Thực trạng đáng báo động
Ghi nhận của phóng viên tại đường Trần Duy Hưng (quận Đống Đa, Hà Nội) đoạn gần Trường Đại học Lao động xã hội, chưa đầy 30 phút có tới hàng chục lượt người điều khiển phương tiện, cả ô tô lẫn xe máy, vừa đi xe vừa mở điện thoại ra nghe, gọi.
Dù lưu lượng phương tiện rất đông, nam thanh niên điều khiển xe máy BKS 30D - 323.51, một tay đưa điện thoại áp vào tai, một tay vẫn điều khiển xe lao vút về phía trước. Vài chục giây sau, cũng tại đoạn đường này, người đàn ông trung niên điều khiển xe máy BKS: 35 - 683.59, đi xe máy một tay, tay kia lướt bàn phím điện thoại nhắn tin. Đến khu vực chờ đèn đỏ, do không để ý phía trước, phanh dúi dụi trước sự bức xúc của nhiều người đi đường.
Tình trạng phổ biến khác tại rất nhiều tuyến đường của Hà Nội là khi nút đèn tín hiệu chuyển đỏ, hàng loạt các chủ phương tiện bắt đầu mở điện thoại ra sử dụng. Đến khi đèn chuyển xanh, các phương tiện phía sau còi inh ỏi, những người sử dụng điện thoại mới tá hỏa một tay cầm điện thoại, một tay lái xe qua nút giao.
Ngoài việc sử dụng điện thoại để nghe, gọi, nhiều người thậm chí còn dùng điện thoại nhắn tin, nghe nhạc, lướt mạng khi đang điều khiển xe.
Đại uý Phạm Quốc Long, Đội CSGT số 1, CATP Hà Nội cho biết: “Nhiều trường hợp vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại gây nguy hiểm cho chính bản thân và những người tham gia giao thông khác, điều này tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.
Để xử lý các lỗi này, ngoài việc lập các chốt chặn để xử lý Đội CSGT số 1 còn sử dụng phương tiện đặc chủng để tuần tra kiểm soát trên đường. Sau khi phát hiện các trường hợp vi phạm, tùy tình hình sẽ thực hiện lập biên bản tại chỗ hoặc đưa các phương tiện về chốt để tiến hành xử lý và nhắc nhở người vi phạm”.
Nguy hiểm chẳng kém say rượu bia
Việc sử dụng điện thoại khi đang tham gia giao thông sẽ làm người lái xe giảm sự tập trung, tay lái không vững, khó duy trì được khoảng cách an toàn với xe phía trước và khi xảy ra va chạm sẽ phản ứng chậm hơn bình thường dẫn đến nguy cơ xảy ra tai nạn rất cao. Đặc biệt, khi chạy xe trên đường cao tốc việc va chạm với tốc độ cao sẽ gây nên những hậu quả hết sức nghiêm trọng.
Theo thống kê của các nhà nghiên cứu cho thấy, có khoảng 80% các vụ tai nạn xảy ra do tài xế bị mất tập trung (khoảng 3 giây) và do bấm số điện thoại (khoảng 5 giây) khiến cho chiếc xe có thể dễ dàng bị chệch hướng xảy ra va chạm với những phương tiện khác.
Có thể kể đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như vụ tai nạn vào ngày 1/1/2015, tại xã Quang Minh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương khiến một “tân nương” vừa về nhà chồng đã tử vong. Theo diễn biến sự việc, sau đám cưới, trên đường đưa vợ đi gội đầu, người chồng một tay vừa lái xe máy, một tay rút điện thoại ra nghe nên không may bị ngã. Người vợ ngồi sau không đội mũ bảo hiểm, văng ra đường, đập đầu mạnh xuống đường và tử vong trên đường đi cấp cứu.
Vụ tai nạn thương tâm diễn ra vào ngày 19/10/2014, tài xế Nguyễn Trung Hiếu điều khiển ô tô tải lưu thông trên QL1A, khi đi đến địa bàn xóm Ngọc Tân, xã Diễn Ngọc (Diễn Châu, Nghệ An) thì tông vào xe máy do anh Cao Bá Tám (Diễn Thành, Diễn Châu, Nghệ An), chở theo vợ là Cao Thị Mận (SN 1981) và con Cao Bá Hiếu (3 tuổi) đi cùng chiều.
Cú va chạm đã làm cho cả nhà anh Tám tử vong do bị cuốn vào gầm xe. Nguyên nhân gây tai nạn là do Hiếu nghe điện thoại không làm chủ được tốc độ khiến vụ tai nạn xảy ra…
Bình luận về vấn đề này, ông Trần Hữu Minh - Phó Chánh văn Phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, lái xe sử dụng điện thoại là hành vi rất nguy hiểm, tiềm ẩn rủi ro cao dẫn đến TNGT.
Một số nghiên cứu được công bố chứng minh, tốc độ phản ứng của người lái xe khi sử dụng điện thoại giảm tới 50%. Người lái xe dùng tay sử dụng điện thoại phản ứng chậm hơn 30% so với người vi phạm quy định nồng độ cồn ở mức 80 mg/100ml. “Nói một cách khác, trong trường hợp này sử dụng điện thoại còn nguy hiểm hơn hành vi uống rượu, bia khi lái xe”.
Theo ông Minh, mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định cụ thể về việc cấm sử dụng điện thoại và có chế tài xử lý đối với việc sử dụng điện thoại di động khi điều khiển xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy khi tham gia giao thông,nhưng tình trạng vi phạm vẫn khá phổ biến và chưa được lực lượng CSGT nhắc nhở, xử phạt triệt để.
Đa phần người tham gia giao thông ý thức được sự nguy hiểm cũng như các rủi ro sẽ xảy ra nhưng do chủ quan nên vẫn cố tình vi phạm. Mặt khác, mức xử phạt theo quy định trên còn quá nhẹ, không có tính giáo dục nghiêm khắc đối với người vi phạm.