Trước đó, Bangladesh là quốc gia đầu tiên cấm túi nilon vào năm 2002, sau khi túi nilon đã khiến hệ thống thoát nước của nước này tắc nghẽn trong một trận lũ lụt. Các quốc gia như Nam Phi, Kenya, Trung Quốc, Rwanda và Mexico đã theo sau, cùng với một số bang của Mỹ.
Thông qua đạo luật này, Pháp đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấm cốc và đĩa nhựa dùng một lần. Theo đó, tất cả các bộ đồ ăn dùng một lần phải được làm từ 50% vật liệu có nguồn gốc sinh học và có thể được tái chế, thay vì chỉ có 1% trong sản phẩm là có thể tái chế được, còn phần lớn các sản phẩm hiện nay được làm bằng hỗn hợp polypropylene và polystyrene.
Mỗi năm, nước Pháp thải ra 4,73 tỷ ly nhựa và khoảng 17 tỷ túi nhựa mà chỉ 1% trong số đó quay lại nhà máy để tái chế. Các cốc nhựa phục vụ đồ uống nóng từ lâu cũng bị nghi ngờ gây tác động tiêu cực đến sức khỏe. Nhiệt có thể giải phóng độc tố trong đồ nhựa gây rối loạn nội tiết. Bộ luật mới sẽ giúp cho đất nước này chấm dứt sự phụ thuộc đối với các loại đồ nhựa sử dụng một lần.
Đạo luật mới này được ban hành sau khi lệnh cấm sử dụng túi nhựa trong hoạt động mua sắm được áp dụng từ tháng 7 vừa qua. Những hoạt động mạnh mẽ này là một phần trong kế hoạch “Tăng trưởng xanh” - một kế hoạch giúp cho Pháp trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới trong lĩnh vực môi trường, phát triển bền vững, với kỳ vọng cắt giảm một nửa chất thải trên mặt đất vào năm 2025 và giảm 40% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030.
Luật mới cũng quy định rằng trong thời gian 3 năm tới, 50% số đồ dùng làm từ nhựa hiện nay phải được chuyển đổi thành vật liệu hữu cơ và có khả năng phân hủy. Tỷ lệ này sẽ tăng lên 60% vào năm 2025.
Thông tin này đã được chào đón nồng nhiệt bởi các nhóm bảo tồn trên thế giới. Các nhà khoa học dự đoán rằng đến năm 2050, sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn cả cá trong đại dương của chúng ta. Những hành động dứt khoát và quyết liệt là điều rất cần thiết vào lúc này và sẽ giúp chúng ta giảm nhẹ được những vấn đề về chất thải khi dân số toàn cầu đang tăng lên nhanh chóng.
Tuy nhiên, lệnh cấm này đang dấy lên một làn sóng lo ngại, cho rằng việc Pháp cấm các sản phẩm từ nhựa có thể ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp có liên quan, trong đó có Pack2Go - một nhà sản xuất bao bì Châu Âu. Họ cho rằng việc Pháp cấm nhiều dòng sản phẩm của họ là hành động vi phạm luật pháp Châu Âu. “Chúng tôi đang thúc giục Ủy ban Châu Âu thực thi điều đúng đắn và có hành động pháp lý chống lại sự vi phạm của Pháp”, đại diện Pack2Go tuyên bố. “Nếu họ không có hành động, chúng tôi sẽ tự chống lại nó”.
Bộ Môi trường Pháp chưa có trả lời với tuyên bố của Pack2Go nhưng khả năng cao lệnh cấm sẽ vẫn có hiệu lực vào đúng thời điểm. Trước đây, nhiều nước trên thế giới bao gồm Mỹ và Canada cũng đã thông qua lệnh cấm với những chiếc cốc nhựa dùng một lần.