Đây là lần đầu tiên Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị trực tuyến từ T.Ư đến 63 tỉnh, TP trực thuộc để nghiên cứu, học tập Nghị quyết. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh; các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên T.Ư Đảng; lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở T.Ư và các tỉnh, TP trong cả nước đã dự Hội nghị.
Khó mấy cũng phải thực hiện
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, đây là một nghị quyết rất quan trọng, đề cập đến một vấn đề vừa cơ bản, vừa cấp bách, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đặc biệt quan tâm và hoan nghênh. Tổng Bí thư cũng cho rằng, đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là cuộc chiến đầy cam go, nhưng không thể không làm, vì nó liên quan đến vận mệnh của Đảng ta và chế độ ta. Quan điểm chỉ đạo của Đảng là kiên quyết, kiên trì thực hiện, khó mấy cũng phải thực hiện, thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, tiến hành thường xuyên, liên tục ở các cấp, các ngành, đồng bộ cả ở Trung ương và cơ sở.
Việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII phải thực hiện đồng bộ với các nghị quyết khác của T.Ư, Quốc hội và Chính phủ để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, ổn định tình hình; tạo niềm tin trong Đảng, trong nhân dân. Không phải là “đóng cửa” để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng từ T.Ư đến cơ sở phải nắm chắc tình hình, thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
Định kỳ sơ kết rút kinh nghiệm và có các hình thức khen thưởng kịp thời đối với những tổ chức, cá nhân làm tốt và xử lý kỷ luật đối với những nơi làm không tốt. Tránh tình trạng “đầu voi, đuôi chuột”, khi quán triệt, triển khai Nghị quyết thì rầm rộ nhưng khi thực hiện thì tắc trách, không có tập thể, cá nhân nào chịu trách nhiệm.
Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết T.Ư về xây dựng Đảng thì nhận thức phải chín, tư tưởng phải thông, quyết tâm phải lớn và biện pháp phải vững. Bộ Chính trị tin tưởng rằng với quyết tâm chính trị rất cao của toàn Đảng, sự đồng tình ủng hộ mạnh mẽ của toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ làm chuyển biến được tình hình để không phụ lòng mong đợi của nhân dân đối với Đảng, để xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, thật sự là đạo đức, là văn minh”.
Phải chỉ đạo làm rõ những hạn chế, yếu kém
Tại Hội nghị, ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức T.Ư đã quán triệt nội dung và kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết, tập trung giới thiệu 5 vấn đề lớn: Vì sao Ban Chấp hành T.Ư phải tiếp tục ban hành Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Mục đích, yêu cầu, phạm vi, quan điểm chỉ đạo và quá trình chuẩn bị Nghị quyết; Những nội dung cơ bản của Nghị quyết; Dự báo một số khó khăn và hướng khắc phục trong quá trình thực hiện Nghị quyết; Một số vấn đề về Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết.
Theo ông Phạm Minh Chính, điểm mới lần này là Nghị quyết thể hiện được tinh thần “mọi lúc, mọi nơi, mọi người” cùng tham gia thực hiện Nghị quyết; trong đó vai trò quyết định vẫn là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp, nhất là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành T.Ư và Bí thư cấp ủy các cấp.
Phát biểu tổng kết Hội nghị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đề nghị các đại biểu dự Hội nghị tiếp tục nghiên cứu kỹ để nắm vững, quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, phổ biến, tuyên truyền làm cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc, thấy được sự cần thiết phải kiên quyết, kiên trì khắc phục những yếu kém, khuyết điểm với quyết tâm chính trị cao. Các cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tổ chức đảng... phải xây dựng chương trình hành động của cấp mình, kiểm tra giám sát việc xây dựng chương trình hành động của cấp dưới; xác định những việc cần làm và phải kiên quyết làm ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị sát với tình hình thực tế, đem lại hiệu quả thiết thực.
“Để đảm bảo việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình đạt hiệu quả thiết thực, các cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tổ chức đảng phải xác định trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo làm rõ những hạn chế, yếu kém, liên hệ với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tìm ra nguyên nhân và đề ra biện pháp, kế hoạch khắc phục. Những nơi có vấn đề phức tạp, cần được lãnh đạo, chỉ đạo làm rõ, có gợi ý kiểm điểm nghiêm túc” - Thường trực Ban Bí thư đề nghị.