Bí ẩn những người dân chài từ 7.000 năm trước
Theo câu truyện dân gian vùng Đông Bắc, đảo Cát Bà xưa kia vốn là hậu cung của một người đàn ông đầu tiên khai sơn, phá thạch ở vùng này. Khi ông phát hiện ra vịnh quý giá với nhiều hòn đảo đẹp mà sau này có tên là vịnh Hạ Long, đồng thời cũng là lúc ông phải cưu mang những nữ nhi đơn côi mà chồng của họ đã vĩnh viễn không trở về sau những chuyến đi biển đầy bất trắc.
Rồi để rảnh tay khai phá những vùng đất lân cận tiếp theo, ông đã tập hợp tất cả các bà ra sinh sống tại hòn đảo xinh đẹp, trù phú, biệt lập giữa biển khơi, nằm trong vịnh Lan Hạ. Vì thế, sau này vùng đất Bãi Cháy, Hòn Gai có tên là đất Cửa Ông, còn hòn đảo kia thì có tên là đảo Các Bà. Trải bao biến đổi, thăng trầm còn lại hai địa danh Cửa Ông (Quảng Ninh) và Cát Bà (Hải Phòng) là do gọi chệnh đi mà thành.
Ngày nay, đảo Cát Bà không chỉ được biết đến là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn hay quý khách có thể tham gia các chuyến thám hiểm mạo hiểm các hang động, khu sinh thái rừng và đáy biển mà đảo ngọc xanh tươi còn nổi danh là “Cái nôi Văn hóa biển Việt Nam” với rất nhiều di tích cấp quốc gia.
Di chỉ Cái Bèo nằm giữa thung lũng đá vôi, chạy dài theo hướng Bắc Nam dọc bờ biển, cách trung tâm thị trấn Cát Bà chừng 1,5 km về phía Đông Nam. Di chỉ nằm gần bến tàu Bến Bèo với diện tích khoảng 18.000m2, dốc thoải từ Nam ra Bắc, cao 3,5m so với mặt biển. Năm 1938, Di chỉ Cái Bèo lần đầu tiên được nhà khảo cổ học người Pháp M.Colani phát hiện và được các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục khai quật vào năm 1973, 1981, 1986, 2006.
Lần khai quật đầu tiên kết quả cho thấy: Cái Bèo là nơi cư trú của quần thể ngư dân tại một làng chài biển cổ có quy mô lớn nhất nước ta cách đây 7.000 năm. Các hiện vật khai quật được gồm nhiều bàn mài, rìu đá, nồi đất, vỏ sò, vỏ ốc hóa thạch. Cách di chỉ 200m là dãy núi Áng Thảm và Bù Nâu chạy vòng cung ôm lấy Cái Bèo, làm cho nơi đây kín gió, biển không ồn ào, phong cảnh hữu tình, thuận cho việc sinh sống và khai thác thủy sản. Có lẽ vẻ đẹp thiên nhiên đã quy tụ cùng với thuận lợi về địa thế, phong phú về sản vật nên dân cư cổ Cái Bèo đã quần tụ lâu dài tại đây, tạo nên nền văn hóa đặc sắc của người Việt cổ.
Theo tài liệu nghiên cứu, Di chỉ Cái Bèo được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2009. Đây không chỉ là di sản văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của Việt Nam mà còn là bảo tàng địa chỉ tuyệt vời về sự dao động mực nước biển đại dương. Sự tiếp nhận và thích ứng của con người trước hiện tượng biển tiến, biển thoái, là một bài học cho chúng ta hôm nay trước nguy cơ xâm thực của nước biển do biến đổi khí hậu. Qua các cuộc khai quật tại di chỉ Cái Bèo, không những xác định những giá trị khoa học về khảo cổ cho đảo Cát Bà mà còn góp phần soi sáng nhiều vấn đề của tiến trình phát triển tiền sử Việt Nam.
Vì giá trị của di chỉ cổ Cái Bèo và phục vụ khách du lịch bốn phương tới đảo Cát để tìm về cội nguồn bí ẩn, hấp dẫn của những người dân chài đầu tiên ở Cát Bà.
Trong số 67 hang động chứa đựng dấu tích cổ sinh và khảo cổ tìm thấy ở quần đảo Cát Bà như: Áng Giữa, Tiền Đức (xã Việt Hải), hang Giếng Ngóe (thị trấn Cát Bà), cụm hang Áng Mả và Mái đá Ông Bẩy (xã Hiền Hào)… đều có cùng nội dung văn hoá vật chất như các di chỉ văn hoá Hoà Bình trong lục địa và di chỉ Soi Nhụ trên vịnh Hạ Long.
