Người đi đường khiếp đảm
Để giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, năm 2013, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định 06, cấm toàn bộ xe tải trên 1 tấn hoạt động trong khu vực nội đô, phạm vi cấm được xác định từ đường vành đai 3 trở vào.
Theo đó, xe tải có trọng lượng toàn bộ dưới 3.500 kg, thì được phép chạy trong khoảng thời gian 21h-6h sáng. Còn lại, nếu muốn chạy trong khoảng thời gian từ 6h đến 21h, phải có giấy phép. Xe tải có trọng lượng trên 3.500 kg, không được phép hoạt động từ 6h30 đến 21h, chỉ được phép hoạt động sau 21h, nếu không có giấy phép thì không được phép chạy 24/24h trên tất cả các phố cấm.
Như vậy, với một quy định rõ ràng về đối tượng, thời gian và phạm vi hoạt động như vậy nhưng thời gian gần đây, những chiếc xe tải hạng nặng, những chiếc xe bồn vẫn hiên ngang đi lại giữa dòng xe đông đúc vào các khung giờ cao điểm khiến cho bao người tham gia giao thông không ít lần thót tim.
Chị Lê Thị Hoa, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Tôi thường xuyên di chuyển từ Nguyễn Xiển lên Cầu Giấy để làm việc nên thường bắt gặp những chiếc xe tải, xe bồn chạy ầm ĩ giữa đường. Nhiều khi tài xế bóp còi khiến tôi giật mình loạng choạng cả tay lái, đặc biệt là vào khung giờ chiều, các xe tải, xe bồn di chuyển thành hàng đoàn giữa lúc phố xa đông nghẹt. Mỗi lần thấy những chiếc xe đó, tôi đều phải nép vào lề đường để đảm bảo an toàn bởi, thi thoảng tôi vẫn thấy những cái chết thương tâm do chính những chiếc xe đó gây ra”.
Thực tế, nỗi sợ hãi mà chị Hoa miêu tả không chỉ đơn thuần là nỗi sợ của một cá nhân, một người phụ nữ yếu đuối khi tham gia giao thông, mà đó còn là tâm lý chung của người tham gia giao thông trên những tuyến đường mà xe tải, xe bồn đang hoành hành.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian gần đây, những chiếc xe tải, xe bồn thường xuyên hoạt động vào các khung giờ cấm trên các tuyến đường Khuất Duy Tiến, Nguyễn Trãi, Phạm Hùng…, các xe này đi với tốc độ khá cao giữa các dòng người đông đúc. Tiếng động cơ ầm ầm, kêu gào, hằm hè như muốn lao về phía trước nhanh hơn, đặc biệt tại các điểm giao cắt, một số xe còn bấm còi inh ỏi khiến nhiều người hoảng sợ.
Chính vì sự lộng hành đó, chỉ trong một thời gian ngắn hai vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra. Vụ va chạm thứ nhất giữa xe bồn mang nhãn bê tông 36 với hai học sinh tiểu học đi xe đạp điện trước cổng UBND xã Tân Triều, hậu quả khiến một học sinh tử vong ngay tại chỗ.
Vụ thứ hai xảy ra vào lúc 9h40 sáng nay (24/2) tại nút giao Nguyễn Trãi - Nguyễn Xiển, quận Thanh Xuân, Hà Nội giữa xe trộn bê tông của Công Ty CP Phát triển Việt - Tiệp mang BKS 29L-518.34 do tài xế Nguyễn Văn Tràng (SN 1987, ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) điều khiển và xe đạp điện do nữ sinh Đỗ Phong Thủy (SN 1999, quê ở tỉnh Yên Bái) điều khiển. Hậu quả, nữ sinh Đỗ Phong Thủy tử vong ngay tại chỗ.
