Khi người bệnh trở thành… tội đồ
Một nam sinh ở Bắc Ninh đi bê cỗ cưới thuê vào 30/4, không may mắc Covid-19 bị nhiều người kỳ thị. Nam sinh mắc Covid-19 có tên T. - học sinh lớp 12A1 Trường THPT Kinh Bắc (Bắc Ninh), do điều kiện gia đình khó khăn và muốn có thêm thu nhập, em nhận lời bê cỗ cưới tại xã Mão Điền (Thuận Thành) vào chiều 30/4 với số tiền 230.000 đồng. Hôm sau, xã Mão Điền ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 , T. và các bạn lập tức đi khai báo y tế tại Trạm Y tế xã. T. được đưa đi cách ly tập trung tại khu cách ly T36 ở Trung tâm huyện Thuận Thành ngay trong đêm, lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay sau khi mắc Covid-19, T. bị nhiều người kỳ thị, dùng những lời lẽ không hay “tấn công” trên trang facebook cá nhân. “Lúc đầu em còn đọc trên facebook nhưng sau thấy nhiều người nói quá nặng lời, em xóa facebook và không dám nghe điện thoại lạ”, T. chia sẻ với truyền thông. Tâm lý hoảng sợ, lo lắng về sự kỳ thị của T. là điều dễ hiểu. Nhưng ngược lại, sự kỳ thị với T. nói riêng và những ai trong hoàn cảnh tương tự khi bất chợt một ngày mỗi chúng ta đều có thể là F1, F0 là điều từ trên trời rơi xuống…
Chị Nguyễn Thị H. (Hoàng Mai, Hà Nội) là bệnh nhân Covid-19 số 195 vẫn chưa quên căn bệnh đến với chị như một tai nạn không báo trước. Chị là nhân viên của Công ty Trường Sinh và làm việc tại căng tin Bệnh viện Bạch Mai. Từ đầu mùa dịch, chị H. hiểu rằng dịch bệnh nguy hiểm thế nào nên luôn luôn chủ động phòng bệnh cho mình và gia đình. Chị luôn đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người lạ. Chị H kể, 18 năm làm việc ở đây và trải qua biết bao mùa dịch, chị chưa khi nào nhiễm bệnh và có nhiều kinh nghiệm tự phòng bệnh cá nhân. Trong mùa dịch, chị vô tình trở thành bệnh nhân số 195.
Khi có ca đầu tiên ở Công ty Trường Sinh, chị H. chỉ ở nhà không tiếp xúc với ai và chờ ngày xét nghiệm. Khi biết kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19, chị được đưa sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cơ sở 2 ở Đông Anh. Người thân của chị được đưa đi cách ly tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Những ngày đầu nằm viện, chị H. vô cùng hoang mang khi thấy trên mạng người ta mắng chửi chị. Chị H, không trốn bệnh viện, không trốn cách ly nhưng mạng xã hội đồn chị trốn bệnh viện về nhà bị công an giải đi rồi làm liên lụy tới hàng xóm.
Chị H. căng thẳng đến nỗi, đêm nào cũng thức không thể ngủ nổi. 1, 2h sáng có bệnh nhân mới vào chị H. lại ào ra xem có ai là người nhà của mình không. Với chị đó là những ngày tháng vô cùng áp lực. Bản thân chị bị bệnh thì không sao, nhưng sợ nhất là ảnh hưởng tới người thân. Chị ngóng chờ tin tức của những ca F1 tiếp xúc với mình.
Chị H. không có triệu chứng của bệnh nhưng khi vào viện sử dụng thuốc kháng virus chị thấy người mệt hơn, miệng khô hơn, ăn uống không ngon. Sau 20 ngày điều trị thuốc chị H. có kết quả âm tính nhưng trong phòng bệnh có người tái dương tính. Cứ như thế, chị H. phải đếm đi đếm lại số ngày cách ly và ở viện gần 2 tháng mới được về cách ly tại nhà. Dù đã trải qua 5 lần xét nghiệm âm tính khi cách ly ở nhà nhưng chị H. vẫn bị kỳ thị. Có người còn gọi chị là “con covid”. Từ bệnh nhân Covid-19, chị hiểu được mình may mắn khi không có biến chứng nặng. Chị H. đã hiến huyết tương để cứu bệnh nhân nặng.
Theo ThS.BS Đồng Phú Khiêm, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ, thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng người bị nhiễm Covid-19 khi trở về cộng đồng họ bị kỳ thị. Có những bệnh nhân tâm sự họ bị mất việc, họ không thể đi làm, thậm chí trở thành “tội đồ” mang dịch bệnh về cho làng xóm, đồng nghiệp. Bác sĩ Khiêm cho biết, kỳ thị người bệnh chỉ khiến công tác phòng chống dịch khó hơn, bởi vì sợ bị kỳ thị nên những người có yếu tố nguy cơ họ không chịu khai báo y tế, thậm chí có dấu hiệu cũng không dám tới bệnh viện khám. Chưa kể, hiện nay các bệnh nhân đã điều trị Covid-19 khỏi đang tích cực hỗ trợ công tác nghiên cứu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng hơn. Họ sẵn sàng hiến huyết tương để cứu người khác, mặc cho những kì thị bất nhẫn bủa vây.
