Dư luận đa chiều quanh phán quyết về 'đường 9 đoạn'

Phán quyết của PCA đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới
Phán quyết của PCA đã nhận được sự ủng hộ của nhiều nước trên thế giới
(PLO) - Chiều 12/7/2016 (theo giờ Việt Nam), Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc về yêu sách “đường 9 đoạn”. Theo đó, PCA tuyên bố yêu sách “đường 9 đoạn” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý.

Đây là phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Ngay lập tức, phán quyết của PCA đã nhận được sự ủng hộ của các nước.

Phán quyết của PCA

Sau 3 năm thụ lý vụ kiện của Philippines đối với yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông, ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) đã đưa ra phán quyết quốc tế đầu tiên liên quan đến vấn đề này. 

Phán quyết của PCA khẳng định yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS); Trung Quốc không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường 9 đoạn”.

Theo PCA, không một đảo nào thuộc quần đảo Trường Sa tạo cho Trung Quốc quyền có vùng đặc quyền kinh tế. Trung Quốc không có quyền hạn đối với vùng đặc quyền kinh tế trong phạm vi 200 hải lý của bãi Mischief (Vành Khăn) hay bãi Thomas (Cỏ Mây). PCA cũng khẳng định thực thể Itu Aba (Ba Bình) thuộc quần đảo Trường Sa là “bãi đá”, nên không có vùng đặc quyền kinh tế. PCA cho rằng Bắc Kinh đã làm tổn hại lâu dài và không thể bù đắp được hệ sinh thái san hô ở quần đảo Trường Sa.

Phán quyết của PCA cũng nhấn mạnh Trung Quốc đã can thiệp vào các quyền đánh bắt truyền thống của Philippines tại bãi Scarborough (Hoàng Nham) trên Biển Đông. Theo PCA, những hành động của Trung Quốc đang làm trầm trọng thêm những tranh chấp với Philippines trong lúc đang các bên nỗ lực để giải quyết vấn đề.

Trung Quốc: “4 không”

Phản ứng trước phán quyết của PCA, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Perfecto Yasay đã ra tuyên bố hoan nghênh, đồng thời kêu gọi các bên liên quan “kiềm chế và bình tĩnh”. Bộ trưởng Yasay nhấn mạnh, “Philippines khẳng định tôn trọng quyết định mang tính bước ngoặt này”, coi đây như một đóng góp quan trọng vào các nỗ lực đang diễn ra nhằm giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông. 

Ngày 13/7, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay đã tuyên bố nước này để ngỏ khả năng có các cuộc thảo luận với Trung Quốc về việc thực thi phán quyết mang tính bước ngoặt của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về tranh chấp tại Biển Đông liên quan đến hai nước này và các bên khác. 

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra tuyên bố khẳng định nước này “không chấp nhận cũng như không công nhận” phán quyết của PCA, cho rằng phán quyết của PCA là “không có cơ sở, vô giá trị và không có hiệu lực ràng buộc”. Chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) cũng tuyên bố không chấp nhận phán quyết của PCA. 

Ngày 12/7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines đã đưa ra phán quyết cuối cùng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12/7/2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.

Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5/12/2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

“Đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã bị Tòa quốc tế bác bỏ
“Đường lưỡi bò” của Trung Quốc đã bị Tòa quốc tế bác bỏ

Tránh làm leo thang căng thẳng

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Fumio Kishida ngày 12/7 đã nhấn mạnh phán quyết của PCA mang tính ràng buộc pháp lý, do đó các bên liên quan phải tuân thủ phán quyết này. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Kishida nêu rõ Nhật Bản kiên định ủng hộ việc tôn trọng quy định luật pháp và sử dụng các biện pháp hòa bình, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết các tranh chấp trên biển.

Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố, phán quyết của PCA rằng Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử đối với các vùng biển ở Biển Đông cần được coi là cuối cùng và mang tính ràng buộc về pháp lý. Bộ Ngoại giao Mỹ đã ra tuyên bố khẳng định phán quyết của PCA là “đóng góp quan trọng đối với mục đích chung của giải pháp hòa bình” cho các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop kêu gọi Philippines và Trung Quốc tuân theo quyết định của tòa vì “đó là phán quyết cuối cùng và ràng buộc đối với cả hai bên”. Bà Bishop “kêu gọi các bên tranh chấp kiềm chế hành vi cưỡng chế và hành động đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng tại khu vực tranh chấp. Tất cả các quốc gia có yêu sách đều được hưởng lợi rất nhiều từ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”. 

Hàn Quốc cũng lên tiếng kêu gọi thực hiện “các nỗ lực ngoại giao hòa bình và sáng tạo” để giải quyết tranh chấp về Biển Đông sau khi có phán quyết của PCA. 

