Phận đời nghiệt ngã của người phụ nữ bị cha mẹ bỏ rơi

Bà Thoa dành nhiều thời gian chăm sóc cho chị Nga.
Bà Thoa dành nhiều thời gian chăm sóc cho chị Nga.
(PLO) -Gần 30 năm trước, một bé gái chưa đầy một tháng tuổi bị bỏ rơi bên đường ray xe lửa. Nghe thấy tiếng khóc, một người phụ nữ mang bé về nuôi. Từ “không gia đình”, cô bé được che chở bởi yêu thương của một gia đình lớn với ông bà, cha mẹ, anh, chị, em. Lớn lên, cô cũng có gia đình, sinh con đẻ cái, nhưng phận đời nghiệt ngã một lần nữa lại ập đến…

“Như một giấc chiêm bao”

Bé gái ngày ấy là chị Nguyễn Thị Thanh Nga (29 tuổi, hiện ở khối An Phú, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Người phụ nữ nhân hậu đã đón chị về là bà Hà Thị Thoa (68 tuổi) - một cựu thanh niên xung phong quê ở huyện Nga Sơn (tỉnh Thanh Hóa).

“Như một giấc chiêm bao” - bà Thoa đã nói như thế khi ngẫm lại chặng đường cô con gái nuôi tên Nga về với nhà bà từ lúc ẵm ngửa cho đến bây giờ. “Giấc chiêm bao” ấy bắt đầu vào một đêm tháng 9, khi xóm làng còn đang náo nức trong không khí của Tết Độc lập.

Bà Thoa đi ngang qua đường ray xe lửa gần ở khối An Phú và nghe thấy tiếng khóc của trẻ sơ sinh. Lần theo tiếng khóc, bà nhìn thấy một bé gái quấn trong khăn, người nhợt nhạt, tái ngắt.

Bà Thoa nhớ lại: “Chẳng kịp nghĩ gì, tôi ẵm đứa nhỏ lên rồi đi như chạy về nhà, kể lại chuyện với cha mẹ chồng và chồng, rồi báo cáo chính quyền. Sau khi được chính quyền chấp thuận, vợ chồng tôi nhận cháu làm còn nuôi. Tôi đặt tên cháu là Nga, làm giấy khai sinh theo họ y như những đứa con ruột của vợ chồng tôi”.

Ngày ấy, vợ chồng bà Thoa đã có 2 đứa con trai và 2 đứa con gái. Rất may là cả 4 người con của bà đều rất thương Nga. “Mỗi lần con bé đói sữa khóc là thằng anh đạp xe ra tiệm cà phê, đánh thức chủ tiệm, nhờ bán một ly sữa bò mang về cho em. Mấy đứa con ruột của tôi có cái gì ngon đều nhường cho Nga. Chúng nó bảo, vì Nga thiệt thòi ngay từ nhỏ nên phải vun đắp tình cảm, để Nga khỏi mặc cảm trong cuộc sống”, bà Nga tâm sự.

Đứa con hồn nhiên bên người mẹ ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
Đứa con hồn nhiên bên người mẹ ngơ ngơ ngẩn ngẩn.

Nói rồi, bà Thoa chia sẻ: “Hồi ấy, nhiều người biết gia đình tôi không dư dả cho lắm, tìm đến nhà để xin Nga về làm con nuôi như một cách giúp tôi giảm nhẹ vất vả. Nhưng mấy đứa con tôi nhất quyết không cho ẵm em đi. Cứ thế, Nga lớn lên bằng những ly sữa bò, bằng những bữa bột đậu, nếp do mẹ rang, xay. Thiếu thốn là vậy, nhưng chỉ mới 10 tháng tuổi, Nga đã biết đi”.

Bà Nga bảo, cả gia đình, từ ông bà nội, đến chồng bà, con cháu và cả hàng xóm ai cũng yêu thương Nga. Và, có lẽ người dành cho Nga sự bảo bọc, che chở nhiều nhất là chồng bà. Bởi, ngay từ khi Nga còn rất nhỏ, ông đã luôn chỉ dạy nhẹ nhàng, ân cần, không một lần quát nạt, lớn tiếng. Nga xem ông như vừa là người cha, vừa là người thầy dạy mình khôn lớn, trưởng thành

“16 năm trước, chồng tôi bị phát hiện bị ung thư phổi và mấy tháng sau thì mất. Lúc cha mất, Nga là đứa khóc nhiều nhất. Mấy ngày liền nó không chịu cơm nước gì cả. Gia đình phải khuyên bảo nhiều lắm nó mới gượng dậy được”, bà Thoa tâm sự.

Có gia đình đùm bọc, Nga học đến lớp 9 thì đi học nghề may, đan lát tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Đồng Tâm (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định). Một thời gian sau đó, chị đi làm công nhân may, công nhân gỗ ở khu công nghiệp Phú Tài (TP.Quy Nhơn), rồi vào TP.Hồ Chí Minh làm công nhân giày da. 

Năm 22 tuổi, sau khi có được số vốn ít ỏi, chị Nga về lại Phù Cát. Lúc đầu, chị định xin gia đình cho mở một tiệm nhỏ tại nhà. Tuy nhiên, chưa kịp mở thì chị gặp anh Đặng Hùng Cường lớn hơn mình 3 tuổi, rồi yêu thương và lập gia đình. 

