“Phạt nguội” xe dừng, đỗ trái phép: Có dễ thực thi?

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
(PLVN) - Từ 15/12/2020, Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội ra quân đợt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT) cuối năm 2020. Một trong những điểm đặc biệt trong đợt này là lực lượng CSGT Hà Nội thay đổi biện pháp xử phạt các ô tô dừng, đỗ trái phép bằng việc dán thông báo phạt nguội trên kính xe.

Biện pháp “thuận tiện”

Với cách xử lý lỗi ô tô dừng, đỗ trái phép trước đây, CSGT lập biên bản có xác nhận của người làm chứng, sau đó dán niêm phong và cẩu xe về nơi tạm giữ. Việc phải cẩu xe vi phạm về đơn vị tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc, tai nạn giao thông. Chưa kể, thủ tục cẩu xe cũng mất thời gian và tài xế ngoài tiền phạt còn phải trả tiền cẩu xe. So với biện pháp cũ thì phương pháp mới được đánh giá tiện lợi hơn cho CSGT cũng như người vi phạm.

Trung tá Trần Quang Vinh - Đội trưởng Đội Tuyên truyền giải quyết tai nạn, Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho hay, các phiếu thông báo dán trên kính xe có đủ nội dung, thời gian, địa điểm vi phạm kèm xác nhận của lực lượng chức năng, người làm chứng, địa điểm, thời gian tài xế cần tới cơ quan chức năng để nộp phạt.

Với xe bị dán thông báo vi phạm, trong thời hạn 3-5 ngày tiếp theo, CSGT sẽ xác minh thông tin về phương tiện và chủ phương tiện để gửi thông báo, yêu cầu chủ phương tiện và cá nhân, tổ chức có liên quan đến giải quyết.

Vi phạm cũng được cập nhật vào phần mềm trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT. Quá thời hạn 15 ngày kể từ ngày gửi thông báo mà chủ phương tiện, người vi phạm không đến giải quyết, CSGT sẽ gửi thông báo đến Công an địa bàn nơi chủ phương tiện cư trú, học tập, đồng thời gửi thông báo cho cơ quan đăng kiểm để phối hợp xử lý.

Theo Đại tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an: “Việc dừng, đỗ phương tiện sai quy định gây ùn tắc giao thông và nguy cơ mất ATGT rất cao. Theo đó, việc áp dụng hình thức xử lý vi phạm mới là dán thông báo trên kính xe sẽ thuận tiện cho CSGT lẫn người vi phạm, nhất là trong dịp gần Tết phương tiện tham gia giao thông thường có xu hướng tăng cao như hiện nay. Sau một thời gian triển khai hình thức xử lý mới này, Cục CSGT sẽ tổng kết lại, có đánh giá, đề nghị có biện pháp cách thức thu thập chứng cứ để xử lý một cách tốt hơn”.

Ngoài ra, Phòng CSGT Công an Hà Nội cũng cho hay việc dán thông báo “phạt nguội” chỉ áp dụng đối với xe không gây ùn tắc. Trường hợp ôtô đỗ, dừng gây cản trở giao thông, CSGT vẫn cẩu, kéo về bãi tạm giữ theo quy định.

Cho mượn xe, ai nộp phạt?

Theo thống kê của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, trong ngày 15/12, các tổ công tác của Phòng CSGT Hà Nội đã lập biên bản 236 trường hợp ô tô đỗ dừng đỗ sai quy định, trong đó 11 trường hợp CSGT phải dán thông báo trên kính xe, còn lại 225 trường hợp lập biên bản tại chỗ. “Đây là những trường hợp, “khổ chủ” nghe loa CSGT gọi đã xuất hiện và chấp hành việc xử lý vi phạm”, một cán bộ CSGT Hà Nội cho hay.

Cầm tờ thông báo “phạt nguội” về lỗi dừng đỗ với mức phạt 900 nghìn đồng, chị X cho biết, trước đây có lần xe bị cẩu đi, phải nháo nhào bắt xe taxi tới trụ sở công an để nộp phạt rồi còn phải trả thêm tiền xe cẩu. “Cách xử phạt mới này văn minh, đỡ gây tốn kém cho tài xế, sai thì phải phạt, tôi đồng tình”, chị X nói.

Đồng tình với cách xử phạt mới nhưng Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội lo ngại việc dán thông báo phạt nguội sẽ nảy sinh các tranh chấp về dân sự. Ví dụ, người đi mượn, thuê xe cầm giấy thông báo xử phạt nhưng không nộp phạt, khi đó chủ xe sẽ không biết. Cơ quan chức năng lại chỉ ghi số xe, loại xe... nên người nhận thông báo nộp phạt sẽ là chủ xe chứ không phải người trực tiếp vi phạm.

Về lo ngại này, Trung tá Nguyễn Văn Công, Đội phó Đội CSGT số 4 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, việc dán thông báo phạt nguội lên kính xe sẽ giúp chủ xe có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc cho thuê/mượn xe bởi nếu không, chủ xe sẽ phải là người nộp phạt thay người vi phạm. 

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, thành phố hiện có khoảng 6,9 triệu phương tiện giao thông và 1,2 triệu phương tiện ngoại tỉnh thường xuyên ra vào. Lưu lượng xe không ngừng tăng nhanh không chỉ dẫn đến tình trạng ùn tắc, mất an toàn giao thông mà còn gây áp lực rất lớn lên hạ tầng giao thông tĩnh như điểm đỗ vốn mới chỉ đáp ứng được 8-10% nhu cầu. Hà Nội chỉ có 939 điểm trông giữ xe, trong đó hơn 600 điểm trên vỉa hè, 300 điểm dưới lòng đường.

Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông vận tải cho biết, việc ra quân xử “phạt nguội” các phương tiện dừng đỗ sai quy định của lực lượng CSGT là rất tốt để đảm bảo trật tự giao thông.

Tuy nhiên, đây chỉ là chiến dịch, giải pháp tình thế nên hiệu quả sẽ chưa cao. Để giải quyết tận gốc vấn đề này, Hà Nội cần có kế hoạch, quy hoạch các điểm, các bãi đỗ xe, tăng diện tích giao thông. Việc bãi đỗ xe đáp ứng được tỉ lệ rất ít nên gây ra rất nhiều khó khăn cho người dân.

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.