Trong thời gian qua, bộ phận “Một cửa hiện đại” ở một số địa phương, đơn vị đã thực hiện chức năng “liên thông” theo quy định nêu tại Quyết định 93/2007/QĐTTg ngày 22- 6- 2007 của Thủ tướng Chính phủ (về việc ban hành Quy chế “Một cửa – Một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương”, gọi tắt là Quyết định 93). Tuy nhiên, một số đơn vị chưa thực hiện đúng quyết định này, vì nhiều lý do.
“Một cửa – Một cửa liên thông”- nếu nghiên cứu đầy đủ và quyết tâm thực hiện, thì sẽ thấy hết được tầm vóc, vị trí, ý nghĩa “vì dân” của Quyết định 93. Quy chế “Một cửa – Một cửa liên thông” của Thủ tướng Chính phủ khẳng định rõ trách nhiệm của cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương khi giải quyết công việc cho tổ chức và công dân phải tự mình chủ động, tích cực liên thông với nhau trong nội bộ các cấp chính quyền và cơ quan chuyên môn để giải quyết mọi “thủ tục cần có” cho nhân dân.
|
Thực tế cho thấy, qua 3 năm thực hiện Quyết định 93 của Thủ tướng Chính phủ, chưa nhiều bộ phận “Một cửa” làm đúng quy định của Nhà nước. Tình trạng “Một cửa kiểu cũ” không phải là hiếm. Để có một loại giầy tờ nào đó, người dân bước vào “Một cửa” nhưng vẫn phải qua “lắm ngách, nhiều khoá”. Bởi vì, người dân vẫn phải đi “nhiều cửa”, đến hết chỗ này, lại sang gặp chỗ kia, xin dấu này, dấu khác…nhiều khi đưa người dân vào “mê cung thủ tục rối mù”. Ví dụ, cấp phường là cấp không có thẩm quyền cấp giấy liên quan đến đất và nhà cho dân, nhưng phần thủ tục ban đầu như: Xác định nguồn gốc đất, hiện trạng, tiếp giáp liền kề, tiện và bất tiện, tranh chấp, công trình nổi, ngầm… đương nhiên phải qua “cán bộ nhà đất phường và lãnh đạo phường ký vào mới được”. Cho nên qua được “cửa này không hề đơn giản”. Mà “cửa” này trong thực tế khó có tiêu chuẩn, quy định nào điều chỉnh được. Đó là chưa nói nhiều xác nhận chỉ mang nội dung “Kính chuyển”, cán bộ phường “làm cũng được, không làm cũng chẳng sai, nhanh cũng tốt, chậm cũng không sợ ai khiển trách. Cho nên, không phải phường nào cũng muốn người dân chỉ đến “Một cửa” ở cấp quận theo Quyết định 93. Theo quyết định này, cấp quận nhận thủ tục ban đầu, sau đó cử người xuống liên thông với phường xác định nguồn gốc, hiện trạng, (không để người dân phải đi lại nhiều lần). Dù không nói ra, nhưng bằng cách làm gây khó dễ, họ sẽ không ủng hộ quyết định “Một cửa liên thông”. Mong muốn của họ là “Một cửa phải là của họ”, ngay từ đầu cán bộ nhà đất phường nhận “khoán gọn” với dân, tự họ nhận tiền, và làm “giúp dân”.
