9 nội dung vận động gồm: Ông bà, cha mẹ sống mẫu mực; Con cháu sống hiếu thảo, chăm ngoan; Nhường nhịn, giúp đỡ người già, người tàn tật, phụ nữ có thai, trẻ em; thân thiện với mọi người. Thực hiện “văn hóa xếp hàng”; Nhường đường, chào tiễn biệt khi gặp đám tang; Tôn trọng các phần đường hoặc lề đường ưu tiên, khu vực dành cho người đi bộ. Hạn chế bấm còi, bật đèn chiếu xa; không rồ ga, phóng nhanh, vượt ẩu khi tham gia giao thông;
Không xả rác và vận động những người xung quanh không xả rác. Hạn chế tối đa sử dụng túi nilon; Trang phục lịch sự, phù hợp khi buôn bán, trong các di tích và nơi công cộng; Không gian lận, chèo kéo, chèn ép khách hàng. Không nói tục, chửi thề, cãi vã, gây ồn ào tại nơi ở và nơi công cộng; Luôn chăm sóc và bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên; Cố gắng làm nhiều việc tốt, việc có ích hàng ngày.
Theo lãnh đạo TP, Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 1999. Những di sản vật thể được công nhận mang nhiều giá trị lịch sử quý giá đã góp phần tạo dựng hình ảnh, thu hút du khách đến với Hội An. Và những “di sản phi vật thể” về văn hóa, tinh thần, đặc biệt, tính cách thuần hậu của người Hội An lại chính là điểm ấn tượng khiến du khách thêm yêu quý và muốn quay trở lại Hội An.
Tuy nhiên, trải qua biến thiên thời gian, cùng tác động của kinh tế thị trường và sự du nhập nhiều nền văn hóa khác nhau, những giá trị văn hóa tốt đẹp và tính cách thuần hậu, tử tế vốn có của người Hội An dần bị phai nhạt. Người Hội An ngày nay ít nhiều trở nên thực dụng hơn, những diễn biến xấu có nguy cơ lấn át sự tử tế trong văn hóa Hội An ngày càng được nhắc đến nhiều hơn.
Nhận thấy điều này, trong nỗ lực nhằm khôi phục lại những giá trị tốt đẹp của người Hội An xưa trong lối sống và cách đối nhân xử thế, Hội An đã xây dựng đề án trên vận động nhân dân địa phương cùng nhau thực hiện.