Thế nhưng khi trò chuyện với chúng tôi, nhiều người ở thôn Hưng Thái (xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) vẫn không tin đó là sự thật, họ cứ ngỡ đó như là một giấc mơ.
Nếu năm đó có cây cầu…
“Mấy chú chạy xe qua cầu vào làng tôi có thấy êm không? Không phải vất vả qua đò, qua ghe như lúc trước, giờ ai vào làng cứ ngồi trên xe mà chạy vào thôi. Cả đời tôi sống ở trong thôn, cây cầu là giấc mơ lớn nhất của tôi và người dân ở đây đó chú”- ông Hoàng Diêu, Phó trưởng thôn Hưng Thái vừa bưng khay nước ra mời chúng tôi vừa hồ hởi khoe chuyện.
Gần 40 năm, thôn Hưng Thái dường như cô lập với thế giới bên ngoài. Bởi, để ở được thôn thì chỉ có một con đường độc đạo duy nhất đó là qua đò. Mà chuyện qua đò ở mùa lũ là cả một vấn đề. Mùa mưa nước lên nhanh cộng thêm việc bến thuyền nằm vào vùng nước chảy xiết nên mọi hoạt động hầu như bị ngưng trệ.
Đến bây giờ, những người dân trong thôn vẫn không thể quên được sự việc đau lòng đã xảy ra với một bà mẹ trẻ cách đây 7 năm. Vào mùa lụt năm 2008, trong thôn có một bà mẹ trẻ vừa mới sinh con được một tuần thì gặp mưa lụt, nước lên nhanh. Lúc đó cả mẹ và trẻ sơ sinh sốt nặng phải đưa đi viện gấp nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Cơn sốt của người mẹ trẻ xấu số xảy ra đúng lúc nước lũ đang lên nhanh. Những chiếc đò mỏng manh, đơn sơ không thể chở bệnh nhân qua sông mặc dù xe cấp cứu của Trung tâm Y tế huyện Phong Điền đã chờ sẵn ở bên kia.
Người mẹ trẻ đã từ giã cõi trần trong sự thương xót của những người ở lại. May mắn là cháu bé sơ sinh vừa tròn một tuần tuổi đã được cứu sống, bây giờ cháu đã học lớp 1. Kể lại câu chuyện đau buồn trên, bà Hoàng Thị Lộc vẫn không thể kìm nén được nước mắt: “Nếu năm đó có cây cầu thì con dâu tui đã không chết, và cháu nội tui đã không mồ côi mẹ khi mới đầy tuần tuổi”.
Nỗi đau của gia đình bà Lộc cũng chính là sự mất mát, thiệt thòi mà những người dân ở thôn Hưng Thái phải chịu đựng suốt gần 40 năm nay. Nhiều người bệnh mất mạng oan uổng vì chậm đưa đi cấp cứu do không có cầu bắc qua sông. Kinh tế trong thôn cũng kém phát triển vì không giao thương được với bên ngoài, cũng vì không có cầu. Đó là những thiệt thòi quá lớn của những người dân nghèo.
“Nếu cây cầu bắc qua con sông sớm hơn thì kinh tế thôn này không thua một thôn đâu. Trong thôn nhiều người sản xuất giỏi, có ý chí làm giàu nhưng ngặt một nỗi đến khi thu hoạch, do không có cây cầu nên khâu vận chuyển bị chậm, nông sản hư hỏng, bị tư thương ép giá.
Thương lái vào đây thu mua viện cớ không có cầu, xe vào không được phải chuyển nhiều lần, tốn kém nên dìm giá. Biết là bị bắt chẹt nhưng họ nói có lý nên mình cũng chịu. Do không có cầu thành ra vậy đó” - ông Diêu giãi bày.
Mở tiệc ăn mừng khi động thổ làm cầu
Giờ đây, mặc dù họ đã đi lại trên cây cầu đó nhiều lần nhưng nhiều người dân vẫn cứ ngỡ là mơ. Đối với họ, đây như một giấc mơ, nhưng là giấc mơ có thật. Ông Trần Văn Liên năm nay đã bước sang tuổi 90 nhưng khi trò chuyện, ông vẫn nhớ như in cái ngày Nhà nước động thổ bắc cây cầu vào làng mình.
Ông bộc bạch: “Tui nói cái ni chú đừng cười, chứ nghe tin thôn có cây cầu bắc qua, tui như trẻ lại 20 tuổi. Vui lắm, mừng lắm chú ạ! Mình già rồi, chết cũng được rồi, nhưng mừng cho con cháu, cho mấy đứa trẻ bây giờ đi lại được thông thương, không vất vả, nguy hiểm như trước nữa.
Tui chừng ni tuổi, nhưng khi cầu đang làm, chiều mô tui cũng chống gậy ra để coi. Coi để cho sướng mắt, cả đời sống bị cô lập, chừ có chiếc cầu chắc chắn ri bắc qua, tui có thể nhắm mắt xuôi tay được rồi”.
Sau nhiều thập niên sống như bị cô lập, việc giao thương với bên ngoài bị hạn chế, nay có cây cầu bắc qua, cả làng mừng khôn xiết, vui như có hội. Không ai bảo ai, già trẻ, gái trai đã cùng nhau hát những bài ngợi ca, biết ơn Đảng, Bác Hồ.
“Chú biết không, lúc bên kia sông người ta làm lễ động thổ để xây cầu thì bên ni những người dân trong thôn họ mở tiệc ăn mừng, mỗi nhà góp 200 ngàn để tổ chức liên hoan “- ông Diêu cho biết. Tin rằng nhờ cây cầu Hưng Thái, đời sống của người dân ở thôn Hưng Thái sẽ mạnh mẽ vươn mình.