Chuyển mình mạnh mẽ
Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm 2016 do ông Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình nêu rõ, Thái Bình đang tiếp tục chuyển mình với những con số tích cực, đạt kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực như: tổng sản phẩm trên địa bàn ước đạt 21.670,8 tỷ đồng, tăng 8,01% so với cùng kỳ năm 2015; tổng giá trị sản xuất ước tăng 9,33%, trong đó sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng 2,25%; công nghiệp - xây dựng tăng 14,87% và dịch vụ tăng 6,75% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách trên địa bàn đạt đến 85% dự toán, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Diên cho biết, tỉnh cũng là điểm sáng thực hiện nông thôn mới khi hơn 62% số xã và huyện Hưng Hà đã đạt chuẩn nông thôn mới. Phấn đấu hết năm nay có 200 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 76% tổng số xã toàn tỉnh. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, phát triển chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, Thái Bình cũng rất chú trọng trong công tác cải cách thủ tục hành chính với 100% thủ tục hành chính được thực hiện tại Trung tâm hành chính công 2 cấp của tỉnh nên tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận với các cơ quan quản lý nhà nước. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, số doanh nghiệp thành lập mới tại Thái Bình tăng đến gần 40% so năm trước.
Tuy nhiên, cơn bão số 1 vừa qua đã làm cho Thái Bình ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân trong tỉnh. Theo thống kê thì toàn tỉnh đã bị thiệt hại với trên 50.000 ha lúa bị ngập úng nặng; trên 7.000 ha cây ăn quả, hàng vạn cây lâu năm và cây bóng mát bị gãy, đổ; trên 10 ngàn ha ao nuôi cá nước ngọt, đầm nuôi trồng thủy sản mặn, lợ và hàng ngàn cột điện gãy, nứt. Ngoài ra, hàng trăm phòng học, nhà làm việc và hàng ngàn nhà dân bị tốc mái… tổng thiệt hại do bão số 1 gây ra theo ước tính ban đầu khoảng 2.500 tỷ đồng.
Toàn cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Thái Bình |
Nâng gấp 3 lần số doanh nghiệp trong 5 năm tới
Tại buổi làm việc Thủ tướng đánh giá cao tỉnh có chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương khắc phục hậu quả cơn bão số 1 vừa qua. Thủ tướng cũng đồng ý về đề xuất của tỉnh giãn nợ vay, miễn giảm thuế cho doanh nghiệp chịu thiệt hại nặng nề do bão và giao Văn phòng Chính phủ nghiên cứu đưa ra giải pháp cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu tỉnh trên cơ sở hỗ trợ của Chính phủ cho Thái Bình về giống một số loại cây trồng, phân bổ, hỗ trợ kịp thời cho nông dân, không để người dân nghèo đi vì bão số 1 và không để đất trống.
Thủ tướng cũng biểu dương những kết quả của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới và tái cơ cấu nông nghiệp cùng với công tác cải cách hành chính đã đem lại kết quả rõ nét, nhất là mô hình trung tâm hành chính công hai cấp đang được triển khai. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ tỉnh vẫn chưa có bước đột phá lớn trong phát triển, chưa có nhiều giải pháp để thúc đẩy sức sản xuất phát triển mạnh mẽ hơn nữa, nhất là việc đưa doanh nghiệp vào nông nghiệp; thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài còn thấp. Hiện tình trạng độc canh cây lúa vẫn là phổ biến. “Nếu doanh nghiệp không tham gia thì khó phát triển”, Thủ tướng nói.
Với mục tiêu đến năm 2020, Thái Bình đưa kinh tế nông nghiệp đạt giá trị 400 – 500 triệu đồng/ha, Thủ tướng yêu cầu, mục tiêu này phải chú ý phấn đấu quyết liệt mới thành công, phải phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã tại nông thôn. 5 năm tới, phải nâng gấp 3 lần số doanh nghiệp của tỉnh. Muốn vậy, công tác xúc tiến thương mại, đồng hành cùng doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp cần được triển khai mạnh mẽ.
Thủ tướng cũng yêu cầu bộ máy hành chính từ tỉnh đến xã phải tinh gọn, chất lượng, sát sao với nhân dân. Trong công việc thì minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cần khai thác các tiềm năng, thế mạnh khác như than, kinh tế biển... Và đặc biệt, Thái Bình là tỉnh giàu truyền thống cách mạng, người dân thông minh, năng động, cần cù, tiềm lực lớn của Thái Bình là con người, cần huy động nhân tài của tỉnh để đóng góp cho quê hương.
Thủ tướng cũng lưu ý tỉnh phát triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường. Tiếp tục quan tâm công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, trong đó có vấn đề giao thông đường thủy. Thái Bình đất chật người đông, dân trí cao, nhưng dân đô thị thấp hơn cả nước 11%, do đó cần chú trọng quy hoạch, đẩy mạnh đô thị hóa.
Cũng tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký kết hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và UBND tỉnh Thái Bình về việc thúc đẩy hỗ trợ, tạo điều kiện cho hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn.