Phải giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng luật pháp quốc tế

Tàu Trung Quốc liên tiếp diễn tập ở Biển Đông sau phán quyết của PCA
Tàu Trung Quốc liên tiếp diễn tập ở Biển Đông sau phán quyết của PCA
(PLO) - Ngày 12/7/2016, Tòa thường trực Trọng tài quốc tế  (PCA) ra phán quyết về “Vụ kiện Biển Đông”. Lập trường chính thức của Trung Quốc là: Bác bỏ, cho rằng vụ kiện "vi phạm luật pháp quốc tế", khẳng định lập trường "4 không": không tham dự, không chấp nhận, không thừa nhận, không chấp hành…

Đáng chú ý, báo chí Trung Quốc chỉ đề cập chung chung, không hề đưa nội dung cụ thể của bản Thông cáo của PCA để người dân Trung Quốc biết. Tuy nhiên, ngay tại Trung Quốc và trên báo chí của cộng đồng người nói tiếng Hoa đã xuất hiện những ý kiến tôn trọng sự thật và lẽ phải...

Theo phán quyết của PCA, Trung Quốc không có cái gọi là “quyền lịch sử” đối với Biển Đông; “Đường 9 đoạn” do Trung Quốc tự vẽ ra không phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS); Trung Quốc gây thiệt hại đến hệ sinh thái quần đảo Trường Sa bằng các hoạt động như khai thác quá mức, xây đảo nhân tạo; Các hành động của Trung Quốc làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột với Philippines.... 

Trong nhiều tiếng nói phê phán lập trường “4 không” của chính phủ Trung Quốc, kêu gọi chấp nhận phán quyết của PCA, giải quyết hòa bình những vấn đề tranh chấp với các nước xung quanh Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), có tiếng nói mạnh mẽ của học giả nổi tiếng Lý Lệnh Hoa – một chuyên viên nghiên cứu thuộc Trung tâm thông tin Hải Dương quốc gia Trung Quốc, nhà nghiên cứu nổi tiếng về Luật Biển và là tác giả của nhiều bài báo nghiên cứu về vấn đề biển và Luật biển đã đăng tải trên các báo chí Trung Quốc. Do vậy những đánh giá, nhận xét của ông được giới chuyên môn và dư luận rất quan tâm.

Học giả Lý Lệnh Hoa
Học giả Lý Lệnh Hoa

Cần hành xử nghiêm cẩn

Trong bài viết “Trung Quốc cần đối xử có lý tính với phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế” đăng trên các trang mạng cá nhân hôm 13/7, học giả Lý Lệnh Hoa cho rằng ở Biển Đông đang tồn tại hiện trạng mâu thuẫn bấy lâu, khác với những tuyên bố của giới chuyên gia diều hâu ở Trung Quốc rằng “không tồn tại tranh chấp mà chỉ do những nước khác gây chuyện”.

Ông viết: “Tòa trọng tài quốc tế vừa đưa ra phán quyết về Nam Hải (Biển Đông theo cách gọi của Trung Quốc - NV), các bên đã có phản ứng trái chiều. Mấy chục năm qua, giữa các nước ven Biển Đông về chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo, đá và vấn đề phân định ranh giới biển vẫn luôn tồn tại bất đồng rõ rệt.

Từ những chuyện nhỏ như hoạt động nghề cá, khai thác dầu khí, đến lớn như xung đột vũ trang đều đã xảy ra. Các quốc gia ven Biển Đông đều là láng giềng, việc tranh chấp kéo dài, đấu tranh không ngưng nghỉ sẽ bất lợi cho việc phát triển kinh tế và mối quan hệ hữu hảo lẫn nhau của mọi quốc gia”.

Từ đó, ông thẳng thắn: “Trung Quốc cần phải đối mặt với kết quả mà Tòa Trọng tài quốc tế đã tuyên với thái độ tích cực, nghiêm túc và lý tính. Ngay từ ngày 15/5/1996, khi Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên tuyên bố đường lãnh hải bao gồm quần đảo Tây Sa (cách Trung Quốc gọi Hoàng Sa của Việt Nam) đã vi phạm quy định của luật quốc tế; đường cơ sở thẳng để tính lãnh hải Trung Quốc đã được vẽ quá dài. Diện tích quần đảo nhỏ, phạm vi hải vực lại lớn, không phù hợp điều kiện để xác định đường cơ sở lãnh hải.

Trung Quốc làm như vậy đã tổn hại tới uy tín quốc tế của chính mình, gây trở ngại cho hoạt động việc phân định ranh giới trên biển bình thường. Trung Quốc là một nước lớn ven Biển Đông, cần phải hành xử một cách nghiêm cẩn, tiến cùng thời đại”.

PCA phán quyết, yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông là “không có hiệu lực”
PCA phán quyết, yêu sách “Đường 9 đoạn” của Trung Quốc ở Biển Đông là “không có hiệu lực”

Bước tiến của luật pháp quốc tế

Ông Lý cũng khẳng định: “Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế là một điều tốt đẹp. Bất kể thế nào, phán quyết đã giúp thúc đẩy phát triển và hoàn thiện luật pháp quốc tế, nhất là luật biển quốc tế; trong đó bao gồm việc phân định rõ về tính pháp lý về địa vị của hải đảo và bãi san hô khi triều lên, xuống; nhấn mạnh việc hạ thấp địa vị pháp luật của bãi đá nhỏ trong việc phân định ranh giới biển; về các nước xung quanh Biển Đông trên cơ sở đường cơ sở lãnh hải, được có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa... chứ không phải là một cái “đường lịch sử” độc chiếm phần lớn Biển Đông”.

