Phan Châu Trinh và án giam đất Côn Lôn

Đám tang cụ Phan Châu Trinh
Đám tang cụ Phan Châu Trinh
(PLO) -Là một trong những nhà chí sĩ có uy tín lớn với quốc dân trong thời gian đầu thế kỷ XX, có khả năng hô hào, tập hợp ức vạn người tin theo đường lối cứu nước của mình, thế nên, không ngạc nhiên khi cụ Phan như con tàu luôn muốn bơi ra biển khơi, nhưng kẻ thù thì tìm mọi cách tạo sóng lớn để ngăn trở, neo giữ cụ lại. 

Trong “Thi vịnh Phan Châu Trinh” nơi “Cận đại Việt sử diễn ca”, có viết:

Côn Đảo luyện trui lo quốc vận,

Ba Lê tranh đấu vực nhân quyền.

Đó là nói về dạo nhà chí sĩ họ Phan bị giam giữ nơi đất Côn Đảo bốn phía bít bùng sóng dữ; còn Ba Lê (Paris), sẽ là đoạn sau khi nhà yêu nước đất Nam bị đày sang trời Tây. Bị giam giữ nơi đảo Côn, cụ Phan thuộc hàng chính trị phạm, theo giải thích trong “Côn Lôn quần đảo trước ngày 9/3/1945”, thì chính trị phạm là những người can phải án chính trị, chống lại nhà cầm quyền Pháp, và án của họ thường là “từ 5 năm đến khổ sai chung thân”. 

Anh hùng đứng giữa đất Côn Lôn

Vẫn sách trên cho hay, cụ Phan ra đảo Côn vào tháng 4 dương lịch năm 1908 với án đeo bên mình là “Xử tử phát Côn Lôn, ngộ xá bất nguyên”. Ở đây, cụ “bị giam giữ trong Banh I mất vài tháng và hàng ngày bị đưa đi đập đá hoa cương để trải đường”.

Còn riêng trong “Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử”, cụ Huỳnh Thúc Kháng cho biết tường tận hơn: Dẫu là chính trị phạm, nhưng cụ Phan bị giam mà “không bận đồ tù, không ăn cơm tù, cũng không phải làm công việc tù, mỗi ngày sớm mai và chiều ra trước hiên đi bách bộ một đôi giờ”.

Sau đó dăm bảy ngày thì cụ được Tham biện cho ra ở ngoài tại làng An Hải trong ngôi nhà do cụ dựng lên. Vào mỗi tuần lễ ngày Chủ nhật, cụ chỉ việc tới nhà giấy gardien-chef để trình diện một lần. Ở đây, cụ học nghề đồi mồi và đi câu, đi lưới nên cũng được thong thả. Cụ Huỳnh miêu tả là thế, nhưng hẳn việc “đập đá Côn Lôn” là có thật, nên cụ Phan mới có thơ về cảnh ấy. 

Có một giai thoại thú vị được ghi lại nơi sách “Côn Lôn quần đảo trước ngày 9/3/1945”, theo đó ít lâu sau cụ Huỳnh Thúc Kháng cũng bị giam nơi đảo Côn, có tìm gặp cụ Phan. Bởi trong khám B nơi cụ Huỳnh bị giam, hàng ngày ai ra ngoài trồng rau thì mang theo đính bài. Cụ bèn mang đính bài của người trồng rau và đi thay, nên gặp được cụ Tây Hồ đang câu cá gần sở trồng rau, cụ Huỳnh bèn xin thầy chú cho nói chuyện với cụ Phan vài phút. 

Gặp cụ Huỳnh, cụ Phan mới làm lạ sao cụ Huỳnh mới 33 tuổi mà tóc đã bạc gần hết, còn cụ Huỳnh thì lạ sao cụ Phan đã rụng hai chiếc răng cửa. Thế nên sau cuộc gặp gỡ, mới có thơ của cụ Huỳnh tự trào rằng:

Kiếp tù chung một cõi ven trời,

Hai ngả Sâm Thương cách mỗi nơi!

Tóc tớ bạc phơ, răng bác rụng,

Gặp nhau không nói, ngó nhau cười!

Cụ Phan Châu Trinh và con trai
Cụ Phan Châu Trinh và con trai

Giam lỏng đất Mỹ Tho

Cụ Phan bị giam lỏng nơi đảo Côn gần ba năm mới được ân xá. Trong “Gương chí sĩ Phan Tây Hồ lịch sử toàn biên” cho hay, “vì nhờ có nhiều người Pháp chánh trực yêu mến sự công bằng thấy như thế thì bất bình nên can thiệp vô, nhứt là ông Briex, tác giả cuốn Remplagantes và cuốn Robe Rouge, và ông Edmond de Presseusé, nên Pháp đình thấy vậy muốn làm cho yên lòng người, nên Thủ tướng Poincaré ký giấy tha cho ông”. 

Vẫn theo sách này, thì Toàn quyền Đông Pháp là Klobukowski và quan Thuộc địa bộ Tổng trưởng là Trouillot cùng với các quan thuộc địa khác đã lập hội đồng tại Sài Gòn để xét án cụ Phan và tuyên đọc tờ ân xá. Riêng Tham biện tỉnh Mỹ Tho được cử làm Chánh án, đã có đọc câu “Au nom de peuple français je vous rends la liberté”, tức là: Nhân danh nhân dân Pháp mà trả lại cái tự do cho ông đấy!

