Nhộn nhịp chân đê ngày gần Tết
Đến hẹn lại lên, cứ tầm tháng 12, tháng 1 dương lịch là những đại gia, những người sành chơi cây cảnh không thể bỏ qua vườn cây của bác Giáp. Vườn cây rộng khoảng 5.000m2 ở sát chân đê thôn Bãi.
Đứng trên đê nhìn xuống, từng chùm cam, quýt, quất, bưởi, phật thủ ánh lên một màu vàng đẹp mắt. Bên cạnh mỗi gốc cây là hai, ba người khách đang ngắm nghía, ngã giá cho cây. Chỉ cần nhìn khung cảnh ấy, ai cũng có một cảm giác tết đang đến thật gần.
Bác Giáp cho biết: “Tháng này, trung bình mỗi ngày tôi đều tiếp khoảng gần 20 lượt khách. Càng gần tết, lượng người đến mua cây càng nhiều hơn”.
Giữa loạt người đang đi lại trong vườn chọn cây, người viết chợt thấy một chị đứng ngắm một cây khá lâu. Chị cho biết: “Tôi là Hiền, ở Từ Liêm. Tôi đến đây từ sáng để xem cây nhưng không ngờ hôm nay lại đông khách đến thế. Mặc dù là phụ nữ nhưng tôi có sở thích chơi cây cảnh vào mỗi dịp tết. Và hầu như vài năm nay tôi đều đến đây mua, bác Giáp coi tôi là khách quen và thường chọn cho tôi những cây tương đối đẹp. Ví dụ như cây tôi đang ngắm và định lấy đây”, vừa nói chị vừa chỉ tay vào cây trước mặt.
Sở dĩ vườn cây của bác Giáp được đông người lựa chọn là vì cây của bác đáp ứng đủ 3 tiêu chí: đẹp, độc, nghệ thuật. Thường thì mỗi cây chỉ có một loại quả, nhưng cây của bác Giáp sở hữu 5 đến 7 loại quả. Khách đến mua thường gọi là “cây ngũ quả” và “cây thất quả”.
Về ý tưởng nào cho ra được những cây nhiều loại quả, bác Giáp chia sẻ: “Vườn nhà tôi chỉ trồng đơn thuần cam, quýt để lấy quả bán theo mùa; có thêm chanh đào và quất để bán cây phục vụ dịp tết, nhưng thu nhập cũng chưa ổn định.
Đến năm 2008, sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, tôi chợt thấy trên ban thờ nhà nào vào ngày 30 Tết cổ truyền cũng đều có mâm ngũ quả. Vậy là ngay sáng hôm sau, với kinh nghiệm cắt ghép cây tự mày mò từ trước, tôi lấy bốn loại cành gồm: chanh đào, cam, bưởi đỏ, phật thủ đem ghép cả vào cây bưởi Diễn. Thế nhưng, kết quả không như mong muốn. Các mắt ghép đều sống và ra hoa, cho quả. Nhưng thời gian chín của từng loại quả khác nhau nên cây vẫn chưa được đẹp. Đến năm sau, tôi lại kiên trì làm lại, chọn thời điểm chín của từng loại quả mà ghép vào những mùa khác nhau. Vậy là, đến tết cây ngũ quả đầu tiên tôi làm thành công.
Năm ấy, tôi bán được 20 cây, cho thu nhập kha khá. Từ năm 2010 đến nay, tôi đã lai tạo ra được nhiều cây ngũ quả với các loại quả và thế cây khác nhau để khách tha hồ lựa chọn. Bên cạnh đó, cây thất quả cũng đã được cắt ghép thành công với hai loại bưởi, hai loại cam, quýt, chanh và phật thủ”.
Vậy là từ tính nhẫn nại, chịu khó tìm tòi và sáng tạo, thành công đã mỉm cười trên khu vườn đẹp như mơ của bác Giáp. Cây ngũ quả đã là một thành công lớn của bác. Đến cây thất quả thì anh Hùng – một khách hàng mới tới vườn của bác lần đầu đã phải thốt lên: “Tôi đánh giá rất cao sự khéo léo và tỉ mỉ này!”.
Đi lên nhờ “buôn chuối”
Trước kia, Bình Đà và Cao Viên là hai xã chuyên sản xuất pháo. Từ năm 1994, khi Nhà nước ta ra lệnh cấm đốt và làm pháo, người dân nơi đây tản đi nhiều nơi để tìm nghề mưu sinh. Giữa những nghề như phụ hồ, cai xây dựng, canh tác... thì nghề buôn bán hoa quả được chuộng hơn cả.
Người dân Cao Viên thường đến các tỉnh xung quanh để mua chuối về bán, bác Giáp cũng đi theo và làm nghề buôn chuối được vài năm. Cuộc sống càng ngày càng khó khăn, bác Giáp phải đi đến những nơi xa hơn để có thể mua được vài buồng chuối xanh nuôi cả gia đình. Một lần về Văn Giang (Hưng Yên), bác bị lạc đến một vùng trồng toàn cam và quýt. Hỏi giá quýt bán buôn thấy đắt hơn chuối nhiều lần, bác đã suy nghĩ và quyết định sẽ chuyển sang trồng cam.
Vợ bác Giáp chỉ mảnh vườn và cho biết: “Mảnh đất này trước kia gia đình tôi trồng chuối và táo. Nay ông ấy (ông Giáp – PV) chuyển sang làm mấy cái cây này, kinh tế gia đình tôi vực lên nhanh chóng. Vậy mà khi ông ấy mới trồng, tôi can ngăn vì năm đầu tiên toàn thất bại, cây con không bán được, cây to lấy quả thì rụng mất 70% số quả. Bây giờ cả gia đình thực sự trông mong cả vào vườn cây”.
Nhìn những mối ghép rất chuyên nghiệp đã lành hẳn, những quả phật thủ, chanh... đã là một phần của cây bưởi mới thấy khâm phục cái tài của người đã từng đạp xe khắp nơi “mua bán chuối xanh”. Trung bình mỗi cây ngũ quả được bác Giáp bán ra thị trường dao động từ 6 -7 triệu đồng. Với diện tích 1.500m2 trồng cây ngũ quả, mỗi năm cho thu nhập 5 – 6 trăm triệu đồng, chưa kể 3.500m2 trồng cam, quýt, bưởi, phật thủ.
Bác Giáp chia sẻ: “Tôi chẳng học ở đâu cả, cứ đam mê rồi tự làm, hỏng lại làm lại. Ghép cây đã khó, nuôi cây cho đẹp còn khó hơn. Mùa này hay có sương sớm, tờ mờ sáng nào tôi cũng phải phun nước lã để quả không bị thối. Còn phải phun nước rửa bát pha loãng để diệt rệp và nhện đỏ phá hoại cây”.
Chị Hiền - khách mua cây cho biết thêm: “Cây của bác Giáp thích để đến bao giờ cũng được. Quả tươi tự nhiên, xong Tết tôi bổ ăn thử thì mấy loại quả đều giữ nguyên hương vị của nó, không bị lẫn, bưởi diễn vẫn ngọt, chanh vẫn chua và phật thủ vẫn rất thơm. Đúng là hiếm thấy”.
Vườn cây vẫn không ngớt người qua lại xem, chọn, mua, khiêng về. Nắng mùa đông làm những loại quả thêm rực rỡ, căng tràn sức sống để chuẩn bị đón tết. Bác Giáp không quên nhắc đi nhắc lại một kỉ niệm vui đã làm bác đổi đời: “Nếu mà không có vụ đi buôn chuối lạc đường thì những “cây ngũ quả”, “cây thất quả” có lẽ cả đời tôi cũng chẳng dám mơ tưởng”.