Học giả Lý Lệnh Hoa cho rằng: “Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) là văn kiện về biển quyền uy, có tính toàn diện nhất, hoàn chỉnh nhất trong lịch sử nhân loại từ trước đến nay. Các nước xung quanh Biển Đông đều đã ký Công ước này, vì vậy việc giải quyết mọi vấn đề tranh chấp liên quan tới Biển Đông tất yếu phải căn cứ vào các quy định và điều khoản Luật quốc tế như Công ước, chứ không phải căn cứ vào bất kỳ thứ gì khác.

Trong tình hình nhân loại chung số phận và nhất thể hóa kinh tế toàn cầu hiện nay, các nước ven Biển Đông đều cần bình tĩnh ngồi lại, đề xướng cùng nhau phân chia lãnh thổ đảo, đá, chứ không phải độc chiếm. 6 nước 7 bên có yêu sách về Biển Đông cần tích cực nỗ lực hơn vì sự ổn định chính trị ở Biển Đông và trong việc phân định ranh giới biển, thông qua đàm phán hữu nghị, giải quyết thỏa đáng mọi bất đồng để Biển Đông sớm thực sự trở thành vùng biển hòa bình, hợp tác và hữu nghị”.

Tự đẩy mình vào “tuyệt lộ”

Ngày 14/7, ông Lý Lệnh Hoa lại viết bài “Nếu kiên trì ‘Đường 9 đoạn’ thì việc phân định ranh giới trên Nam Hải (tức Biển Đông) sẽ đi vào tuyệt lộ”, thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình với lập trường chính thức của Chính phủ Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa thường trực trọng tài quốc tế (PCA).

Học giả Lý Lệnh Hoa viết: “Phán quyết do PCA đưa ra ngày 12/7 gây nên sự quan tâm chú ý lớn lao ở khắp trong, ngoài nước. Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ không tham dự, không chấp nhận, không thừa nhận, không chấp hành phán quyết của vụ kiện trọng tài Nam Hải (Biển Đông) do Philippines khởi xướng. Tòa trọng tài phán quyết “Đường 9 đoạn” không phù hợp luật pháp quốc tế, từ đó khiến người ta nghĩ đến một câu nói của cố Cục trưởng Hải dương quốc gia La Ngọc Như khi còn sống: “Biên giới biển Trung Quốc không được vạch đến tận cửa nhà người khác”. Câu nói đó không chỉ đúng với Đông Hải (biển Hoa Đông) mà cũng phù hợp với cả Nam Hải (Biển Đông).

Ông Lý Lệnh Hoa phân tích về tính phi lý của cái gọi là “”Đường 9 đoạn có tính lịch sử” mà Trung Quốc xưa nay cố bám lấy: “Quả thực, “Đường 9 đoạn” đã được vẽ đến tận cửa nhà người khác, chiếm cứ một phạm vi tới 85% toàn bộ diện tích Biển Đông, mà lại là một đường ảo, chả trách Philippines phải khởi kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.

Nhìn vào thể hiện trên bản đồ, “Đường 9 đoạn” nằm cách bờ biển đất liền Việt Nam có 50 hải lý, cách đảo ven biển Lý Sơn của Việt Nam chỉ 36 hải lý; cách đảo Pulau Sekatung của Indonesia 75 hải lý, cách bờ biển Kalimantan của Malaysia chỉ 24 hải lý, cách bờ biển Bruney khoảng 30 hải lý, cách đảo Y’Ami ở cực Bắc eo biển Luzong của Philippines 26 hải lý.

Có nghĩa là, phạm vi của “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc chủ trương đều chồng lấn một diện tích rất lớn của vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của các quốc gia ven Biển Đông. Nguyên tắc phân định ranh giới biển phổ biến trên quốc tế hiện nay là: Lấy cơ sở là trạng thái địa lý bờ biển bao gồm cấu hình bờ biển và độ dài bờ biển; trong thực tiễn phân định ranh giới, Trung Quốc không thể không tuân thủ. Nếu kiên trì “Đường 9 đoạn”, việc phân định biên giới biển của Trung Quốc tất nhiên sẽ lâm vào tuyệt lộ”.

Ông Lý Lệnh Hoa thẳng thắn chỉ rõ: “Trong vấn đề chủ quyền các đảo, bãi trên Biển Đông, Trung Quốc không chỉ tranh chấp với mỗi Philippines. Xử lý vấn đề này như thế nào, các bên cần phải có nhận thức thống nhất. Trong việc phân định biên giới biển, Trung Quốc tồn tại vấn đề chung với các nước có yêu sách là Việt Nam, Philippines, Malaysia, Bruney và Indonesia.

Trung Quốc kiên trì cái gọi là “Đường 9 đoạn” có tính lịch sử, còn các quốc gia kia thì chủ trương phân định ranh giới biển theo các điều khoản tại Điều 74 và 83 của Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS) quy định các quốc gia ven biển có vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Lập trường của hai bên đối lập với nhau trong suốt thời gian dài. Việc đàm phán chỉ là tranh cãi nhau suốt, lãng phí thời gian và tiền bạc…”.

Học giả Lý Lệnh Hoa kết luận: “Trung Quốc không thể cứ áp dụng kiểu “đánh lẻ” một, hai quốc gia. Nếu vấn đề tranh chấp Biển Đông mà giải quyết bằng cách đàm phán song phương, e rằng ngay các học sinh tiểu học, trung học Trung Quốc cũng đều nhận thấy đó là điều không thể làm được”...

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.