Trung bình 1 tháng lương
Nhiều lãnh đạo DN cho biết sẽ cố gắng thưởng một tháng lương cho cán bộ công nhân viên (CBCNV) và NLĐ vào dịp Tết Giáp Ngọ sắp tới. Ông Ngô Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Dịch vụ Dầu khí (PISD) cho biết, hằng năm, PISD thường dành khoảng 700 triệu đồng để thưởng Tết.
“Năm nay, trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế, dù chưa xây dựng kế hoạch chi tiết, nhưng PISD sẽ cố gắng thưởng Tết cho CBCNV một tháng lương với mức 11-12 triệu đồng/người”, ông Thanh nói.
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết, để động viên và giữ chân công nhân, hằng năm, Vinacomin luôn chỉ đạo các đơn vị thành viên có khoản tiền thưởng Tết cho NLĐ.
Thường các tổng công ty và công ty trực thuộc Vinacomin sau khi cân đối thu chi sẽ có khoản tiền thưởng Tết cho NLĐ để động viên tinh thần. “Vì năm 2013 quá khó khăn do than tồn đọng lớn nên mức lương, thưởng Tết phải chờ đến giữa tháng 12 mới biết cụ thể. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng để thưởng một tháng lương cho NLĐ”, vị lãnh đạo Vinacomin nói.
Kẻ khóc người cười là tâm trạng thưởng Tết 2014 (trong ảnh công nhân may mặc ở một DN FDI tại Hà Nội). Ảnh: Phong Cầm
|
Với khu vực ngân hàng, theo dự báo, năm nay, mức lương thưởng Tết sẽ thấp hơn năm ngoái. Thậm chí, có ngân hàng sẽ không có thưởng Tết. Ông Thái Thăng Long, Giám đốc Chi nhánh Ninh Bình Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, kể từ khi thực hiện cổ phần hóa, nhân viên Vietcombank chi nhánh Ninh Bình thường không có thưởng mà quy hết vào lương. Vì Ninh Bình là chi nhánh mới đi vào hoạt động nên quy mô tương đối khiêm tốn so với các chi nhánh khác.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, vì từ 1/1/2014, lương tối thiểu vùng khu vực DN sẽ tăng thêm 15% so với hiện nay, nên nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang xây dựng kế hoạch điều chỉnh lương, thưởng cho Tết Giáp Ngọ.
Theo một vị lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, năm ngoái, có DN 100% vốn Hàn Quốc ở KCN Tây Bắc Củ Chi (TPHCM) đã chi tới 25 tỷ đồng để thưởng Tết cho khoảng 10.000 công nhân. “Theo ước tính, Tết năm nay, vì lương tối thiểu tăng nên DN Hàn Quốc nói trên sẽ chi thêm khoảng 3 tỷ đồng so với năm ngoái, nâng tổng số lên 28 tỷ đồng thưởng Tết cho công nhân”, vị lãnh đạo này nói.
Hiện, nhiều DN FDI tại TPHCM và Bình Dương đã lên kế hoạch thưởng Tết cho công nhân. Đa số DN đều có mức thưởng trung bình một tháng lương (khoảng 3-5 triệu đồng/NLĐ). Ngoài mức thưởng Tết, công nhân ở một số công ty còn được công đoàn tặng một phần quà Tết (gồm dầu ăn, gạo, đường, bột ngọt…) trị giá từ 200-500 ngàn đồng.
“Thường các công ty có mức thưởng Tết và phần quà đều là những đơn vị có xây dựng thỏa ước lao động tập thể và việc thưởng Tết là thỏa thuận giữa ban giám đốc và công đoàn cơ sở”, đại diện Vụ Lao động-Tiền lương (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết.
Hàng ngàn lao động không lương, thưởng
Ngày 29/11, ông Phạm Văn Thanh, Trưởng phòng Lao động-Tiền lương (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) cho biết, vấn đề lo ngại nhất hiện nay chính là tình hình lương, thưởng tại các DN đã ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản. Theo ông Thanh, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội vừa có đợt kiểm tra tình hình lương, thưởng trên địa bàn toàn thành phố. Theo đó, mức lương, thưởng có sự chênh lệch đáng kể.
Cụ thể, đối với DN trong nước, lương cho người quản lý cao nhất là 37 triệu đồng/người/tháng và thấp nhất là 10 triệu đồng/người/tháng; lương của NLĐ từ 3-5 triệu đồng/người/tháng. Đối với khu vực công ích, lương của công nhân thoát nước khoảng 5 triệu đồng/người/tháng; công nhân chiếu sáng 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Ở khu vực DN FDI, tình hình lương, thưởng tốt hơn DN trong nước. Mức lương cho người quản lý cao nhất là 80 triệu đồng/người/tháng; lương NLĐ từ 6-7 triệu đồng/người/tháng.
Dự báo về tình hình lương thưởng Tết Nguyên đán sắp tới trên địa bàn Hà Nội, ông Phạm Văn Thanh cho biết, tùy theo lĩnh vực sẽ có mức lương thưởng Tết khác nhau. Với những DN đang hoạt động, lương thưởng Tết chắc chắn sẽ bằng hoặc cao hơn năm ngoái. Khốn khổ nhất là đối tượng NLĐ làm việc cho các DN đã ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản. Chắc chắn, đối tượng này sẽ không có lương cũng như thưởng Tết.
“Tính riêng Hà Nội, từ đầu năm đến nay, trong số 140.000 DN đã có 12.000 DN giải thể, phá sản. Đây là con số tương đối cao so với các năm gần đây. Vì số lượng DN giải thể, phá sản cao nên kéo theo hàng nghìn NLĐ không được đảm bảo về lương, thưởng Tết”, ông Thanh cho biết.
Về tình hình lương, thưởng Tết Nguyên đán sắp tới, ngày 29/11, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo kế hoạch, hằng năm, các tỉnh, thành phố sẽ có báo cáo gửi về Bộ LĐ-TB&XH thông báo tình hình trả lương, thưởng Tết của DN.
Lo ngại việc tăng lương tối thiểu từ 1/1/2014 ảnh hưởng tình hình lương thưởng Tết sắp tới, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu không ảnh hưởng nhiều đến lương thưởng Tết bởi nhiều DN đã trả cao hơn mức nhà nước quy định.