam từ trước đến nay vẫn chủ yếu dựa vào cách tiếp cận truyền thống, đó là kinh tế tuyến tỉnh. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng thiếu hụt các nguồn tài nguyên thiên nhiên và ô nhiễm môi trường. Để khắc phục vấn đề này, các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang hướng đến phát triển kinh tế tuần hoàn (KTTH) nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường (BVMT).
Luật BVMT năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 dành một điều quy định về KTTH: Điều 142. Theo đó, KTTH là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Để triển khai KTTH, bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh thực hiện lồng ghép KTTH ngay từ giai đoạn xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển; quản lý, tái sử dụng, tái chế chất thải.
Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có trách nhiệm thiết lập hệ thống quản lý và thực hiện biện pháp để giảm khai thác tài nguyên, giảm chất thải, nâng cao mức độ tái sử dụng và tái chế chất thải ngay từ giai đoạn xây dựng dự án, thiết kế sản phẩm, hàng hóa đến giai đoạn sản xuất, phân phối.
KTTH hội tụ 4 lợi ích để doanh nghiệp phát triển bền vững: Tiết kiệm tài nguyên, BVMT, thúc đẩy phát triển kinh tế và lợi ích xã hội. Đặc tính của KTTH là biến rác thải ngành này thành nguồn của ngành kia, đồng thời góp phần giảm thiểu phát thải khí nhà kính và biến đổi khí hậu.
Do đó, mô hình KTTH sẽ góp phần giảm tiêu thụ nguyên liệu, thu hồi chất thải do con người sản xuất, giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay KTTH mới chỉ chủ yếu được áp dụng ở các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các tập đoàn đa quốc gia.
PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) cho biết, đối với phát triển KTTH tại Việt Nam, thách thức chủ yếu là sự nhận thức đúng bản chất của KTTH, KTTH gắn với đổi mới công nghệ và thiết kế, chưa có bộ tiêu chí để nhận diện đánh giá.
Trách nhiệm pháp lý của nhà sản xuất
Luật BVMT năm 2020 có nhiều cải cách, thay đổi lớn trong tiếp cận chính sách môi trường và một trong những thay đổi đó là quy định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (gọi tắt là EPR). EPR lần này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy cải cách hệ thống quản lý chất thải rắn hiện nay, từng bước hình thành ngành công nghiệp tái chế và là nền tảng quan trọng cho xây dựng nền KTTH ở Việt Nam. EPR là cách tiếp cận của chính sách môi trường, theo đó trách nhiệm của nhà sản xuất một loại sản phẩm được mở rộng tới giai đoạn thải bỏ trong vòng đời của sản phẩm đó.
ERP yêu cầu nhà sản xuất có trách nhiệm quản lý các sản phẩm sau khi chúng trở thành rác thải, bao gồm: Thu gom; tiền xử lý như phân loại, tháo dỡ hoặc khử ô nhiễm; (chuẩn bị cho) tái sử dụng; thu hồi (tái chế và thu hồi năng lượng) hoặc cuối cùng thải bỏ.
Theo Luật BVMT năm 2020, về EPR, nhà sản xuất có 2 trách nhiệm: Trách nhiệm tái chế chất thải và trách nhiệm xử lý chất thải.
Như vậy, EPR trở thành một công cụ chính sách thúc đẩy nền KTTH, được xem là một cách tiếp cận mới nhằm tìm kiếm giải pháp tài chính xử lý vấn đề quản lý chất thải và tăng cường tái chế, giúp Chính phủ đạt được mục tiêu về môi trường mà không cần tăng thuế hay phí môi trường.
Theo nội dung dự thảo Nghị định quy định chi tiết trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhà nhập khẩu theo quy định của Luật BVMT 2020 đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến góp ý, với trách nhiệm tái chế, nhà sản xuất phải tái chế các sản phẩm hoặc bao bì đóng gói sản phẩm của mình đưa ra thị trường theo một tỷ lệ và quy cách bắt buộc.
Cụ thể, có 6 sản phẩm nằm trong danh mục phải được tái chế là: Pin và ắc quy, thiết bị điện tử, dầu nhớt, săm lốp, phương tiện giao thông và các loại bao bì. Để thực hiện trách nhiệm của mình, nhà sản xuất, nhập khẩu được lựa chọn một trong 4 hình thức: Tự mình thực hiện tái chế; thuê các đơn vị có chức năng tái chế; liên kết với nhau thành lập tổ chức đại diện thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất để tổ chức hoạt động tái chế; đóng góp kinh phí cho Quỹ BVMT Việt Nam để tổ chức tái chế.
Đối với trách nhiệm xử lý, nhà sản xuất phải đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải rắn trong trường hợp sản xuất, đưa ra thị trường các bao bì chứa sản phẩm độc hại hoặc không có khả năng tái chế hoặc khó thu gom, xử lý. Trong đó, các sản phẩm sẽ được áp dụng là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, sơn, keo; kẹo cao su; thuốc lá điếu và một số sản phẩm có sử dụng thành phần chất dẻo tổng hợp khó thu gom.