Có 53/63 tỉnh, TP có nợ đọng với số tiền khoảng 15.277 tỷ đồng. Trong đó 3 khu vực có mức nợ đọng cao nhất là Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung bộ, miền núi phía Bắc. Cá biệt huyện Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) nợ XDCB là 397 tỷ đồng, mất khả năng thanh toán gây dư luận không tốt trong nhân dân.
Báo cáo giám sát của UBTVQH thống kê được có tổng số 3.637 xã có nợ đọng (chiếm 40,7% số xã xây dựng NTM cả nước) với mức nợ bình quân khoảng 4,2 tỷ đồng/xã). Tổng số nợ đọng của 15 địa phương có số nợ cao nhất chiếm tới 80,7% tổng số nợ đọng của cả nước. Tổng số nợ đọng tại các xã đã được công nhận đạt chuẩn đến ngày 31/01/2016 là 7.157,7 tỷ đồng (chiếm 46,9% số nợ đọng cả nước); có 1.147 xã đạt chuẩn (chiếm 62,5%) nợ đọng với mức nợ bình quân khoảng 6,24 tỷ đồng/xã.
Số nợ đọng của các địa phương tập trung chủ yếu trong các dự án về giao thông (30,8%); thủy lợi (5,5%); trường học (23,3%); cơ sở vật chất, văn hóa (12,7%); các công trình dự án khác (27,7%). Do đặc thù Chương trình xây dựng NTM, các công trình, dự án chủ yếu do cấp huyện, xã phê duyệt nên số nợ cũng chủ yếu thuộc trách nhiệm ngân sách cấp huyện, xã.
Theo phân tích từ thực tế giám sát, nguyên nhân nợ đọng do nhiều yếu tố, một phần do biến động thị trường đất đai nên nguồn thu từ đấu giá đất sụt giảm, không đạt như dự tính đã khiến các địa phương không cân đối được nguồn để trả nợ; nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện không đảm bảo so với mục tiêu Chương trình.
Nhiều địa phương chưa chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo T.Ư trong việc kiểm soát vốn đầu tư công và xử lý nợ đọng XDCB; phê duyệt dự án và đồng ý để các doanh nghiệp ứng trước vốn để thi công khi chưa xác định được nguồn vốn để thanh toán; một số địa phương phong trào xây dựng NTM phát triển quá nhanh, nóng vội, chạy theo thành tích trong khi chưa cân đối được nguồn lực; một số khoản nợ được các địa phương thống kê, tuy nhiên thực tế vẫn đang trong thời hạn thanh toán; một số nơi chậm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục thanh quyết toán đầu tư xây dựng dẫn đến chậm giải ngân các nguồn vốn.
Tỷ trọng số nợ đọng này chiếm 1,8% tổng nguồn lực huy động và chiếm 5,7% tổng nguồn ngân sách hỗ trợ thực hiện nên cần sớm có biện pháp xử lý dứt điểm. Đó là hậu quả của những ảnh hưởng khách quan từ biến động của tình hình kinh tế, thời tiết, chính sách và từ chính việc “một bộ phận lại quá nôn nóng, chạy theo thành tích; chưa chú trọng đến lợi ích thiết thực của người dân, chưa thực sự coi người nông dân là chủ thể của quá trình xây dựng NTM” như báo cáo giám sát đã chỉ ra.
Rõ ràng, những món nợ đang khiến NTM như người được khoác chiếc áo mới rực rỡ, phô trương mà vẫn phải mang tâm trạng cũ của thời khốn khó, “xoay trước, đắp sau”. Nếu không triệt tiêu được những nguyên nhân khiến NTM phải “gánh nợ” XDCB như vậy thì việc xây dựng NTM sẽ thực sự bị biến thành “món nợ” và làm người dân nản lòng với một chủ trương nhằm cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở nông thôn này.