Sợ tới mức thả tiền xuống đất khi… đổ xăng
Tại khu cách ly, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, Huyền, 21 tuổi, không hợp tác điều trị. Huyền lớn lên ở miền quê trung du miền núi, xuống Hà Nội làm nhân viên quán karaoke một thời gian. Khoảng hai tháng nay, cô gái thường xuyên lo lắng, căng thẳng do ảnh hưởng từ Covid-19 tác động đến việc làm, thu nhập. Dịch bệnh bùng phát trở lại vào cuối tháng 4, Huyền xuất hiện lo lắng nhiều hơn. Lo nguy hiểm của công việc mình làm có khả năng cao bị nhiễm nCoV, cô mất ăn, mất ngủ, lúc nào cũng lo sợ bị đưa đi cách ly. Và rồi một người bạn rủ rê dùng chất kích thích cho đỡ buồn, Huyền làm theo để giải tỏa tâm lý.
Thế nhưng, không lâu sau, trong đầu cô gái bắt đầu xuất hiện các triệu chứng lạ. Huyền thường xuyên nghe có tiếng người nói trong đầu, lúc nào cũng cảm giác có người hại mình, đuổi theo, đánh đập, bắt cóc. Tâm lý cô ngày càng hoảng loạn, vệ sinh cá nhân kém dần. Khi nơi làm việc bị đóng cửa, cô mất việc, tình trạng bệnh ngày một nặng lên, sau đó cô đi lang thang.
Cơ quan chức năng phát hiện, đưa Huyền vào khu cách ly của Bệnh viện Tâm thần Hà Nội điều trị cuối tháng 4/2021 vì là đối tượng không rõ tiền sử dịch tễ liên quan đến Covid-19. Bác sĩ Phạm Thế Văn, người trực tiếp điều trị, cho biết bệnh của Huyền có nhiều nguyên nhân, một phần do lo lắng, căng thẳng, liên quan đến Covid-19 cùng với việc dùng chất kích thích, dẫn tới khởi phát bệnh.
Có thể nói, lo lắng đến hoảng loạn và phân biệt đối xử hoặc kỳ thị trong cộng đồng là điều đã và đang xảy ra. Thậm chí có người sợ Covid đến nỗi nhìn ai cũng đều là F0, F1, tới nỗi đi mua xăng cũng bỏ tiền xuống đất chứ không đưa trực tiếp…
Bác sỹ Ngô Đức Hùng, người 4 lần ở nơi tuyến đầu chống dịch chia sẻ về sự kì thị trên trang cá nhân và trong cuốn Nhật ký Covid của mình. Còn nhớ những cuộc truy tìm F0, cuộc săn lùng phù thủy với những búa rìu dư luận, những cay nghiệt của cộng đồng mạng đổ xuống đầu các F0 từ đợt dịch đầu tiên đến nay, gây nên một tâm lý hoảng loạn, sợ sệt và giấu giếm thông tin, dẫn đến khó khăn cho công tác chống dịch. Đó còn là thái độ phân biệt đối xử cực đoan với những người mắc bệnh và những người liên quan, đặc biệt là sự kỳ thị dành cho đội ngũ y, bác sĩ tham gia chống dịch. Có bác nông dân phải vào bệnh viện điều trị, ngày ngày ủ dột lo đôi lợn ở nhà chết đói vì hàng xóm bốn bên không ai sang giúp đỡ vì sợ nhiễm bệnh.
Bác sỹ Ngô Hùng cũng rơi vào trạng thái bị xa lánh ở khu chung cư từ lúc bùng dịch. Những câu chuyện xót xa về đồng nghiệp của anh bị vu khống trên mạng nội bộ khu dân cư, những người mắc bệnh bị truy vết và đấu tố trên các mạng thông tin, cho thấy sự “ác ý hồn nhiên” của dư luận và độ nguy hiểm của việc kỳ thị bệnh nhân. “Triệu chứng của họ có thể không có gì, nhưng nỗi sợ mơ hồ về sự kỳ thị, nỗi sợ khi mình trở thành nguồn lây nhiễm cho người khác mới nặng nề trong mỗi người”.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định rằng, người bị mắc Covid-19 không có nghĩa là họ đã làm gì sai. Bởi vậy, đừng phân biệt đối xử với những người mắc bệnh này. “Bị mắc Covid-19 không có nghĩa là người đó bị hạ thấp giá trị hơn bất kỳ ai khác”, WHO nhấn mạnh. Điều quan trọng hơn là hãy cùng giúp nhau và giúp ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 bằng cách tuân thủ những lời khuyên từ WHO và Bộ Y tế mà điển hình là thông điệp 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Không tụ tập đông người - Khai báo y tế - Khoảng cách.
Và trong đại dịch này ai cũng có rủi ro trở thành F nào đó. Mắc bệnh rồi có thể chữa lành, nhưng những ám ảnh về sự ghẻ lạnh, sự bỏ rơi của hàng xóm láng giềng sẽ còn đó. Bởi thế, chỉ có tình yêu thương, sự sẻ chia của đồng loại chứ không phải sự ghẻ lạnh, kỳ thị mới giúp cho tất cả chúng ta, cho cộng đồng vượt qua nạn dịch này…
Kỳ thị bệnh nhân Covid-19 có thể bị phạt đến 5 năm tù
Pháp luật nghiêm cấm lợi dụng tình trạng dịch bệnh để lấy thông tin cá nhân nhằm bôi nhọ danh dự, nhân phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Tùy vào hành vi, mục đích hành vi cụ thể có thể xử phạt hành chính hoặc khởi tố hình sự về các tội làm nhục người khác, vu khống…
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây: Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.
Ngoài ra, nếu hành vi này nghiêm trọng, đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về tội làm nhục người khác, có thể bị phạt tù lên đến 5 năm. Để phòng chống dịch Covid-19 giúp cho bản thân, gia đình và cộng đồng, điều quan trọng nhất đối với mỗi chúng ta là không được sợ hãi và cần tìm hiểu thông tinh đúng về dịch bệnh.