Bài viết dưới đây là chia sẻ của ông bố ba con Hoàng Anh Tú, một nhà văn có nhiều tác phẩm về tình yêu - gia đình, đồng thời là ông chủ vài nhà hàng lớn tại Hà Nội về những lý do đàn ông không nên "dạy" vợ.
Cái thời đàn ông ảo tưởng sức mạnh với câu: "Dạy con từ thuở còn thơ/ Dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về" đã xa lâu lắc rồi. Ông nào thời nay còn nghĩ đến chuyện dạy vợ thì chỉ có nước... cưới đàn ông về thôi.
Phụ nữ trải qua chừng đó thời gian "tiến hoá" như đàn ông cơ mà cánh mày râu thì bụng vẫn cứ một múi, ngồi vẫn cứ một đống quanh các hàng bia, vỉa hè.
Quan điểm về đàn ông thành đạt cũng khác đi nhiều. Thay vì kiếm tiền giỏi, chí khí muôn phương hay có danh có phận thì nay những anh được coi là thành đạt luôn phải gắn theo "rơ moóc" vợ con. Chẳng người đàn ông nào được coi là thành đạt nếu suốt ngày bị vợ kêu ca trên Facebook.
Phụ nữ ngày nay chỉ cần khoe một tí, xinh một tí, thành đạt một tí là trên Facebook có cả nghìn người theo dõi, hàng nghìn like và nói ra câu gì cũng thành chân lý.
Kể cả cô ấy có không xinh, không kiếm tiền giỏi, không viết văn hay thì chỉ cần cô ấy kêu lên một tiếng về chồng chắc chắn cũng sẽ có hàng trăm like ủng hộ. Mạng xã hội luôn sẵn có một đạo quân ủng hộ nữ giới đông đảo.
Anh Hoàng Anh Tú và vợ. Ảnh:NVCC. |
Thế nên, nói thật, các ông đừng mong dạy vợ. Hãy sợ vợ thay vì dạy vợ. Nếu các ông giỏi, nâng tầm sợ vợ lên thành nghệ thuật thì các ông còn được nhiều hơn cả thế nữa.
Tôi bảo là nên sợ vợ vì xét cho cùng, vợ mình mình sợ chứ có sợ vợ ông hàng xóm đâu nào? Có những bà vợ cả xóm đều phải sợ chứ riêng gì chồng. Thế nên sợ vợ chẳng có gì đáng sợ cả.
Đùa vậy thôi chứ sợ vợ không phải là sợ vợ hành hung mình, sợ vợ trùm váy lên đầu mình. Sợ vợ không phải là sợ sệt, sợ hãi mà là sợ vợ mình buồn. Vợ buồn vì mình thì nhà cửa chẳng còn vui. Tan sở về nhà chẳng núp được vào đâu, chẳng tìm thấy nụ cười của vợ để gột rửa giùm khói bụi, mệt nhọc ngoài kia. Sợ vợ buồn là sợ không khí gia đình vì thế mà buồn theo.
Người đàn ông hô mưa gọi gió bao nhiêu ngoài kia rốt cho cùng về nhà vẫn cần dựa vào lòng vợ. Đó là người ta thương, là người ta tin. Sợ làm vợ buồn là vì thế. Đàn ông nên cân nhắc, nên dịu dàng, nên để tâm, gìn giữ và trân trọng. Bởi vợ vui thì bao nhiêu cũng dốc lòng. Bữa cơm vì thế cũng ngon hơn. Cái áo cái quần cũng trở nên tinh tươm hơn. Thân thể và tinh thần đều tột cùng sảng khoái. Sợ vợ buồn là vì thế.
Sợ nữa là sợ cả những gã đàn ông "lang sói" ngoài kia. Cùng là đàn ông sao mà ta không hiểu? Đàn ông toàn lũ à ơi rắc thính vợ người.
Hôn nhân nào mà chả có đôi phen chớp tắt. Giữa đôi lần chớp tắt ấy, ai mà biết có kẻ thọc cái gậy vào bánh xe của mình? Có khi nào thèm quan tâm đến việc bánh xe tốt xấu?
Cái thói đùa nhau chuyện bậy, tay chân loằng ngoằng ấy đáng ghét nhưng chưa đáng sợ bằng cái thói an ủi, lắng nghe, tỉ tê tâm sự của những gã đồng nghiệp lãng mạn. Vừa cãi nhau với mình xong, vợ đến cơ quan, gã đồng nghiệp đã ra chừng hiểu biết, rủ đi cà phê. Gió mưa lãng mạn, quán xá yêu kiều, lòng đang đầy tâm sự tha hồ trút, hỏi sao mà lòng không rung rinh, tim không xúng xính?
Trái tim phụ nữ vốn dĩ yếu mềm. Phụ nữ vốn dĩ hảo ngọt mà đàn ông thì sẵn cả tạ đường, yến mật. Mất vợ đôi phen.
Đừng trách người phụ nữ ấy là lẳng lơ. Không, họ chỉ là nhẹ dạ. Họ vẫn yêu chồng cơ mà cứ bị cô đơn ngay trong chính nhà mình thì bảo sao không ngã?
Sợ. Sợ lắm! Sợ khiến vợ buồn và bị dụ dỗ. Chẳng ai nói trước được điều gì. Vợ mình vốn mạnh mẽ, nghiêm túc, chung thuỷ nhưng mình vô tình mà xô vợ ngã vào vòng tay kẻ khác đôi khi.
Tôi nghĩ, đàn ông nên học cách sợ vợ để gìn giữ hạnh phúc gia đình và người vợ nào cũng muốn chồng mình sợ mất mình như vậy.
Bởi không phải sao, một món đồ giá trị người ta mới sợ mất. Chứ đồ hỏng, đồ thừa, đồ vô giá trị thì ai sợ làm gì? Thế nên, sợ vợ chính là cho nàng nhận ra rằng nàng có giá trị với đời ta vậy.