Làng chài cổ Cái Bèo. |
Theo kết quả nghiên cứu, khai quật di chỉ khảo cổ học Cái Bèo (thị trấn Cát Bà) cung cấp: Đây là một làng chài cổ có diện tích thuộc loại lớn nhất so với các làng đánh cá khác trên đảo như Ao Cối, Vá Bạc…Chủ nhân di chỉ Cái Bèo đã thành thạo nghề đánh cá biển ở các cửa sông hay vụng biển quanh vùng.
Từ xa xưa, người Cái Bèo đã đánh bắt được những loài cá lớn như cá sạo, cá úc, cá hồng ngự…, đều là những loài cá sống trong môi trường nước mặn, biển nông và các loài cá nhám, cá đao… chuyên sống ở biển sâu. Đặc biệt, qua nghiên cứu các đốt sống xương cá trong các tầng văn hoá di chỉ Cái Bèo, Ao Cối, Xé Bạc… cho biết người cổ Cát Bà đã đánh bắt được nhiều loài cá lớn, có con nặng tới vài tạ.
Cư dân huyện đảo Cát Hải có nguồn gốc từ nhiều nơi đến, chủ yếu thạo nghề sông nước ở Thái Bình, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương… Từ trước 1978, còn có nhiều cư dân người Hoa cư trú, làm ăn sinh sống. Từ xa xưa, cư dân Việt cổ đã từng cư trú tại đây, dấu vết để lại qua các di chỉ: Cái Bèo, Eo Bùa, Hiền Hoà…
Những di chỉ khảo cổ 7 ngàn năm trước. |
Lời dạy của Bác thấm vào lòng biển mẹ
Cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm 1959, Bác Hồ đã đến thăm làng cá Cái Bèo, đứng trước mênh mông biển đảo Tổ quốc, Bác đã căn dặn: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ. Cán bộ phải lo cho đời sống của nhân dân”. Lời dạy của Bác khi ấy như thấm vào lòng biển mẹ, nương theo làn gió mặn mãi mãi nhắc nhở đến lớp người kế thừa xây dựng nghề cá Việt Nam...
Trong văn hoá dân gian của huyện đảo trước Cách mạng tháng Tám 1945 là ngày Hội xuống nước ở các làng Chài, cùng nhiều trò chơi gắn liền với việc đánh bắt cá như: thi bơi thuyền mảng, đua thuyền thúng trên biển…
Sau này, ngày hội làng Cá diễn ra vào ngày 1/4 hàng năm, ghi nhớ sự kiện ngày 31/3/1959, Bác Hồ kính yêu về thăm làng Cá Cát Hải, động viên thăm hỏi bà con ngư dân trong công việc chài lưới, làm chủ biển đảo quê hương. Cùng với đó, ngày 1/4 hàng năm đã trở thành ngày truyền thống của ngành Thuỷ sản…
Ngày khai trương mùa du lịch Cát Bà và cũng là thời điểm ra quân đánh cá vụ Nam của ngư dân huyện đảo. Ngày hội lớn ấy không thể thiếu cuộc thi đua thuyền Rồng trên biển Cát Bà. Bước vào ngày hội, sau phần thủ tục là lễ khai mạc diễn ra trên lễ đài trước bến tàu neo đậu giữa trung tâm.
Một nửa nội dung của lễ hội Cát Bà (1/4) là các hoạt động thi đấu diễn ra trên biển, trọng tâm là cuộc đua thuyền rồng, giữa đội chủ nhà Cát Bà với các đoàn khách đến từ vùng Duyên Hải Quảng Ninh, Bắc Trung Bộ, cùng những anh em từ vùng lúa Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, Thuỷ Nguyên…
Cuộc đua thuyền Rồng trên biển mang ý tưởng chủ đạo: Thuyền rồng từ biển Cát Bà vươn khơi trong thế Rồng Bay của đất nước, nối vòng tay bè bạn, thân ái với mọi miền tổ quốc. Ngoài cuộc đua thuyền Rồng diễn ra sôi nổi hào hứng từ phút ban đầu đến phút cuối để tìm ra đội vô địch nhận giải, là màn biểu diễn lướt ván đua thuyền thúng của cư dân miền Duyên Hải, miền Trung tham dự lễ hội.
Thăm khu nuôi trồng hải sản lồng bè ở làng chài Cái Bèo. |
Điều đặc biệt, tại ngày hội làng cá Cát Bà, hai loại hình thi đấu kéo co và múa rồng trên biển lẽ ra chỉ diễn ra trên đất liền, thì bây giờ tại ngày hội làng Cá ở huyện đảo Cát Hải đều được đưa xuống biển thi đấu. Trước khung cảnh tấp nập tàu thuyền, sóng biển dập dờn, người tham gia thi đấu được chia làm hai bên, ai nấy đều ở trên thuyền của đội mình, người ở 2 đội thuyền dàn quân, nắm chắc dây co mà kéo về phía của đội mình.
Đặc biệt tại Lễ hội làng cá Cát Bà, trong cuộc đua thuyền Rồng, môn thi đấu trọng tâm của lễ hội có cuộc đua tài của các đấu thủ nữ trên cự ly dài 4000m, bên cạnh đường đua của nam giới là 6000m, trong khoảng thời gian 30 phút sôi nổi khẩn trương.
Đây thật sự là những hoạt động văn hoá thể thao, rèn luyện tính bền bỉ, kiên nhẫn của từng cá nhân trong một tập thể, đồng thời rèn luyện phẩm chất nghề nghiệp, lòng quả cảm vì màu cở sắc áo của quê hương.
Lễ hội truyền thống hàng năm diễn ra tại trung tâm huyện đảo Cát Hải, nơi có Cát Bà nổi tiếng bởi khung cảnh thiên nhiên ngoạn mục, nằm trong hành lang du lịch Hải Phòng - Đồ Sơn - Đình Vũ - Phù Long - Cát Bà.
Sẽ thành lập Bảo tàng di chỉ Cái Bèo
Cái Bèo được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2009. Đầu năm 2015, các cơ quan chức năng tiến hành lập hồ sơ dự kiến triển khai xây dựng công trình tường rào và nhà quản lý Di chỉ Cái Bèo nhằm bảo vệ phần diện tích quá ít ỏi còn lại của di chỉ và đã xây dựng kế hoạch thành lập một bảo tàng tại chỗ trưng bày và giới thiệu các di vật đã từng được khai quật hay phục dựng lại mô hình đời sống cổ xưa với phương thức kinh tế khai thác biển độc đáo của người Cái Bèo. Đây sẽ là sản phẩm du lịch mới liên kết nhiều điểm trong tuyến tham quan vịnh Lan Hạ và di chỉ Cái Bèo.
Và câu chuyện hôm nay
Rời Bến tàu khách Cái Bèo trong một sáng tháng 4 ngập nắng, chiếc ca nô nổ máy giòn giã rồi lao vút trên mặt biển, đưa chúng tôi ra thăm làng chài Cái Bèo. Sau hơn 10 phút rẽ sóng, làng chài nhỏ giữa cơ man lồng bè nuôi hải sản san sát hiện ra trước mắt chúng tôi trong khu vịnh yên bình đến nao lòng…
Anh Đỗ Văn Toan, một trong những người nuôi lồng bè sớm nhất ở đây, đưa chúng tôi ra thăm “cơ nghiệp” của anh. Anh nói, năm 1990 ngay khi nghỉ hưu, anh vốn là dân thủy sản nên đã bắt tay vào việc nuôi cá lồng bè. Ngày đó khu vực này rất hoang sơ, cả làng chài Cái Bèo chỉ có hơn 10 hộ làm nghề chài lưới, cuộc sống rất vất vả, khó khăn. Sau thấy nghề nuôi cá lồng bè có hiệu quả kinh tế cao, các hộ dân nơi đây cùng nhiều hộ ở huyện đảo Cát Hải theo nghề, làng chài dần đông đúc.
Dù được lấy theo tên làng chài cổ Cái Bèo có lịch sử hàng nghìn năm, nhưng hầu hết các hộ dân ở đây làm nghề nuôi cá lồng bè, ít hộ theo nghề chài lưới. Và từ năm ngoái đến nay, khi vịnh Lan Hạ chuẩn bị đón nhận di tích thiên nhiên thế giới, các hộ lồng bè giảm xuống chỉ còn được giữ 16 lồng/hộ.
Anh Đỗ Văn Toan, người nuôi trồng lồng bè sớm nhất Cái Bèo. |
Ngày nay, Cái Bèo là một làng chài có khoảng 300 hộ dân sinh sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi hải sản. Làng chài gồm nhiều nhà thuyền, nhà nổi kết liền, kết lại san sát với nhau. Những chiếc lồng cá làm từ gỗ gắn phao. Diện tích rộng rãi với thức ăn cũng không khác mấy ngoài tự nhiên. Mỗi lồng khoảng 150-200 giống cá. Từ xưa đến nay, cá lồng Cái Bèo đã nổi tiếng với độ săn chắc, thơm ngon, do được nuôi dựa vào kinh nghiệm của người dân, với thức ăn chính là cá, không sử dụng thức ăn công nghiệp.