Malaysia đã kêu gọi các bên liên quan tự kiềm chế nhằm tránh làm leo thang căng thẳng sau phán quyết của PCA. Bộ Ngoại giao Malaysia cũng kêu gọi tất cả các bên đảm bảo thực thi hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuyên bố Ấn Độ ghi nhận phán quyết của PCA là theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải và hàng không cũng như thương mại không bị cản trở dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được phản ánh đặc biệt trong UNCLOS. Ấn Độ cho rằng các nước nên giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình mà không được sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thực hiện kiềm chế những hoạt động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp ảnh hưởng tới hòa bình và ổn định. Các tuyến vận tải biển đi qua Biển Đông đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hòa bình, ổn định, thịnh vượng và phát triển. Là một bên tham gia UNCLOS, Ấn Độ hối thúc tất cả các bên thể hiện sự tôn trọng tối đa đối với UNCLOS, công ước tạo ra trật tự pháp lý quốc tế cho các vùng biển và đại dương.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Singapore tuyên bố Singapore đã ghi nhận phán quyết của PCA theo Phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, đồng thời đang nghiên cứu các phán quyết của PCA và tác động đối với Singapore cũng như toàn khu vực. Singapore ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với những nguyên tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS, mà không cần đến sự đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Là một nhà nước nhỏ, Singapore ủng hộ việc duy trì một trật tự dựa trên luật lệ, duy trì và bảo vệ các quyền và đặc quyền của tất cả các nước. 

Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng tuyên bố nhấn mạnh tầm quan trọng của việc gìn giữ hòa bình và ổn định ở Đông Nam Á và các khu vực xung quanh, cũng như việc khôi phục lòng tin giữa các quốc gia trong khu vực nhằm xây dựng một môi trường có lợi cho thịnh vượng và sự phát triển bền vững, thông qua hợp tác trên tinh thần xây dựng. Thái Lan khẳng định vấn đề Biển Đông nên được giải quyết thông qua các nỗ lực phối hợp và bằng mọi phương cách, trên cơ sở sự tin cậy lẫn nhau cũng như lợi ích công bằng, phản ánh bản chất quan hệ lâu dài giữa ASEAN và Trung Quốc.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Thái Lan nêu rõ: việc triển khai đầy đủ DOC phải được xem trọng và tất cả các bên liên quan cần nỗ lực hợp tác sớm hoàn tất COC để giúp các nước cùng phát triển. Trong khi tái khẳng định ủng hộ các tuyên bố trước đó của ASEAN liên quan đến tình hình tại Biển Đông, Thái Lan cho rằng vì mục tiêu tối thượng của tất cả các bên và vì lợi ích của người dân, phải đảm bảo Biển Đông là vùng biển hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

Động lực giải quyết tranh chấp

Một ngày sau khi Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở La Hay (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện của Philippines với Trung Quốc liên quan tới tranh chấp ở Biển Đông, ngày 13/7, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã bày tỏ hy vọng phán quyết của PCA sẽ có ý nghĩa quan trọng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm ở vùng biển này.

Phát biểu tại thủ đô Bắc Kinh trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 18 giữa Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Tusk cho biết giới chức lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về vụ kiện của Philippines liên quan đến những hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông khẳng định, EU “hoàn toàn tin tưởng” vào PCA và tiến trình vụ kiện, đồng thời bày tỏ hy vọng phán quyết trên sẽ được sử dụng để “tạo ra một động lực tích cực” trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp đối với tranh chấp trên Biển Đông.

Chủ tịch EC cũng cho biết EU sẽ tiếp tục ủng hộ việc duy trì luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Trong một phát biểu liên quan vào ngày 12/7, Chủ tịch Tusk kêu gọi Trung Quốc tôn trọng hệ thống quốc tế, bảo vệ “trật tự quốc tế dựa trên quy định”. Ông nhấn mạnh “trật tự quốc tế dựa trên quy định đáp ứng lợi ích chung của chúng ta, vì vậy cả Trung Quốc và EU phải bảo vệ trật tự đó vì lợi ích của người dân”.

Trong khi đó, cũng tại Bắc Kinh, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Federica Mogherini, cho biết EU kêu gọi tất cả các bên tôn trọng những quyết định về luật pháp và ủng hộ UNCLOS, trong đó có tự do hàng hải.

Ngoài ra, nhiều nghị sỹ, học giả Mỹ, Canada… cũng lên tiếng hoan nghênh phán quyết của PCA về những tranh chấp ở Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc...

Đọc thêm

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.

Một cầu thủ bóng đá được trao Huân chương Tự do Tổng thống

Messi giành Quả bóng vàng 2021. (Ảnh: Euro Sport)
(PLVN) - Tổng thống Joe Biden vừa trao tặng Huân chương Tự do Tổng thống – danh hiệu cao quý nhất dành cho công dân Mỹ – cho siêu sao bóng đá Messi cùng 18 cá nhân xuất sắc khác. Buổi lễ tôn vinh những đóng góp xuất sắc của họ trong việc làm cho nước Mỹ và thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới

Loạt tín hiệu vui đầu năm mới trên thế giới
(PLVN) - Thế giới đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, từ phiên đấu giá cá ngừ vây xanh lập kỷ lục tại Nhật Bản, tỷ lệ sinh tăng trở lại sau gần một thập kỷ tại Hàn Quốc, đến chương trình khám sức khỏe miễn phí cho toàn dân sắp triển khai tại Indonesia. Đặc biệt, câu chuyện bé trai Zimbabwe sống sót kỳ diệu sau 5 đêm lạc trong công viên hoang dã đã truyền cảm hứng mạnh mẽ, với niềm tin vào những điều tốt đẹp...