“Cú hích” từ sản phẩm bản địa
Nhắc đến Ninh Bình - vùng đất cố đô với lịch sử hàng nghìn năm, du khách sẽ nghĩ ngay đến những kỳ quan và di sản văn hoá nổi tiếng. Tuy nhiên nếu như vì “mải say” trước vẻ đẹp tráng lệ của phong cảnh nơi đây mà bỏ qua rất nhiều sản vật nức tiếng với công thức chế biến đặc biệt lại là một thiếu sót rất lớn.
Với vị trí cực Nam vùng đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình có địa thế “tụ sơn tích thủy”, hội tụ đặc trưng địa lý của cả 3 vùng là đồng bằng châu thổ sông Hồng, Tây Bắc và Bắc Trung bộ. Trong đó 2 huyện Gia Viễn, Nho Quan được thừa hưởng lợi thế địa hình thuận lợi cho phát triển kinh tế cộng với truyền thống lịch sử hàng nghìn năm đã giúp nền nông nghiệp nơi đây tạo ra những sản phẩm OCOP đặc thù ghi dấu ấn với du khách.
Nho Quan là một vùng đất có địa hình kết hợp hài hòa giữa sông, núi, đồng bằng, giàu tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên và có một bề dày văn hóa, lịch sử. Nơi đây không chỉ phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, mà còn thuận lợi cho người dân sản xuất hàng hóa, sản phẩm nông nghiệp độc đáo có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường.
Bắt đầu từ năm 2020, dưới sự chỉ đạo của UBND huyện Nho Quan, sau ba năm triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm, hơn hai mươi xã tại đây đã không ngừng phát triển, quảng bá, hoàn thiện sản phẩm nông nghiệp truyền thống. Hiện tại, trong 101 sản phẩm OCOP ở tỉnh Ninh Bình, huyện Nho Quan đã đóng góp 5 sản phẩm đạt 4 sao gồm Trà Hoa vàng, Cao đinh lăng, Cơm cháy Xích Thổ, Na trái vụ Phú Long và hai sản phẩm 3 sao gồm Trà hoa thảo mộc, Bình cắm hoa gốm Gia Thủy. Đây đều là những “thức quà quê” độc đáo, thu hút khách thực khách mỗi khi đến với phố huyện miền núi này.
Có một số sản phẩm của huyện Nho Quan đang nhận được nhiều sự chú ý về cả chất lượng và độ đặc sắc. Như na trái vụ ở xã Phú Long, những năm trước, khi chưa ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc na trái vụ, quả thường có nhiều sâu bệnh, mẫu mã xấu. Tuy nhiên, sau khi quy trình trồng trọt liên tục được đổi mới, cải tiến, vài năm trở lại đây, na trái vụ đã trở thành một sản phẩm có được chỗ đứng trên thị trường. Những vụ na trái mùa của xã Phú Long cho thu hoạch khoảng 5 tấn quả, với giá bán dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, số tiền thu về cho bà con nông dân là gần 200 triệu đồng.
Cơm cháy Xích Thổ ở Nho Quan, cũng là một sản phẩm được ưa chuộng và trở thành món quà không thể thiếu đối với mỗi du khách ghé thăm nơi đây. Cơm cháy Xích Thổ được sử dụng nguyên liệu từ 100% gạo nếp hương thu mua ở huyện Kim Sơn, cùng nhiều hương vật liệu khác được mua từ bà con ở các huyện, xã lân cận tại Ninh Bình. Chỉ bằng những miếng cơm ròn rụm, bùi béo với lớp chà bông mằn mặn phủ bên trên, xã Xích Thổ đã tăng thêm thu nhập cho không ít người dân tại nơi đây. Tính đến nay, trung bình cơm cháy được sản xuất ra thị trường khoảng 450 tấn, doanh thu đạt 32 tỷ đồng (số liệu năm 2020). Đồng thời, các cơ sở sản xuất món Cơm cháy Xích Thổ cũng đã tạo công ăn việc làm cho cả trăm người dân ở huyện Nho Quan và các vùng lân cận. Như tại thương hiệu cơm cháy Đại Long, mức thu nhập của người lao động khoảng từ 7 - 20 triệu đồng/ tháng.
Sản phẩm lưu niệm đặc sắc ở Gia Viễn. (Ảnh: UBND huyện Gia Viễn) |
Di chuyển đến vùng đất Gia Viễn, khác với Nho Quan có địa hình hài hoà thì nơi đây vốn một thời là vùng rốn lũ, quanh năm ngập lụt, mất mùa, cuộc sống người dân khó khăn. Nhưng theo thời gian Gia Viễn đã “thay da đổi thịt” nhờ khắc phục những khó khăn về địa hình. Đồng thời tập trung phát triển các sản phẩm nông, lâm, thủy sản chất lượng cao mang đặc trưng, thương hiệu riêng của từng địa phương thông qua các sản phẩm OCOP huyện đã và đang phát triển.
Sau hơn 4 năm triển khai chương trình OCOP, huyện Gia Viễn đang có 10 sản phẩm được công nhận OCOP và đang phấn đấu phát triển thêm 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên. Trong đó có các sản phẩm đặc sắc thu hút du khách như thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn - OCOP 4 sao, nấm sò Anh Phúc - OCOP 3 sao, dầu tắm hoa hồng sinh dược - OCOP 4 sao,… Để đạt được xếp hạng OCOP các sản phẩm không chỉ cần chú ý đến việc nâng cao chất lượng mà còn phải vượt qua nhiều quy định kiểm dịch khác như về mẫu mã, bao bì, điều kiện sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu,…
Như đối với sản phẩm thịt chưng mắm tép Thanh Nguyễn, điểm nổi trội của sản phẩm là nguyên liệu được tuyển chọn kỹ, sạch, tự nhiên. Trong quá trình chế biến cơ sở sản xuất không dùng mỡ thừa, không mì chính, không chất bảo quản hướng đến chuẩn sản phẩm sạch theo hướng VietGAP. Các khâu chế biến được kiểm tra kỹ về vệ sinh an toàn thực phẩm. Trung bình mỗi ngày cơ sở chị Thanh sản xuất được từ 10 - 20 kg thành phẩm thịt chưng mắm tép, cao điểm lên đến 30 - 40 kg, với giá 280.000 - 330.000 đồng/kg, mỗi tháng cho doanh thu gần 100 triệu đồng. Cơ sở của chị Thanh còn tạo việc làm cho 5 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 6 - 9 triệu đồng/ tháng.
Theo bà Vũ Thị Dược - Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Viễn, khi nhắc đến huyện Gia Viễn, du khách sẽ nghĩ ngay đến những sản phẩm được bào chế từ những bài thuốc của vị Đức Thánh nguyễn. Nổi bật phải kể đến nhóm 3 sản phẩm của hợp tác xã (HTX) Sinh Dược đạt chứng nhận OCOP 4 sao. Muối ngâm chân Sinh Dược, bánh đa Điềm Giang, trà An Thái, tranh lá Bồ Đề, đây là những sản phẩm đại diện cho nhóm hàng gồm: Dược mỹ phẩm – Thực phẩm - Thủ công mỹ nghệ. Được biết các sản phẩm về Sinh Dược, tranh lá Bồ Đề của huyện Gia Viễn đang được xuất khẩu sang châu Âu và được du khách rất là ưa thích. Sự phát triển mạnh mẽ của những sản phẩm OCOP đã có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông thôn, hiện đang được triển khai ở Gia Viễn. Từ đó, nhờ “cú hích” từ các sản phẩm bản địa góp nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống cho người dân.
Trải nghiệm và tìm hiểu quy trình sản xuất bánh đa tại HTX bánh đa Điềm Giang. (Ảnh: UBND huyện Gia Viễn) |
Đậm đà bản sắc vùng miền
Mỗi sản phẩm OCOP đều là “sứ giả” của làng quê, lan tỏa truyền thống, tinh hoa, bản sắc của vùng miền, địa phương. Các sản phẩm OCOP không chú trọng đến việc sản xuất hàng loạt theo kiểu công nghiệp, mà tạo ra nét độc đáo, đặc sắc riêng biệt đến từ giá trị thổ nhưỡng, văn hóa và kỹ thuật thủ công để làm ra nó. Chính vì vậy, gốm sứ Gia Thủy (Nho Quan), trà An Thái (Gia Viễn) hay phần lớn các sản phẩm OCOP ở tỉnh Ninh Bình không được sản xuất với quy mô, dây chuyền lớn, nhưng lại thu hút được người mua, khách du lịch bằng “câu chuyện về sản phẩm”.
Như câu chuyện về gốm Gia Thủy ở Nho Quan, tính đến nay, làng gốm Gia Thủy là một trong những làng nghề truyền thống vẫn còn tồn tại ở vùng đất Ninh Bình. Nơi đây đã có tuổi đời hơn 50 năm, là nơi kế thừa những tinh hoa của nghệ thuật tạo hình, mang đến những tác phẩm gốm đậm đà giá trị văn hóa đặc sắc dân tộc. Sở dĩ vùng đất này được lựa chọn làm nơi phát triển nghề gốm truyền thống, bởi đất sét ở đây có màu nâu vàng đặc trưng, duy chỉ có vùng đất này mới sở hữu loại đất đặc biệt này mà thôi.
Hay câu chuyện về tích chữa bệnh cho Vua Lý Thần Tông “hoá hổ” bằng thảo mộc mọc dưới chân núi Bái Đính cũng gắn liền với sự hình thành của HTX Sinh Dược. Được biết, từ xa xưa mảnh đất màu mỡ dưới chân núi Bái Đính là nơi thảo mộc mọc tự nhiên với các loại như sài đất, kim ngân, cúc tần, tầm bóp, xả, hương nhu,… Tuy nhiên trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử những loại thảo mộc nơi đây bị lãng quên. Chỉ đến năm 2014, HTX Sinh Dược đã nỗ lực gây dựng lại những tri thức thảo dược cổ truyền và các nghề thủ công để gìn giữ văn hóa, phát triển kinh tế bền vững gắn với các giá trị bản địa.
Có thể thấy, mỗi sản phẩm sẽ có một câu chuyện về lịch sử, cách sản xuất, truyền thống, văn hóa thấm đẫm trong đó. Đây chính là thông điệp mà sản phẩm OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, đến người mua nhằm thay đổi cảm xúc của khách hàng khi mua sắm sản phẩm, dịch vụ. Từ đó, mỗi sản phẩm ở các địa phương có thể tạo nên thương hiệu bằng các giá trị vô hình và chạm đến cảm xúc, trái tim của khách hàng, trở thành một phần lý do họ mua hàng. Đặc biệt hơn, sản phẩm OCOP không chỉ là thông điệp, câu chuyện, mà đó còn là niềm tự hào của các vùng quê về những sản vật của mình.