Lừa “ngọt” hơn nửa tỷ đồng
Ngày 4/11/2013, chị Nguyễn Thị Sang (SN 1992, phường Quang Trung, quận Đống Đa) có đơn trình báo đến CQĐT về việc ngày 9/10 bị một đối tượng giới thiệu tên “Tùng” làm việc tại ảnh viện mời làm mẫu ảnh, để lừa đảo chiếm đoạt chiếc xe máy hiệu Vespa và một điện thoại iphone 5.
Kết quả điều tra xác định đối tượng tên Tùng trên chính là Sơn. Sơn có tiền án, tiền sự và không nghề nghiệp. Để có tiền tiêu xài cá nhân, đối tượng nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các cô gái bằng cách giả làm thợ chụp ảnh tại các ảnh viện, hoặc phóng viên ảnh, làm quen rồi thuê họ làm người mẫu. Khi các cô gái tin tưởng giao tài sản, Sơn lợi dụng sơ hở chiếm đoạt rồi bỏ trốn.
Kết quả điều tra làm rõ: Sáng 9/10/2013, Sơn đi xe máy trên Phố Huế, gặp chị Sang đang điều khiển xe máy cùng chiều. Sơn áp sát tự giới thiệu tên Tùng, làm tại một ảnh viện và mời chị Sang làm người mẫu, hứa trả công từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng mỗi lần chụp ảnh. Chị Sang tưởng thật và cho Sơn số điện thoại.
Khoảng 9h cùng ngày, Sơn gọi điện hẹn gặp tại tòa nhà Vincom (phố Bà Triệu). Đúng hẹn, chị Sang chạy xe máy hiệu Vespa đến. Sơn đề nghị cầm lái chở chị đến công ty của mình, sau đó đi vào cổng tầng hầm gửi xe, vờ mượn điện thoại gọi cho người quen.
Nạn nhân không ngần ngại đưa điện thoại. Khi tới cổng tòa nhà Vincom, Sơn bảo chị Sang xuống chờ để mình đi gửi xe, sau đó cầm điện thoại và lái xe của nạn nhân đi vào tầng hầm gửi xe, bỏ trốn theo lối ra.
Đối tượng tắt nguồn điện thoại, tháo Sim, tháo biển số xe máy vứt xuống sông Tô Lịch. Sơn bán xe lấy 7 triệu đồng, bán điện thoại được 9 triệu đồng, tiêu xài cá nhân hết. Kết quả định giá cơ quan tố tụng sau đó kết luận chiếc điện thoại và xe máy Sơn chiếm đoạt có tổng giá trị 60 triệu đồng.
Tại CQĐT, đối tượng thừa nhận hành vi phạm tội như trên. Qua đấu tranh mở rộng, Sơn còn khai nhận, từ tháng 5/2012 đã chiếm đoạt của 8 nạn nhân khác với thủ đoạn tương tự.
Kỳ công hơn, có lần “siêu lừa” còn mời các nạn nhân đến quán cafe, gửi xe xong còn cầm chìa khóa cùng lên uống nước, tạo lòng tin bằng cách đưa tờ mẫu khai thông tin cá nhân, hợp đồng chụp ảnh do mình soạn thảo cho nạn nhân xem. Sau đó, Sơn giả vờ xuống tầng một gọi đồ uống rồi lặng lẽ ra bãi lấy xe máy “chuồn thẳng”.
Như vậy, từ tháng 5/2012 đến tháng 10/2013, Sơn đã gây ra 9 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm 9 chiếc xe máy, 5 điện thoại di động, một máy tính bảng và một số tiền mặt, tổng cộng 564 triệu đồng.
Bị cáo Sơn tại phiên tòa |
Tòa “vắt óc” nghĩ câu hỏi dễ hiểu cho bị cáo
Tháng 2/2015, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử nhưng bị cáo xin hoãn đi giám định sức khỏe tâm thần. Sau một thời gian chờ giám định, kết quả cho thấy bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức hành vi thể nhẹ nhưng vẫn đủ khả năng nhận thức tham dự phiên tòa.
