Không gian nội đô bị chia cắt
Theo giới thiệu, Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP HCM có chiều dài tuyến 1.570 km, tốc độ thiết kế lên tới trên 300 km/h, tổng vốn đầu tư dự kiến 58 tỷ USD. Với sự kết nối giao thông của tuyến đường sắt cao tốc với tuyến đường sắt quốc gia, các tuyến giao thông đường bộ liên tỉnh sẽ ảnh hưởng mạnh đến định hướng đô thị hóa của các địa phương mà nó đi qua.
Hiện nay dự án đang được nghiên cứu bởi liên doanh tư vấn TEDI -TRICC -TEDIS. Đây là các đơn vị tư vấn trong nước về lĩnh vực giao thông vận tải. Việc hướng tuyến chạy qua nhiều tỉnh, thành nên đơn vị tư vấn đã và đang phối hợp lấy ý kiến các địa phương.
Với Đà Nẵng, trong buổi làm việc lần đầu tại Sở GTVT, phía tư vấn có đề xuất phương án sử dụng chính hành lang tuyến đường sắt quốc gia được phê duyệt theo Quy hoạch chung năm 2002. Hành lang này đã được TP quản lý mười mấy năm nay và sẽ khá thuận lợi về mặt giải phóng mặt bằng.
Tuy nhiên, xét về lợi ích chung của đô thị, KTS Bùi Huy Trí cho rằng, đó không phải là một lựa chọn tối ưu. KTS Bùi Huy Trí phân tích, thứ nhất, theo quy hoạch chung năm 2002 đến năm 2020, không gian đô thị Đà Nẵng chỉ phát triển tới tuyến đường sắt quy hoạch có nhà ga ở khu vực phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu.
Nhưng ở thời điểm hiện nay, đô thị đã phát triển vượt qua ranh giới này và sẽ còn tiếp tục phát triển mạnh về phía Tây theo chủ trương lớn của lãnh đạo TP.
KTS Bùi Huy Trí |
Trong bối cảnh đó, hướng tuyến đường sắt quốc gia theo Quy hoạch chung năm 2002 đã lỗi thời và cần được điều chỉnh dịch chuyển về phía Tây. Điều này có nghĩa khi xuất hiện thêm tuyến đường sắt cao tốc, tuyến này cũng cần được bố trí về phía Tây TP và có thể kết hợp một hành lang với tuyến đường sắt quốc gia để hạn chế chia cắt các không gian lãnh thổ.
Thứ hai, Đà Nẵng có diện tích nhỏ hẹp, “tấc đất tấc vàng” nên cần phải sử dụng sao cho hiệu quả nhất. Không thể chấp nhận việc sử dụng đất nội đô cho các tuyến giao thông đối ngoại. Nếu tuyến đường sắt cao tốc đi trong nội đô, điều lợi tuy không đáng kể nhưng ảnh hưởng rất lớn.
Đối tượng phục vụ của tuyến này là những hành khách đi đường dài và Đà Nẵng sẽ chỉ có 1 ga. Lợi thế đem lại chỉ vài km khoảng cách đi từ trung tâm đô thị ra vùng ngoại vi, cho một lượng hành khách không lớn. Song hệ lụy mang lại muôn đời cho đô thị Đà Nẵng mà khó có thể thay đổi được, là sự chia cắt không gian đô thị, gây ô nhiễm tiếng ồn và sử dụng không hiệu quả đất đô thị…
Quá nhiều bất cập, Đà Nẵng cần lên tiếng
Đáng chú ý, Dự án đang được nghiên cứu bởi liên doanh tư vấn TEDI- TRICC- TEDIS, nhưng theo những tài liệu đã báo cáo, có thể thấy cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu chưa xứng đáng với tầm vóc của Dự án.
KTS Bùi Huy Trí chỉ ra, độ tập trung nghiên cứu của tư vấn là chưa sâu. Việc thiếu cập nhật các thông tin quy hoạch của Đà Nẵng khi đề xuất phương án cho thấy rõ điều đó. Bên cạnh đó, việc lấy ý kiến các địa phương một cách riêng rẽ cũng bất hợp lý.
KTS Bùi Huy Trí phân tích, Dự án gần như xuyên suốt chiều dài đất nước, cách làm việc như vậy đã gạt bỏ đi các yếu tố liên kết giữa các địa phương. Đơn cử như giữa Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi tồn tại nhiều mối liên kết về địa hình tự nhiên, kinh tế và hạ tầng giao thông rất cần được nghiên cứu và lấy ý kiến thông qua các buổi làm việc cùng lúc với cả 3 địa phương.
Thậm chí các địa phương có thể có ý kiến đối với toàn bộ hướng tuyến. Thế nhưng, việc này đã không được đơn vị tư vấn thực hiện.
Về quan hệ giữa tuyến đường sắt quốc gia và tuyến đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi như đề xuất của tư vấn, ông cho rằng cũng bất hợp lý. Theo nguyên lý quy hoạch, khi một đô thị có cả 2 tuyến giao thông đối ngoại gồm đường bộ và đường sắt, khi đó, đường bộ phải được bố trí phía gần đô thị hơn do có mật độ kết nối với đô thị cao hơn tuyến đường sắt. Tuy nhiên, tư vấn đã bố trí ngược lại.
Việc mở rộng đô thị về phía Tây là chủ trương nhất quán của Đà Nẵng. Điều đó có nghĩa khu vực các xã Hòa Tiến, Hòa Khương cũng sẽ được đô thị hóa nhưng theo hướng sinh thái. Việc quy hoạch tuyến đường sắt tại khu vực này không những hạn chế chất lượng đô thị hóa mà còn thiếu tính bền vững bởi khu vực này ở vùng rốn lũ, không phù hợp bố trí tuyến đường sắt. Việc viện dẫn lý do tận dụng ga Lệ Trạch không thuyết phục bởi chỉ là ga nhỏ của một tuyến đường sắt quốc gia.
Theo ghi nhận của PLVN, thời gian qua, cũng có nhiều ý kiến dư luận đồng quan điểm như KTS Bùi Huy Trí đã nêu trên. Nhiều người chia sẻ với PLVN, rằng, đây là dự án cấp quốc gia, việc thực hiện hồ sơ đương nhiên thuộc tư vấn.
Tuy nhiên, các địa phương được phép tham gia ý kiến và xem như chính cơ hội để cân nhắc lợi ích lâu dài của địa phương mình. Giai đoạn đề xuất hướng tuyến cực kỳ quan trọng, không thể làm một cách vội vàng, cẩu thả; thay vào đó cần phải gắn việc các định hướng tuyến đường sắt cao tốc với tầm nhìn về quy hoạch đô thị.
Do đó, lúc này, điều cần thiết nhất nằm ở sự chỉ đạo của lãnh đạo TP Đà Nẵng đối với các sở, ngành để tập trung nghiên cứu đề xuất, tham mưu một cách khoa học và mạnh dạn. Nhiều người gửi gắm qua bài viết của PLVN rằng, tuyến đường sắt cao tốc là dự án cho cả trăm năm, nếu thụ động trông vào đề xuất của tư vấn rất có thể sẽ dẫn đến những sai lầm thế kỷ.