Mặc dù hơn một tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng trên nhiều tuyến phố tại Hà Nội đã rầm rộ hàng quán bán đủ các loại đồ chơi, bánh trái. Nhìn những gam màu bắt mắt, những hình thù kì quái, mới lạ, không ít người đã dừng chân mua về cho con cháu mình, bất chấp nguồn gốc, xuất xứ hay mức độ an toàn cho sức khỏe.
Những mặt nạ cao su đủ sắc màu bày bán tràn lan |
Tâm lí… chỉ cần đẹp
Những ngày này, khi ngang qua các tuyến phố như Hàng Mã, Lương Văn Can (Hoàn Kiếm) hay Tôn Thất Tùng (gần Đại học Y Hà Nội) đã thấy tràn ngập đồ chơi trung thu đủ kiểu dáng, mẫu mã. Cũng xen lẫn vài cây đèn cù, sao năm cánh mộc mạc, nhưng đa phần là những đôi cánh thiên thần phát sáng, mặt nạ xanh, đỏ, tím, vàng, mũ phù thủy cách điệu diêm dúa… và không thể thiếu là những chiếc lồng đèn vàng đỏ nhìn biết ngay đồ Trung Quốc.
Khi được hỏi, một chủ cửa hàng đồ chơi giải thích: “Lấy về sớm để phục vụ cho những người thích mua sắm sớm; hơn nữa, có thể đổ buôn cho những cửa hàng nhỏ lẻ khác trong nội thành”.
Hầu hết các đồ chơi dịp Trung thu năm nay đều không có tem hoặc nhãn mác. Chủ cửa hàng vội cho biết là do lấy của mối quen nhiều năm nên khỏi cần tem cho phức tạp. Với lại, khách năm nào cũng đến mua đông như hội, nhưng chẳng ai có ý kiến gì.
Anh Đặng Tiến (Long Biên – Hà Nội) chia sẻ: “Gia đình tôi có 2 bé nên năm nào hai vợ chồng cũng mua đồ chơi trung thu cho các cháu. Bây giờ không muốn mua đồ chơi Trung Quốc cũng không được vì làm gì có hàng Việt Nam. Đồ của họ thì đa dạng vô cùng, giá cả lại phải chăng, còn nói ảnh hưởng đến sức khỏe thì cũng biết vậy vì các cháu chỉ chơi dăm ba ngày thôi mà, chỉ cần đẹp là chính”.
Không ít các bậc phụ huynh có cùng suy nghĩ như anh Tiến. Vì vậy, đồ Trung Quốc được thể lại càng “xâm lấn” sâu vào thị trường Việt Nam. Đồ chơi trung thu mà đủ loại súng bắn đạn nhựa, đao kiếm, gậy gộc cũng được tung ra thị trường. Cầm thử một thanh kiếm lên xem, mùi khét, rất khó chịu. Chủ quán nhanh nhẹn ấn nút bên dưới, thanh kiếm phát ra tiếng kêu và ánh sáng 7 sắc cầu vồng. “Đây là thứ đồ chơi nhanh bị “cháy” hàng lắm” – chị đon đả.
Rùng mình lo xa
Dạo một vòng thị trường mà không khỏi xót xa nhớ về những trung thu xưa cũ, dù thiếu thốn đủ bề nhưng mới thực là những ngày tết cổ truyền thuần khiết, với những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân… cắt thủ công khéo léo.
Nay thì đồ chơi Việt gần như đã mất dạng trên thị trường. Không thể trách các tiểu thương hay người tiêu dùng chuộng hàng Tàu hơn hàng nội, khi thực sự ngành sản xuất đồ chơi trong nước đã chấp nhận đầu hàng.
Như lời khách tên Tiến đã dẫn trên, bây giờ không muốn mua đồ chơi Trung Quốc cũng không được vì làm gì có hàng Việt Nam. Mà nếu có thì nhìn chung hình thức, mẫu mà đều đơn điệu, trong khi nguyên phụ liệu có khi cũng nhập hết về từ bên kia biên giới.
Bên cạnh đó, việc để cho đồ chơi Trung Quốc tràn lan, xâm chiếm hết thị trường cũng một phần do khâu kiểm soát hàng hóa từ các cửa khẩu biên giới cho đến các trung tâm thương mại sâu trong nội địa đều chưa chặt chẽ, nếu không muốn nói là buông lỏng, dù rằng chắc hẳn ai cũng thấy rùng mình mỗi khi đọc bản tin các quốc gia Âu, Mỹ thu hồi đồ chơi nhập khẩu vì có chất gây ung thư.
Câu chuyện này rõ là “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng không thể không nói khi những món đồ chơi gắn liền với ký ức tuổi thơ trẻ em, có thể ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khỏe của “mầm non” đất nước lại phụ thuộc hết vào nước ngoài, mang “bản sắc” nước ngoài.
Tố Uyên