Thản nhiên bán đồ chơi gây hại
Thời gian gần đây, rộ lên thông tin về hàng loạt đồ chơi Trung Quốc đang bày bán trên thị trường Việt như búp bê đầu trái cây, bong bóng gai, thú nhún, xe hơi chạy pin… chứa nhiều hóa chất độc hại. Các sản phẩm này hầu hết đều có chất phthalate vượt quá quy chuẩn, được sử dụng trong quá trình sản xuất nhằm làm dẻo sản phẩm.
Đây là chất được xác định có thể gây ung thư, hủy hoại thận, phá hủy hệ thống hormone của cơ thể con người. Đối với trẻ em, nguy cơ mắc các bệnh hen suyễn và dị ứng là rất cao.
Do ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nên chất này đã được nhiều nước cấm dùng trong sản xuất. Cơ quan chức năng cũng đã cho thu hồi những sản phẩm có chứa chất gây độc hại nói trên. Thông tin đã rất nhiều trên các phương tiện truyền thông, nhà quản lý đã cấm, thế nhưng, đến nay, các loại đồ chơi nhiễm độc này vẫn còn bày bán tràn lan trên thị trường, nơi công khai, nơi lén lút.
Tại chợ Bình Tây, Quận 6 TP. HCM , khu vực “đầu mối” bán buôn bỏ sỉ các loại đồ chơi trên thị trường, búp bê đầu trái cây và bong bóng hơi vẫn được bày bán ở rất nhiều khu vực hông chợ. Thậm chí, búp bê đầu trái cây, sản phẩm được khuyến cáo hàm lượng phthalate rất cao và độc hại, một số nước trên thế giới đã cấm và có mặt trong danh sách bị thu hồi, vẫn được trưng bày ở các kệ cao và được giới thiệu là “hàng bán chạy”, được trẻ em và cả các cô cậu tuổi teen ưa chuộng.
Khi được hỏi, sao vẫn còn bán loại bị thu hồi, người bán tên Thu khẳng định: Búp bê đầu trái cây có nhiều loại lắm, cấm vài loại thôi, còn vài loại vẫn cho bán như thường (!). Câu trả lời cũng được người bán tên Tùng và vợ lặp lại cho sản phẩm đồ chơi xe hơi. Trong khi đó, mã sản phẩm xe hơi chạy pin này ghi rành rành là MH9996M, nằm trong danh sách bị thu hồi đã một thời gian.
Một số cửa hàng đồ chơi khác trên đường Huỳnh Văn Bánh, Phú Nhuận thì không trưng bày các loại đồ chơi trong danh mục thu hồi nữa, nhưng khi người mua có nhu cầu, người bán vẫn vào kho lấy tuần lộc nhún cao su ra. Hỏi mới biết, hóa ra mới có đợt thanh tra đồ chơi nên hàng cấm bị “di tản” đi nơi khác.
Hiện tại, thống kê cho thấy trên 90% đồ chơi được bày bán trên thị trường là được nhập từ Trung Quốc. Hầu hết các sản phẩm này đều có nhãn mác không rõ ràng, rất nhiều trong số đó được nhập lậu qua đường biên giới. Không cần nói đến các hóa chất gây hại về lâu về dài đến cơ thể, nguy cơ ngộ độc cấp kì không phải là không có.
Chị Thái Thu Hoa, ngụ Lý Thái Tổ, quận 10, TP.HCM kể lại kinh nghiệm đáng nhớ của mình về đồ chơi trẻ em xuất xứ Trung Quốc: Dịp gần Tết của năm ngoái, do con gái nằng nặc đòi, tôi đã mua cho cháu một con búp bê dùng pin trông rất bắt mắt. Con gái tôi chơi được 3 ngày thì không hiểu sao nổi mẩn khắp người, nhất là trên mặt, môi bị rộp.
Ban đầu tôi sợ bị sởi hay bệnh gì, cuối cùng phát hiện ra con búp bê có dấu hiệu rất lạ: Tóc rụng mấy chỗ, trên da bị phai màu, đem chà lên da non của người lớn thì gây ngứa. Xem kĩ lại, đúng là búp bê “made in China”. Đem ra cửa hàng bắt đền, người bán nói: Bây giờ đồ chơi nào chẳng có xuất xứ Trung Quốc, người ta mua đầy mà có ai bị sao đâu, chắc con chị ăn trúng cái gì (!). Một số người bạn tôi cũng gặp trường hợp tương tự, cho con chơi đồ chơi Trung Quốc dẫn đến bị dị ứng, thậm chí nôn mửa…
Người kinh doanh đồ chơi độc hại bị xử lý thế nào?
Sự nguy hiểm của những loại đồ chơi này đã được khẳng định. Thế nhưng, rất nhiều người kinh doanh, vì hám lợi mà vẫn bất chấp, lén lút hoặc công khai bày bán. Điều đáng buồn là vì các loại đồ chơi nói trên thường có mẫu mã rất đa dạng, bắt mắt, giá lại rẻ hơn đồ chơi “made in Việt Nam” hoặc hàng nhập khẩu có nguồn gốc, xuất xứ đàng hoàng nhiều. Cộng với sự thiếu hiểu biết của nhiều bậc phụ huynh, nên những món đồ này vẫn bán rất chạy, lưu hành thoải mái trên thị trường. Nếu không có sự quản lý, xử lý thật mạnh tay của các cơ quan chức năng, thì hậu quả thật khó lường.
Chung quanh vấn đề này, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP.HCM đã đưa ra những phân tích: Nghị định 185/2013/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 quy định "Hàng cấm” gồm hàng hóa cấm kinh doanh; hàng hóa cấm lưu hành, sử dụng; hàng hóa chưa được phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. Trường hợp thương nhân sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, nhập khẩu hàng hóa đã có văn bản cấm của cơ quan có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật thì đó là hành vi vi phạm pháp luật.
Hậu quả của việc sử dụng những hàng hóa nhiễm độc vô cùng lớn. Nếu không có biện pháp quản lý tốt thị trường thì có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con em chúng ta. Để có hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc bán ở thị trường Việt Nam, phải qua khâu nhập khẩu về đầu mối và phân phối cho đại lý rồi tới tay người tiêu dùng.
Nếu đã nằm trong danh mục hàng hóa cấm nhập khẩu và cấm kinh doanh mà thương nhân vẫn vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ, số lượng hàng hóa vi phạm mà có thể bị phạt vi phạm hành chính đến 200.000.000 đồng hoặc bị khởi tố hình sự về các tội “Tội buôn lậu” hoặc tội “Tội vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới” hoặc “Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm” theo điều 153, 154, 155 BLHS.
Theo Luật sư Hiệp, người bán nếu đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trên mà còn tiếp tục vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều quan trọng nữa là người kinh doanh vi phạm có thể bị tịch thu phương tiện phạm tội, bị tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Về thẩm quyền bắt giữ và xử phạt các trường hợp vi phạm, Luật sư Hiệp cho biết: Trường hợp phạm tội quả tang thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc Uỷ ban nhân dân nơi gần nhất. Còn trường hợp hành vi vi phạm ở mức độ nhẹ thì cơ quan quản lý thị trường hoặc hải quan phát hiện sẽ lập biên bản vi phạm.,.