Từ năm 2015-2016, khi điện lưới và nước máy được đưa từ đảo chính Cát Bà ra tới từng hộ ở làng chài, người dân nơi đây có thêm nghề tay trái là làm du lịch, như: đưa du khách tham quan lồng bè, tìm hiểu nghề nuôi cá, cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi tại bè… Nuôi cá lồng bè kết hợp với làm du lịch đem lại cho các hộ thu nhập 200-300 triệu đồng/năm trở lên, nhiều hộ lên tới hàng tỷ đồng/năm. Ngoài lồng bè, gần 100% số hộ có nhà khang trang trên đảo chính Cát Bà, nhiều hộ tài khoản gửi ngân hàng có số tiền gửi lên tới 9, 10 con số.
Tuy nhiên, sau quãng thời gian phát triển “quá nóng”, giai đoạn 2012-2013, thành phố và huyện đảo Cát Hải có chủ trương hạn chế không cho đóng ô lồng, phát sinh hộ nuôi mới, sau đó tháo dỡ bớt các ô lồng bè, giảm số hộ nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường, gìn giữ cảnh quan tự nhiên các vịnh. Chấp hành chủ trương đúng đắn này, mặc dù nghề nuôi cá lồng bè đem lại hiệu quả cao, nhưng tất cả vì cộng đồng, vì phát triển bền vững của nghề, của huyện đảo, thời gian qua, các hộ nuôi cá lồng bè ở làng chài Cái Bèo tự nguyện tháo dỡ hàng trăm ô lồng bè.
Theo hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần đảo Cát Bà và Vịnh Hạ Long là Di sản thiên nhiên thế giới, việc cắt giảm các lồng bè nuôi trồng thủy sản là một trong những nội dung cơ bản. Nếu không cắt giảm lồng bè, làm sạch môi trường vịnh thì khó có thể Cát Bà lọt vào danh sách Di sản thiên nhiên thế giới. Và khi đó, thiệt hại mang lại rất lớn. Theo Giám đốc sở Du lịch Hải Phòng Nguyễn Thị Thương Huyền, nếu Cát Bà được ghi tên vào Di sản thiên nhiên thế giới thì Cát Bà nổi danh, sức hấp dẫn ngày càng lớn, sẽ là sự quảng bá tự nhiên nhất, hiệu quả nhất cho du lịch Cát Bà và du lịch Hải Phòng. Làng chài Cái Bèo không chỉ là địa điểm du lịch nổi tiếng với hải sản và cảnh sắc tuyệt đẹp. Ẩn sau đó là cả một bảo tàng văn hóa biển với nhiều giá trị quan trọng cho Hải Phòng nói riêng và cả nước nói chung...
Cảng cá Trân Châu tại đảo Cát Bà
Theo ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, ngày 24/1/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 45 về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, có mục tiêu phát triển Hải Phòng sẽ là một trong những trung tâm nghề cá, dịch vụ hậu cầu nghề cá của cả khu vực phía Bắc; phát triển Cát Bà, Đồ Sơn cùng với Hạ Long trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Để cụ thể hóa Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, thành phố đang tập trung nghiên cứu, xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hậu cần nghề cá gắn với đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Trong đó định hướng phát triển đảo Bạch Long Vĩ, đảo Cát Bà và huyện Thủy Nguyên thành 3 Trung tâm nghề cá lớn.
Đặc biệt, TP Hải Phòng đã đầu tư xây dựng Cảng cá Trân Châu tại đảo Cát Bà với quy mô 24.000 tấn/năm để phục vụ cho việc di chuyển Cảng cá Cát Bà, trả lại cảnh quan cho phát triển du lịch. Đồng thời để đảm bảo cảnh quan, môi trường. Sau đó, thành phố sẽ phá dỡ việc nuôi cá trên các lồng bè, để trả lại môi trường cho phát triển du lịch.
Quan trọng hơn cả là hoàn thiện kết cấu hạ tầng cảng cá Trân Châu hiện có để sớm tiếp nhận tàu, thuyền của bà con ngư dân khai thác thủy sản từ cảng cá Cát Bà và tàu thuyền của bà con ngư dân các địa phương khác vào hoạt động ổn định.