Bà Thoa cho biết: “Thằng Cường lớn lên trong cảnh mất mẹ nên cả hai dễ sẻ chia, đồng cảm. Sau khi cưới nhau, thằng Cường kiếm sống bằng một xe hủ tiếu, còn Nga may gia công tại nhà. Vợ chồng nó được cha thằng Cường cho một mảnh đất nhỏ, rồi xây cái nhà nhỏ để che mưa che nắng”.

Đến năm 2012, vợ chồng chị Nga sinh đứa con trai đầu lòng tên Đặng Nguyễn Huy. Đối với vợ chồng chị đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời. “Cuộc đời nó không biết cha mẹ ruột là ai nhưng cũng may ông trời cũng cho nó có ông bà, cha mẹ, anh chị để yêu thương. Rồi có gia đình riêng, có chồng, có con đầm ấm. Ấy vậy mà…”, bà Thoa bùi ngùi.

Phận đời lại thêm lần nghiệt ngã

Những tưởng cuộc sống của chị Nga sẽ được đầm ấm, tròn trịa, nào ngờ vào giữa tháng 9/2016, trên đường từ TP.Quy Nhơn đi thăm người thân bị bệnh về, chị bị tai nạn giao thông tại cầu Cẩm Tiên (phường Đập Đá, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định). Sau đó, chị được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định điều trị. 

Tại đây, các bác sĩ phải phẫu thuật cắt xương hàm. “Nó nằm mê man 1 tháng, một mắt không mở ra được, sau đó các bác sĩ bảo phải phẫu thuật xương hàm và chấp nhận dị tật về sau. Lúc đó, tôi như chết lặng, thấy cuộc đời nó bất hạnh quá. Nhưng dẫu sao cũng cứu được nó, từ từ rồi tính tiếp”, bà Thoa kể lại.

Cứ tưởng vậy là quá bất hạnh đối với chị Nga, nào ngờ đâu sau khi xuất viện về nhà được 1 tuần, chị bắt đầu có những biểu hiện lúc nhớ lúc quên. “Thấy biểu hiện lạ, gia đình đưa nó đến bệnh viện khám thì được bác sĩ bảo do bị chấn động lúc tai nạn nên thần kinh của Nga không ổn định, lúc nhớ lúc quên và phải chấp nhận cuộc đời còn lại như thế. Nghe tin đó, tôi ngất xỉu tại chỗ, sau đó được con cái đưa về nhà. Nghĩ sao đời nó bất hạnh đến vậy chứ”, bà Thoa nghẹn ngào.

Ảnh cưới của vợ chồng chị Nga.
Ảnh cưới của vợ chồng chị Nga.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, sau khi bị tai nạn, vợ chồng chị Nga chuyển về ở với bà Thoa để bà tiện chăm sóc cho chị. Hàng ngày, anh Cường đi bán hủ tiếu từ sáng đến tối mịt mới về. Mọi sinh hoạt của chị Nga đều một tay bà Thoa lo liệu.

Bà Thoa bảo: “Số nó vậy, bây giờ tôi lo được gì cho nó thì lo chứ biết sao được. Thương con lắm nhưng chẳng biết phải làm sao. Chồng nó cũng thương nó lắm, cứ khóc với tôi mãi. Bây giờ, từ sáng đến tối nó cặm cụi bán hủ tiếu để kiếm ít đồng lo cho vợ con. Cả gia đình bây giờ chỉ ước có một phép màu cho Nga được khỏi bệnh, trở lại như người bình thường. Như thế là mãn nguyện lắm rồi”.

Hỏi cháu Huy về mẹ, cháu trả lời ngây thơ: “Mẹ bệnh rồi, mẹ ở nhà với bà ngoại thôi. Con cũng ở nhà chơi với mẹ. Lớn lên con sẽ học giỏi, làm bác sĩ để chưa bệnh cho mẹ. Có lần cha ôm con rồi nói về mẹ, rồi cha khóc. Con thương cha mẹ lắm”.

Nghe cháu nói vậy, bà Thoa lấy tay lau giọt nước mắt đang lăn dài trên gò má lộ rõ sự mệt nhọc của mình. Bà thút thít: “Từ ngày mẹ cháu bệnh,  cháu chỉ ở nhà chứ không sang nhà hàng xóm chơi với bạn bè nữa. Cháu bảo, mỗi ngày ngủ dậy sẽ lấy khăn, múc nước cho mẹ rửa mặt. Nghe cháu nói vậy, tôi như đứt từng khúc ruột”.

Giây phút tỉnh táo, chị Nga bảo: “Từ nhỏ lớn lên, mình không thua thiệt gì so với bạn bè, anh chị em trong nhà. Mình được sống một cuộc đời bình thường như bao người: có gia đình yêu thương, được đi học, được làm việc, lập gia đình riêng và sinh ra đứa con khỏe mạnh. Nhưng số mình khổ vậy rồi nên phải chấp nhận với cuộc sống bệnh tật. Giờ chỉ biết chấp nhận thôi”.

Ông Nguyễn Hữu Quốc - Trưởng khối An Phú, cho biết: “Cứ tưởng cuộc đời chị Nga sẽ có hạnh phúc bên gia đình, nhưng không ngờ tai nạn lại ập đến với chị. Cuộc sống của chị bây giờ là những ngày tháng tối tăm, trong khi đứa con còn quá nhỏ. Chúng tôi rất mong muốn những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ chị Nga ít nhiều về vật chất, để gia đình chị có số tiền đi chữa bệnh cho chị. Hy vọng sẽ có một phép màu đến với chị”.

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.