Sáng 21/7/2016, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Sơn về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các bị hại đều vắng mặt. Bị cáo bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi nên có người giám hộ là chị gái.
Qua phần xét hỏi, HĐXX làm rõ hành vi phạm tội của Sơn là lợi dụng những thiếu nữ cả tin, mời làm mẫu ảnh rồi chiếm đoạt tài sản.
Tại tòa, bị cáo khai thường lang thang trên đường phố “nhắm” vào những cô gái trẻ đẹp, đi xe máy đắt tiền để lừa đảo.
Quá trình xét hỏi, HĐXX dùng những câu hỏi đơn giản nhất để bị cáo có thể hiểu và trả lời. Bị cáo khai không nhớ rõ những lần lừa đảo các bị hại ra sao. Số tiền chiếm đoạt được của 9 bị hại, bị cáo khai không biết đã làm gì và từng có ý định trả lại cho họ.
Khi đại diện VKS hỏi bị cáo cách lừa các bị hại học từ đâu, Sơn trả lời học trên mạng internet.
Trong quá trình điều tra vụ án, gia đình bị cáo đã chủ động bồi thường cho 8 bị hại.
Tại tòa, chị gái Sơn trình bày em trai bị bệnh tâm thần sau tai nạn giao thông. Sơn thường xuyên đau đầu, tự đập đầu vào tường hoặc gây ra chuyện cướp giật, trộm cắp để “giải tỏa tâm lý”.
Bị cáo là con trai duy nhất trong gia đình có bốn chị em. Người cha qua đời từ năm 2005, mẹ nằm liệt giường. Bị cáo có vợ và hai con. “Tôi mong tòa xem xét giảm hình phạt cho em trai. Hi vọng đây là lần cuối cùng Sơn phạm tội, lần sau gia đình sẽ không cứu nữa”, chị gái bị cáo nói trong nước mắt.
Tuy nhiên lời đề nghị này không được HĐXX chấp nhận. Bởi trước đó Sơn cũng đã hai lần hầu tòa cùng về tội danh trên. Cụ thể: ngày 24/11/2000, Sơn bị tòa án quận Cầu Giấy (Hà Nội) phạt 36 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản và Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cho hưởng án treo. Đến ngày 27/8/2009, đối tượng lại bị tòa án quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) xử 24 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội Cướp giật tài sản.
HĐXX xét thấy hành vi của bị cáo là nguy hiểm, tuy nhiên có tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đầu thú, đã khắc phục hậu quả, bị hại xin giảm nhẹ hình phạt. HĐXX tuyên phạt Sơn 12 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, cộng với bản án cho hưởng án treo 2 năm trước đó, buộc Sơn phải chịu hình phạt chung là 14 năm tù.
Tên bị hại đã được thay đổi
- Bị cáo làm như thế nào để tiếp cận và lấy tài sản của các bị hại?
- Ban đầu bị cáo làm quen, nói là thợ chụp ảnh với tên khi thì Hùng Cavin, lúc thì Tùng, hay giới thiệu phóng viên ảnh. Sau đó, bị cáo hẹn họ đi uống nước rồi lấy xe và điện thoại. Những người này chủ yếu là phụ nữ trẻ.
- Những chiếc xe bị cáo chiếm đoạt là loại gì?
- Chủ yếu là xe LX, SH
- Tại sao lại chọn những loại xe này?
- Vì những xe này có giá trị.
- Vì sao bị cáo lại hẹn các bị hại đến trung tâm thương mại, quán cafe?
- Bị cáo không biết, đó là những chỗ quen.
- Làm sao bị cáo tách rời được bị hại với tài sản của họ?
- Thường thì bị cáo chủ động cầm lái. Khi lấy xe, bị cáo nói họ đợi rồi đi mất.
- Nguyên nhân bị cáo phạm tội là gì ?
- Mỗi lần như vậy bị cáo thấy thoải mái, cảm giác như được giải tỏa.
Chủ tọa từ đó chất vấn: “Vậy cứ mỗi lần đau đầu, muốn giải tỏa thì bị cáo lại phạm tội ư? Bị cáo phải đi chữa bệnh, cứ thế này thì xác định cả đời trong tù ư”?