3 người con tật nguyền, 1 người đuối nước
Trong căn nhà cấp 4 xập xệ, ông Vỹ tâm sự cuộc đời gồng gánh nuôi đàn con bệnh tật của hai vợ chồng. Ông và bà Dung lấy nhau đã gần 50 năm.
Giống như bao vợ chồng khác, họ gửi gắm hi vọng vào những đứa con và lấy đó là động lực để vượt qua bao gian khó thường nhật trong cuộc sống. Thế nhưng bất hạnh chồng chất luôn đeo bám gia đình họ, khi bốn lần mang nặng đẻ đau thì 3 người con đầu bị di chứng căn bệnh chất độc màu da cam từ người cha.
Ba năm sau ngày cưới, vợ chồng ông Vỹ mới đón người con trai thứ nhất Nguyễn Vũ Á (SN 1971) chào đời. Niềm hạnh phúc ấy chưa được bao lâu thì người nhà ông Vỹ phát hiện Á có nhiều biểu hiện không bình thường. Khi được vài tháng tuổi, thân hình Á ngày càng teo tóp, chân tay co rút lại, biểu hiện như vô thức.
Hai người con tiếp theo Nguyễn Thị Phú (SN 1974) và Nguyễn Thị Phát (SN 1976) sinh ra cũng mắc phải chứng bệnh như người anh.
Bà Dung ngày ngày lo lắng từng miếng ăn giấc ngủ cho các con |
Đến lần thứ tư, ông Vỹ và bà Dung mới có thể mỉm cười trọn vẹn khi đón người con trai út kháu khỉnh, khỏe mạnh.
Nhưng, bất hạnh nối dài. Nước mắt rơi trên gương mặt bà Dung. Bà xúc động kể: “Đứa con thứ tư được lành lặn cho ăn học thành tài, nhưng nghiệt ngã thay đến ngày ăn mừng lễ tốt nghiệp thì bất ngờ đuối nước trong một vụ lật ghe”.
Nỗi khổ tâm của gia đình ông Vỹ chưa dừng lại ở đó. Đầu năm 2016 một tai họa khác lại ập đến, người con gái thứ 3 bệnh tật của ông lại bất ngờ qua đời vì tai nạn giao thông.
“Những đứa con của tôi bị nhiễm căn bệnh chất độc màu da cam, nhưng cũng có tình thương lắm. Ngày đứa con thứ ba của tôi chạy lang thang ngoài đường bị tai nạn giao thông chết đi, hai đứa còn lại cũng bỏ ăn mấy ngày liền. Mặc dù biết là hai đứa nó vô thức nhưng chúng tôi cũng dùng những lời lẽ động viên an ủi, dần chúng mới trở lại bình thường”, người mẹ tâm sự.
Hạnh phúc giản đơn
Suốt 45 năm qua, vợ chồng ông Vỹ phải làm lụng suốt ngày, ai thuê gì làm nấy “chạy từng bữa ăn” để nuôi đàn con tật nguyền. Ông Vỹ cho biết, vì nhà nghèo chỉ làm được vài sào ruộng quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mới đủ hạt gạo, hạt thóc để ăn.
“Năm nay trời thuận nên có lúa đủ cái ăn cho chúng nó, chứ mấy năm mất mùa không đủ cái ăn, nhiều khi phải trông chờ vào sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và những người hàng xóm tốt bụng cứu lúc nguy nan”, ông Vỹ chia sẻ.
Giờ đây tuổi cao sức yếu, ông bà chỉ làm được những công việc nhẹ kiếm vài chục ngàn đồng mỗi ngày nuôi hai người con còn lại. Dù đã 45 tuổi nhưng anh Nguyễn Vũ Á vẫn như đứa trẻ ngờ nghệch, vợ chồng ông Vỹ phải thay phiên nhau chăm sóc. Cả người con gái của ông bà đã ngoài 40 tuổi cũng phải nhờ cha mẹ chăm sóc.
Ông Vỹ dìu người con trai 45 tuổi từ sân vào nhà |
Thương hoàn cảnh gia đình ông Vỹ, nhiều người trong thôn đã khuyên gia đình nên đưa hai người con đến trung tâm bảo trợ xã hội. Nhưng vợ chồng ông không đành.
“Mình sinh con ra thì phải có trách nhiệm nuôi nấng, hơn nữa, 2 đứa tuy bị tàn tật nhưng là động lực sống của vợ chồng tôi. Nhìn chúng sống khỏe mỗi ngày là gia đình tôi cũng một phần nào được an ủi. Bây giờ mỗi ngày thấy chúng được sống là hai vợ chồng tôi có thêm động lực, nhưng mai này vợ chồng tôi chết đi không biết hai đứa nó sống làm sao”, ông Vỹ nói.
Bản thân ông Vỹ cũng bị ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam. Những khi trái gió trở trời, ông Vỹ lại bị cơn đau nhức hành hạ nhiều lần nhập viện. Còn hai người con “có lớn không có khôn” thường xuyên la hét ầm ĩ khiến bà Dung nhiều phen lao đao.
Để nuôi bốn miệng ăn, hằng ngày ngoài việc gia đình, ông Vỹ còn đi chăn trâu thuê cho hàng xóm kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống. Kiếm đủ miếng ăn đã khó, chi phí thuốc men cho 2 người con, vợ chồng ông chỉ biết trông mong vào sự giúp đỡ của xã hội.
"Gia đình tôi rất may mắn được chính quyền và cộng đồng quan tâm, giúp đỡ về vật chất lẫn tinh thần. Nhờ vậy mà gia đình tôi vững tâm hơn trong việc chăm sóc hai cháu", bà Dung chia sẻ.
Trong suốt cuộc trò chuyện, chốc chốc ông Vỹ lại mỉm cười nói: “Hạnh phúc của vợ chồng tôi là được nhìn các con sống khỏe”. Nhưng người cha vẫn đau đáu nỗi lo mai này khi vợ chồng ông không còn, ai sẽ lo lắng cho hai người con bất hạnh của mình?