Không ai khác là Đảng, chính quyền phải “làm vì dân thật sự - đứng về phía nhân dân”, không ngại va chạm đến quyền lợi “tiêu cực” xấu của một bộ phận công chức quen làm giàu bằng thủ đoạn bất chính, gây tổn hại đến uy tín của Đảng, hiệu lực của Nhà nước, khẳng định lòng tin của nhân dân vào kết quả cải cách thủ tục hành chính của Hải Phòng. Nhằm ngăn chặn tình trạng “Một cửa lắm ngách, nhiều khoá”, đề nghị cấp uỷ Đảng, chính quyền tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể về hoạt động thực chất tại “Một cửa – Một cửa liên thông” về cả hình thức và nội dung. Về nội dung hoạt động, ngoài bộ phận tiếp nhận hồ sơ như hiện nay, tại “Một cửa” cấp quận, huyện phải thành lập tổ hay bộ phận liên thông. Bộ phận này khoảng từ 3 đến 5 người có nhiệm vụ đến các phường, nhà dân, thực hiện chức năng “Liên thông” trong cơ quan hành chính, thay cho việc người dân phải đi lại nhiều lần. Để “liên thông” làm việc khoa học, hiệu quả cần có chế tài quy định cụ thể về hoạt động “liên thông” trong nội bộ cơ quan hành chính do UBND thành phố quy định thống nhất, các cấp chính quyền, ngành quản lý, cơ quan đơn vị có trách nhiệm thực hiện. Cấp trên thường xuyên kiểm tra, giám sát kết quả “liên thông” kịp thời uốn nắn, bổ sung, xử lý, thưởng, phạt nghiêm minh, để “tính vì dân” của “Một cửa liên thông hiện đại” thực sự phát huy vai trò trong thực tế. /.
Lê Quang Dần
Đề xuất giải pháp cải cách hành chính
Tại hội nghị tổng kết Nghị quyết 02 của Thành ủy về đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2006-2010, lãnh đạo các sở, ngành phát biểu ý kiến, làm rõ kết quả thực hiện nghị quyết, cũng như nguyên nhân của các hạn chế, bổ sung các giải pháp. Phóng viên Báo Hải Phòng ghi lại một số ý kiến tại hội nghị. Giám đốc Sở Xây dựng Lê Khắc Nam: Lãnh đạo phải luôn kiểm tra, đôn đốc 5 tháng đầu năm 2010, dù tình trạng xây dựng không phép, trái phép vẫn chưa chấm dứt, nhưng số tiền thu phạt chỉ là 13 triệu đồng. Chúng tôi đã yêu cầu chấn chỉnh lại lĩnh vực này, phân công chéo các đội thanh tra, tăng cường hoạt động của thanh tra Sở Xây dựng…những động tác này có hiệu quả ngay, số vụ việc xử phạt tăng gấp nhiều lần. Chúng tôi cũng chấn chỉnh hoạt động của bộ phận “một cửa”, quy định rõ, nếu hồ sơ chậm quá 5 ngày chưa giải quyết phải báo cáo lãnh đạo sở, nêu rõ nguyên nhân chậm từ đâu để xử lý. Do đó, bộ phận “một cửa” đã có chuyển biến rõ nét. Vì vậy, theo tôi, dù lĩnh vực nào, lãnh đạo cơ quan, đơn vị đều phải luôn kiểm tra, đôn đốc, nếu không vai trò của thanh tra, hay bộ phận “một cửa” sẽ chỉ mang tính hình thức. Giám đốc Sở Công Thương Đỗ Quang Thịnh: - Chưa xác định được mức độ công việc, tiêu chuẩn cụ thể của công chức, viên chức Lâu nay, vẫn có sự “giằng co” giữa cơ quan quản lý biên chế và cơ quan sử dụng biên chế. Cơ quan nào cũng muốn được tăng biên chế vì tăng biên chế tức là tăng thêm kinh phí. Nguyên nhân chủ yếu là do chúng ta chưa phân định cụ thể được tiêu chuẩn, định mức công việc của mỗi công chức, viên chức, chế độ lương thỏa đáng, xử phạt nghiêm minh…và vẫn luẩn quẩn trong việc biên chế lớn, lương thấp, công việc không cụ thể, trách nhiệm chưa rõ ràng, dẫn đến tình trạng một số công chức, viên chức làm việc không tâm huyết, hiệu quả thấp, bộ máy cồng kềnh. Do đó, muốn tạo chuyển biến trong công tác cán bộ, công chức, chúng ta phải cụ thể hóa được định mức công việc, trách nhiệm của mỗi người. /.