“Xe vua” tái xuất
Sau vụ tai nạn, phóng viên báo PLVN đã có mặt tại nút giao này để ghi nhận sự việc. Tuy nhiên, một cảnh tượng khiến phóng viên cũng phải bất ngờ, bởi sau vụ tai nạn vẫn có hàng chục xe tải, xe bồn ngang nhiên chạy vào tuyến đường cấm trong khung giờ cấm. Cụ thể, vào lúc 19h35 phút, ngày 24/2 bất chấp hàng loạt biển cấm, chiếc xe tải nhãn hiệu “Howo” BKS 29C-806.58 đang di chuyển theo hướng Nguyễn Xiển - Khuất Duy Tiến thì bất ngờ chuyển hướng, xuyên qua chốt chặn của Đội CSGT số 7 rẽ vào đường Nguyễn Trãi và sau đó “ăn hàng” tại công trường xây dựng số 47 Nguyễn Tuân.
Cũng tại nút giao này, lần lượt các xe gắn logo bê tông Việt - Tiệp, Việt - Đức, Việt - Xô, bê tông Chèm... phóng nhanh vượt ẩu, còi ầm ĩ, thậm chí dàn hàng 2, hàng 3, oanh tạc vào trung tâm thành phố trước sự “bất lực” của lực lượng CSGT đang túc trực tại đây. Tiếp đến là các xe 29H-042.94; 29H-042.20; 29H-042.41; 29H-042.38; 29H-042.22... nối đuôi nhau “vượt chốt”. Tất cả các xe này toả theo các hướng Nguyễn Xiển - Hà Đông và Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi.
Vào thời điểm 20h tối, các xe bê tông Việt - Tiệp ồ ạt đổ bộ vào các tuyến đường trung tâm thành phố, khiến người đi đường nhiều phen khiếp vía. Các xe mang BKS 29C-558.37, 29C- 539.37, 29C-559.12, 29H-04285, 29h- 016.97, 29C- 518.49 nối đuôi nhau xuôi theo hướng Hà Đông - Trần Phú. Số còn lại di chuyển theo hướng Nguyễn Trãi, Nguyễn Tuân.
Theo nguồn tin riêng của phóng viên, giấy phép lưu hành đặc biệt do Sở GTVT Hà Nội, cấp cho xe ô tô tải của Cty Cổ phần Đầu tư Xây dựng phát triển Việt - Tiệp chạy trên đường giao thông công cộng chỉ được phép hoạt động từ 21h đêm ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau.
Tối cùng ngày, phóng viên liên tiếp ghi nhận các xe bê tông của Việt - Đức lao qua các chốt chặn tại nút giao Lê Văn Lương - Tố Hữu trả hàng tại số 47 Nguyễn Tuân. Các xe 29LD- 056.15, 29LD- 056.37; xe tải 29C - 707.26, 29C-806.58 gần như chiếm dụng 2/3 lòng đường, chờ tới giờ vào bơm bê tông tại công trường xây dựng.
Theo quan sát của phóng viên, toàn bộ số xe tải đi vào giờ cấm trên địa bàn quận Thanh Xuân thường thường có một điểm chung là đều không có phép đi vào phố cấm.
Cái giá phải trả cho những vụ tai nạn giao thông luôn là máu và nước mắt và nỗi đau của cả người trong cuộc lẫn ngoài cuộc. Nữ sinh Đỗ Phong Thủy phải chết tức tưởi, bỏ dở bao ước mơ khi tuổi đời còn quá trẻ. Ngay khi biết tin Thủy mất, mẹ Thủy ngất lên, ngất xuống trên đường xuống Hà Nội đưa Thủy về với quê. Cái chết của nữ sinh Đỗ Phong Thủy do xe bồn của Công ty CP Đầu tư Xây dựng phát triển Việt - Tiệp không chỉ là hiện tượng và cũng không phải là cái chết thương tâm đầu tiên do việc bất chấp các quy định của pháp luật gây ra.
Được biết, mới đây để kịp thời chấn chỉnh tình trạng “xe vua” chạy trong giờ cấm, đồng thời bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tạo môi trường giao thông thân thiện, an toàn, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu Hà Nội tiếp tục các giải pháp siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện trên đường bộ.
Đề nghị Chủ tịch UBND, Trưởng ban An toàn giao thông TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn xảy giữa xe trộn bê tông và xe đạp điện, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm dẫn đến vụ tai nạn giao thông trên. Kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin vi phạm pháp luật trật tự, an toàn giao thông của phương tiện cũng như dấu hiệu buông lỏng trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm của lực lượng thực thi công vụ đối với các phương tiện.