Hiratsuka Niki có bố người Anh, mẹ người Nhật Bản nên ngoại hình của cô mang nhiều nét châu Á. Với những ai đã từng được nghe câu chuyện của Hiratsuka Niki thì mới thấu hiểu ước mơ đi du lịch vòng quanh thế giới vẽ 1001 chân dung của những người phụ nữ sẵn sàng chia sẻ câu chuyện về lạm dụng tình dục của họ. Bản thân Hiratsuka Niki đã từng bị bố đẻ xâm hại tình dục. Cô có một cuộc sống khó khăn vì hành động tồi tệ ấy ảnh hưởng đến mọi thứ trong đời sống của cô.
Năm ngoái, Hiratsuka Niki đã nhận ra một điều về bản thân mình, đó là nếu nói lên điều khủng khiếp đã xảy ra khi còn nhỏ, cô có thể giải thoát bản thân khỏi quá khứ của chính mình. “Tôi đã thông báo tại triển lãm cá nhân của tôi ở Sydney rằng tôi đã bị cha tôi lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Bằng cách chia sẻ nó một cách công khai, tôi đã có thể nhận ra rằng những gì đã xảy ra với tôi không phải là lỗi của tôi. Mặc dù không dễ dàng nhưng tôi đã khám phá ra rằng mọi người thực sự quan tâm, ủng hộ và thậm chí biết ơn vì tôi chia sẻ câu chuyện của tôi với họ. Sau đó, những phụ nữ khác đã trải qua những điều tương tự đã tiếp cận tôi và nói với tôi rằng khi họ nghe câu chuyện của tôi, họ cảm thấy bớt cô đơn. Họ nói rằng câu chuyện đã cho họ thêm sức mạnh, họ cũng bắt đầu thực hiện các bước để phá vỡ sự im lặng của họ và bước vào một cuộc sống tự chủ hơn” - Hiratsuka Niki cho biết.
Từ nhận thức này, Hiratsuka Niki đã có ý tưởng để đi du lịch vòng quanh thế giới vẽ 1001 chân dung của những người phụ nữ sẵn sàng chia sẻ câu chuyện về lạm dụng tình dục của họ. Dự án của cô sẽ là một cách để phụ nữ phá vỡ sự im lặng, được lắng nghe, nâng cao nhận thức và tạo cảm hứng cho sự thay đổi trên toàn thế giới. Sau khi vẽ 5 phụ nữ ở Sydney, Hiratsuka Niki chuyển đến Hà Nội, Việt Nam vì cô đã sống ở đây năm 2009-2010 và đã học được tiếng Việt, yêu đất nước và con người Việt Nam.
Một lý do nữa khiến Hiratsuka Niki chọn dừng lại ở Việt Nam vì thời gian gần đây chủ đề lạm dụng tình dục đã được công khai trong các cuộc trò chuyện, trên truyền thông ở Việt Nam, bị dư luận xã hội lên án, được pháp luật bảo vệ. Và tất nhiên sẽ có những phụ nữ muốn công khai nói về trải nghiệm của mình nhằm mang lại thay đổi. “Để nâng cao nhận thức về truyền thông xã hội, tôi hiện đang lên kế hoạch triển lãm lớn khoảng 39 bức chân dung ở tầng cao nhất của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam ở Hà Nội vào cuối năm nay” - Hiratsuka Niki cho biết. Bức chân dung đầu tiên tại Việt Nam đã được Hiratsuka Niki thực hiện hôm 26/3 vừa qua.
Hiện Hiratsuka Niki đang kêu gọi sự chung tay đóng góp từ thiện của những người bạn Việt Nam giúp cô chi trả cho việc quảng bá và triển khai một cuộc triển lãm quy mô lớn. Cô ước tính sẽ cần khoảng 60 triệu đồng để thuê triển lãm, chi phí đi lại khi vẽ trang ở Việt Nam, quảng cáo…
“Bị xâm hại tình dục mà im lặng là chúng ta đã tự tạo oan ức cho mình”
Đó là suy nghĩ của em Trần Lê Thảo Nhi, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Chu Văn An, Bình Thạnh, TPHCM. Có bố làm luật sư, Nhi có điều kiện đọc hồ sơ, kiến thức về nhiều vụ xâm hại hết sức đau lòng khác. Chính vì thế vừa qua Thảo Nhi đã tự lên kế hoạch, tổ chức nói chuyện về nạn xâm hại tình dục trẻ em với 20 bạn trong lớp, sắp tới em sẽ diễn thuyết về chủ đề này trước toàn trường
“Em muốn được nói chuyện về chống xâm hại với bạn bè cả nước để không một bạn nhỏ nào trở thành nạn nhân của tội ác này” là ước mơ của Trần Lê Thảo Nhi.
Tại buổi nói chuyện về nạn xâm hại tình dục trẻ em với 20 bạn trong lớp Nhi tập trung diễn thuyết nói về các nội dung như cách đề phòng, nhận diện kẻ xâm hại, xử lý tình huống, nếu sự việc đã xảy ra thì cần làm gì về mặt pháp lý và cả tâm lý. Liên quan đến giới tính, nhiều vấn đề người lớn vẫn né tránh thì Nhi không ngại chỉ về các bộ phận riêng tư, bộ phận sinh dục trên cơ thể... để giúp các bạn hiểu đó là vùng bất khả xâm phạm. “Giáo án” được Nhi chuẩn bị kỹ lưỡng từ kiến thức có sẵn và các tư liệu Nhi thu nhập được.
Được biết, từ mô hình buổi sinh hoạt do Nhi tổ chức, Trường Tiểu học Chu Văn An sẽ nhân rộng ra toàn trường. Ban giám hiệu trường đã có kế hoạch sau khi kỳ thi cuối năm sẽ tổ chức một buổi chuyên đề về phòng chống xâm hại tình dục mà Thảo Nhi sẽ là diễn giả. Từ mô hình trong trường, trường sẽ liên hệ với Phòng Giáo dục quận để Nhi có thể “tiếp lửa” cho các trường lân cận.
Theo suy nghĩ của Thảo Nhi, thiếu hụt nhất của các bạn nhỏ trong vấn đề này là thiếu kỹ năng. Nhiều tình huống biết là bị xâm hại nhưng các bạn không biết từ chối, không biết làm cách nào để thoát khỏi “yêu râu xanh”.
Em nhắn nhủ các bạn: “Nếu bị xâm hại, hãy nói ngay với bố mẹ. Đây không phải là lỗi của mình, chúng ta không cần phải xấu hổ, không cần sợ hãi. Nếu im lặng, chúng ta đã tự tạo oan ức cho mình; bao che cho kẻ xấu, chúng sẽ tiếp tục thực hiện hành vi đồi bại với các bạn nhỏ khác”.