Tại Hội nghị, trước hơn 400 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước, lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông qua 10 cam kết đối với nhà đầu tư: Cung cấp đủ điện 24/24h; đảm bảo hạ tầng và cung cấp các dịch vụ thiết yếu tới chân hàng rào doanh nghiệp; giải quyết thủ tục hành chính nhanh gọn, trong đó thời gian cấp Giấy chứng nhận đầu tư không quá 3 ngày; thực hiện các thủ tục hành chính, thủ tục thuế điện tử thuận lợi, chính xác; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động và cung cấp nguồn lao động có kỹ thuật và ý thức tổ chức kỷ luật.
Hà Nam còn đưa ra các cam kết: Giao đất sạch không thu tiền để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cho công nhân; đáp ứng nhu cầu về dịch vụ, hạ tầng xã hội, vui chơi giải trí; hỗ trợ và tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp khi có nhu cầu mở rộng sản xuất; đảm bảo an ninh trật tự ngoài hàng rào doanh nghiệp; thành lập đường dây nóng của Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh để tiếp nhận thông tin và giải quyết ngay các kiến nghị từ phía các doanh nghiệp…
Tỉnh cho biết đã quy hoạch vùng trồng và chế biến các sản phẩm rau, củ, quả sạch có giá trị gia tăng cao với diện tích gần 1.000ha; phấn đấu trở thành Trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, đào tạo nguồn nhân lực và du lịch vào năm 2020; tiếp tục kêu gọi đầu tư vào khu Trung tâm y tế chất lượng cao, Khu Đại học Nam Cao, Khu Du lịch Tam Chúc… Theo ông Vũ Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam, tỉnh sẽ xây dựng Hà Nam từng bước trở thành “Điểm đến hấp dẫn” thu hút các nhà đầu tư, lực lượng lao động, du khách trong và ngoài nước.
Tại Hội nghị, bên cạnh việc giá cao 10 cam kết mà lãnh đạo tỉnh công bố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng biểu dương Hà Nam là địa phương có nhiều mô hình kinh tế hiệu quả và thành tích khá tốt trong công tác cải cách hành chính và cho rằng đây là điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư.
Thủ tướng đề nghị Hà Nam cần xác định vai trò của chính quyền, không làm thay doanh nghiệp, cái gì doanh nghiệp, xã hội làm được thì để doanh nghiệp, xã hội làm. “Muốn như vậy trước tiên phải đổi mới cách quy hoạch, đoạn tuyệt với những quy hoạch phi thị trường, tăng cường sự tham gia ý kiến của doanh nghiệp và người dân, chuyên gia, các ngành có liên quan. Đi liền với đó, chính quyền tỉnh, các địa phương trong tỉnh cần tích cực đối thoại, lắng nghe các nhà đầu tư phản ánh về những khó khăn mà họ đang gặp phải, cùng tháo gỡ, đồng hành cùng doanh nghiệp, để dẹp bỏ các rào cản cho sự phát triển”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng lưu ý tỉnh Hà Nam, bên cạnh đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thì phải chú trọng, nuôi dưỡng các doanh nghiệp trong nước để các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng nhau phối hợp, phát triển và cùng nhau lớn mạnh. Từ đó các doanh nghiệp trong nước đủ năng lực hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp FDI, cùng tham gia tiến lên trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát biểu với các nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục giải quyết tốt hơn vấn đề môi trường đầu tư; phấn đấu đưa Việt Nam vào nhóm đầu của ASEAN cùng Singapore và Malaysia; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi; tăng cường phân cấp, giao quyền để các địa phương chủ động thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả hơn.
Chính phủ sẽ thành lập một website, trực tiếp Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và các chuyên gia liên quan sẽ thu nhận, lắng nghe, thực thi nghiêm túc, điều chỉnh kịp thời, đem lại hiệu quả thiết thực cho các nhà đầu tư.
Nhấn mạnh việc Hà Nam có nhiều lợi thế (có 8 khu công nghiệp, khu y tế quy mô lớn, khu công nghệ cao, …), Thủ tướng đề nghị Hà Nam cần khai thác tốt hơn nữa thế mạnh là vùng kinh tế cửa ngõ Thủ đô và lưu ý trong quá trình phát triển bền vững phải đi đôi với bảo vệ môi trường; ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; coi đây là hướng ra quan trọng của nền nông nghiệp tỉnh. Thủ tướng cũng đặt mục tiêu cho tỉnh đến năm 2018 trở thành tỉnh tự chủ được ngân sách, không còn là tỉnh phải nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương.
Về đề nghị của tỉnh tạo cơ chế để thu hút các trường đại học và các bệnh viện về tỉnh, thủ tướng đồng ý về chủ trương và giao các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu, tập hợp và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Với những kiến nghị khác liên quan đến các dự án đầu tư phát triển, Thủ tướng giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tổng hợp, giải quyết theo thẩm quyền. Nếu quá thẩm quyền thì trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.