Nguồn cung dồi dào
Vào giữa năm 2013, người nuôi heo gặp rất nhiều khó khăn bởi giá con giống đắt đỏ cộng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi đó giá heo hơi lại rớt thê thảm, chỉ từ 40- 42 ngàn đồng/1kg. Thậm chí có thời điểm chỉ còn 35 ngàn đồng/1kg. Điều đó khiến cho nhiều hộ chăn nuôi bị lỗ nặng, khiến nhiều người đã phá chuồng, bỏ nuôi hoặc chuyển sang nuôi con khác.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 11 âm lịch tới này, do nhu cầu tiêu thụ mạnh để làm đồ Tết nên giá heo hơi đã nhích dần lên, mấp mé quanh trục 50 ngàn đồng/1kg. Mặc dù mức tăng này đã trên 20% so với giá thời điểm đầu năm nhưng người chăn nuôi cho rằng vẫn chỉ “tạm chấp nhận được”, giúp họ thoát khỏi cảnh bị lỗ và có một phần lãi nhỏ.
Bà Nguyễn Thị Huệ ở Bến Cát, Bình Dương - một hộ chăn nuôi heo cho biết: “Giờ đây không còn phải lo thương lái chèn ép giá như trước đây mấy tháng. Lúc đó heo đến thời kỳ xuất chuồng nhưng thương lái cứ vô, ra trả lên trả xuống chán chê. Họ chỉ lựa những con ưng ý mới mua và giá cũng rất thấp khiến người nuôi như chúng tôi “khô máu”, nhiều hộ phải bỏ chăn nuôi. Hiện nay nhờ giá nhích lên do nhu cầu tăng nên thương lái vào tận nhà để mua, có loại nào mua loại đó chứ không còn “làm trời làm đất” như trước nữa. Nếu với đà này, khi giá heo hơi đạt khoảng 55 ngàn đồng/1kg thì chúng tôi sẽ yên tâm đầu tư chăn nuôi…”.
Ông Nguyễn Chí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai cho hay: “Giá heo hơi hiện nay chỉ ở mức chấp nhận được chứ chưa có dấu hiệu gì là tăng giá bất thường. Bởi cùng thời điểm này những năm trước, giá heo hơi liên tục ở mức 55 ngàn đồng/kg, thậm chí có lúc đạt kỷ lục 65 ngàn đồng/kg”.
Theo thống kê, hiện mỗi ngày người chăn nuôi ở Đồng Nai cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh gần 10 ngàn con heo thịt, với trọng lượng khoảng 900 tấn. Hiện Đồng Nai có tổng đàn heo khoảng 1,4 triệu con, tăng khoảng 200 ngàn con so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều địa phương khác tại các tỉnh miền Đông Nam bộ như Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước cũng có tổng đàn heo rất lớn. Điều đó cho thấy khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ mặt hàng thịt heo trong dịp Tết năm nay là không thể nào thiếu.
Các nhà phân phối muốn “mượn gió bẻ măng”?
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp tham gia bình ổn mặt hàng thịt heo đã “lên tiếng” về vấn đề thịt heo tăng giá dịp cuối năm. Họ đưa ra nhiều lý do khác nhau để biện minh cho cái “lý sự cùn” của mình, rằng hiện giá thị trường đã tăng cao, trong khi họ vẫn phải giữ mức giá bình ổn thì bị lỗ nặng (!?).
Riêng Công ty Vissan - đơn vị có thị phần lớn về phân phối mặt hàng này và tham gia chương trình bình ổn nhiều năm qua cho biết, dù giá thịt heo ngoài thị trường đã có sự tăng từ 4 đến 6 ngàn đồng/1kg nhưng Vissan sẽ cố gắng không tăng giá thịt heo bình ổn cho đến hết Tết Giáp Ngọ.
Theo ông Văn Đức Mười - Tổng Giám đốc Công ty Vissan nhận định, lượng heo hiện rất dồi dào nhưng do các trang trại chăn nuôi găm hàng lại để “nuôi” giá nên mới có sự tăng như vậy. Hiện, giá heo hơi đã tăng lên 20% so với hồi đầu năm. Với mức tăng này đủ để các doanh nghiệp bình ổn mặt hàng thịt heo điều chỉnh tăng theo, nhưng Vissaan sẽ cố gắng không tăng cho đến hết Tết.
Không giữ được “bình tĩnh” như Vissan về việc giữ giá, mới đây, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn đã đề nghị tăng giá thịt heo bình ổn thị trường. Về vấn đề này, hiện Sở Tài chính TP.Hồ Chí Minh đang kiểm tra xem xét các yếu tố nguyên liệu đầu vào để đưa ra quyết định cuối cùng là sẽ đồng ý cho tăng hay không.
Trước thông tin cho rằng việc tăng giá heo hiện nay là do người chăn nuôi găm hàng để “làm giá”, nhiều người chăn nuôi đã phản ứng gay gắt. Họ cho rằng, đó chẳng qua là do các nhà phân phối cũng như các doanh nghiệp chăn nuôi lớn muốn “mượn gió bẻ măng”.
“Heo đến thì mà không xuất thì nó cũng ngừng lớn, nếu găm lại thì chắc chắn cũng phải tốn kém rất nhiều thức ăn, trong khi trọng lượng lại không tăng lên, hoặc tăng nhưng rất chậm thì ai dại gì mà găm lại để vừa tốn công, vừa tốn của, đồng vốn lại không xoay vòng kịp… Tôi nghĩ rằng đó chỉ là dịp để những “ông trùm” lấy đó làm cái cớ mà tăng giá, móc túi người tiêu dùng” - bà Huệ ở Bình Dương phân tích.
Đồng thuận với phân tích đó, ông Nguyễn Chí Công cũng cho rằng: “Thời điểm này chẳng ai dại gì mà găm hàng cả, vì heo bán theo lứa, đến lứa thì bán, nếu heo quá lứa sẽ mất giá ngay lập tức. Hơn nữa với giá heo hơi hiện nay, các công ty phân phối thực phẩm vẫn có lãi. Thực tế những công ty phân phối họ đã tính từ trước, họ đã có một lượng hàng dự trữ rất lớn ngay từ khi giá còn rẻ nên không nhất thiết phải tăng”.