Đã tuyên xong rồi, như trong “Phan Tây Hồ tiên sinh lịch sử” ghi, họ lại hỏi cụ Phan muốn nói điều gì? Thế là bao chất chứa được cụ đúc kết lại, mà tỏ bày: “Tiên sinh ước lược phát biểu chánh sách liên lạc Pháp Việt và yêu cầu mấy điều rồi xuống ở Mỹ Thọ (Tiên sinh xin: 1. Ân xá quốc sự phạm; 2. Trị tội Phạm Ngọc Quát, vị giết ông nghè Trần Quí Cáp là người vô tội; 3. Xin đi Tây)”. 

Dẫu nói rằng tha, nhưng chưa yên lòng, người Pháp lại quản cố cụ nơi đất Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang). Dĩ nhiên là cụ Phan không bằng lòng, bởi tuyên cụ tự do, “mà lại không được tự do hành động, không khác chi ở tù”. Cầm cố cụ ở Mỹ Tho mấy tháng, cụ bức xúc viết thư lên chính quyền, xin trở ra Côn Đảo. Biết cụ không chịu trói buộc, cũng không thể lấy lợi danh mà mua chuộc, người Pháp đành “nhận lời yêu cầu cho tiên sinh đi sang Pháp”. 

Vậy là, cụ Phan rời nước Việt, theo tàu quan Toàn quyền Pháp Klobukowski sang trời Tây. Chuyến đi ấy, con trai cụ Phan Châu Dật được đem theo sang học tại Pháp, nơi trường Montparnasse, sau “đứng vào hạng giỏi nhứt trong lớp”.  

Tác phẩm cụ Phan làm khi bị giam ở ngục Santé
Tác phẩm cụ Phan làm khi bị giam ở ngục Santé

Ngục Santé giam giữ

Đến Pháp, cụ Phan làm nghề vẽ bóng để kiếm sống. Dù xa rời nước Việt, nhưng tình hình nước nhà cụ vẫn dõi theo thường xuyên. Xưa, thân từng bị đày ải nơi đảo Côn, mà nay sang đất hoa lệ, cụ cũng bị vướng vào nhà ngục, nguyên do sự cớ ra sao?

Năm 1914, Thế chiến thứ nhất nổ ra ở châu Âu, mà Pháp quốc cũng có dự phần trong đó. Để có quân tham chiến, việc bắt lính diễn ra cả trong nước và các thuộc địa, cụ Phan tuổi dù đã cao, cũng bị liên lụy tới nhân việc ấy.

Sách “Thành ngữ, điển tích, danh nhân từ điển” cho biết: “Vì không chịu đi lính cho Pháp để đánh Đức, Phan Chu Trinh bị vu cáo là làm gián điệp cho Đức, nên ông bị bắt giam vào ngục Santé”. Việc vu vạ này, người Pháp còn lôi vào cả Kỳ Ngoại hầu Cường Để là người đồng mưu với cụ, đang ở bên Đức.

Bỗng đâu lại phải vào nhà lao, cụ Phan lấy làm đau xót lắm, thương vận nước nổi trôi, bèn làm hơn hai trăm bài thơ bằng quốc âm, đời nay ta biết đến với tên “Santé thi tập”; ngoài ra, cụ chép lại những bài đã làm trước đó, đề là “Tây Hồ thi tập”.

Trải qua 9 tháng nơi xà lim lạnh lẽo, những tưởng chưa biết khi nào thoát khỏi cửa ngục, nhưng may sao dạo ấy, đảng Xã hội và đảng Xã hội cấp tiến của Pháp biết nhà yêu nước họ Phan bị oan, nên “xin với Thủ tướng Poincaré tha một lần nữa”. Việc xin tha cho cụ, có công lớn của ông Marius, Moutes và Jules Roux đã trực tiếp bênh vực cho cụ, cãi lý với viên đại lý Tòa án binh đệ nhất tại Paris. 

Lần vào ngục này, là lần cuối cụ Phan “làm bạn” với xà lim. Kể từ ấy về sau, cụ là người tự do. Tuy không được trực tiếp tung hoành như xưa để hô hào, hành động vì nước, nhưng nơi trời Tây xa xôi, tấm lòng đối với vận mệnh quốc gia không bao giờ nguôi ngoai, bởi vậy nên những biến chuyển của chính trị nước nhà, cụ không bao giờ bàng quan.

Tỉ như việc năm 1922, vua Khải Định sang dự Đấu xảo thuộc địa bên Pháp, cụ Phan có ngay “Thư thất điều” mà vạch ra 7 tội của vị vua này với quốc dân, hoặc trong “Địa chí Quảng Nam – Đà Nẵng” cho hay, cụ còn viết “Tỉnh quốc hồn ca”, giữ sợi dây liên lạc với nhiều nhà yêu nước Việt Nam nơi đất Pháp như Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc… 

Thư thất điều kể tội vua Khải Định
Thư thất điều kể tội vua Khải Định

Tiếc rằng, tuổi tác ngày một cao, sức ngày một yếu, nên sau khi về nước giữa năm 1925, không lâu sau, cụ Phan đã gửi lại tấm thân nơi đất Sài Gòn, để lại sự nghiệp cách mạng vẻ vang, và mong mỏi cứu nước vẫn còn dang dở. Ấy vậy, mà cái chí “khai dân chí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của cụ, hậu thế vẫn tiếp bước...

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.