Cụ thể, Phan Văn Anh Vũ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét lại toàn bộ bản án một cách khách quan, toàn diện, trả lại sự công bằng cho mình. Ông Vũ cho rằng việc tuyên ông phạm tội “Vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai với tư cách là đồng phạm với các bị cáo nguyên là lãnh đạo và cán bộ UBND TP Đà Nẵng là không có căn cứ, làm oan cho ông”.
Theo ông Vũ, VKSND Tối cao đã không có đủ cơ sở để buộc tội ông và HĐXX cấp sơ thẩm đã không đánh giá một cách toàn diện, khách quan, bản chất sự thật của vụ án và đưa ra phán quyết ông có tội, như vậy là gây oan sai cho ông.
Ông Vũ cho rằng nếu ông có tội thì phải chứng minh chứng cứ vật chất nào là chứng cứ buộc tội và khi không đủ chứng cứ thì phải áp dụng điều 13 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 tuyên ông không có tội.
Ông Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng) cũng kháng cáo kêu oan, cho rằng mình làm đúng theo chủ trương của thành phố. Trước đó, ông Minh bị Tòa cấp sơ thẩm tuyên phạt 17 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” và tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Cựu Chủ tịch Đà Nẵng Văn Hữu Chiến vừa có đơn kháng cáo kêu oan một phần và đề nghị xem xét lại bối cảnh Đà Nẵng cách đây 15 năm cho mình.
Theo chia sẻ của Luật sư Trần Việt Hùng – luật sư bào chữa cho ông Văn Hữu Chiến (cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng), thân chủ của ông đã gửi đơn kháng cáo tới Tòa án. Trong đơn kháng cáo, ông Văn Hữu Chiến đề cập đến 5 nội dung, trong đó, ông Chiến kêu oan ở quy kết buộc tội ông tại Dự án 29ha thuộc khu đô thị mới Đa Phước.
Luật sư Trần Việt Hùng cho hay không riêng ông Chiến kêu oan ở nội dung này mà nhiều bị cáo liên quan khác cũng kêu oan nội dung này. Bởi theo lời luật sư, đất tại dự án trên không thể đấu giá được vì đây là tài sản của nhà đầu tư Hàn Quốc Daewon. Việc quy buộc đất trên phải đấu giá, không đấu giá là vi phạm quy định về quản lý đất đai là không đúng.
Đối với tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo điều 219 Bộ Luật Hình sự năm 2015, ông Chiến cho rằng quy kết ông phạm tội danh này là không đúng vì hành vi vi phạm xảy ra trước năm 2015. Việc quy kết nêu trên trái với tinh thần Nghị quyết 41 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự.
Tiếp lời, luật sư Hùng cho biết trong đơn kháng cáo, ông Chiến cho rằng trong số 19 căn nhà ông ký giảm giá trong thời kì làm Phó chủ tịch, ông chỉ là người thực hiện theo chỉ đạo của Chủ tịch, Bí thư thành phố khi đó. Bản thân ông Chiến dù phụ trách về lĩnh vực tài nguyên môi trường nhưng không nhận trực tiếp một lá đơn đề nghị nào, ông cũng không có bút phê gì. Việc giảm giá 10% là chủ trương chung của TP Đà Nẵng đã được Thường trực Thành ủy, HĐND thành phố đồng ý, tập thể đồng ý.
Ngoài 3 bị cáo trên kêu oan, 17 bị cáo còn lại, một số kháng cáo kêu oan, một số kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho rằng mình không phạm tội, chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên…
Ngoài 20 bị cáo kháng cáo, một số người, tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án cũng kháng cáo. Trong đó, vợ và em ruột bị cáo Phan Văn Anh Vũ cũng làm đơn kháng cáo đề nghị xem xét lại phần tuyên trách nhiệm dân sự thu hồi tài sản liên quan trong vụ án./.