Khẩn trương áp dụng các giải pháp tăng cường khuyến sinh
Theo số liệu từ niên giám thống kê,TP HCM đang ở trong nhóm 21 tỉnh, thành có tổng tỷ suất sinh thấp nhất cả nước. Tổng tỷ suất sinh của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ tại TP HCM năm 2023 là 1,32 con, thấp hơn so với mức 1,96 con của cả nước. Nếu kéo dài thực trạng này sẽ để lại nhiều hệ lụy như già hóa dân số nhanh, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, nhưng nguyên nhân lớn nhất là hiện nhiều người trẻ ở TP HCM ngại kết hôn hoặc kết hôn nhưng ngại sinh con, với nhiều lý do như áp lực về chi phí nuôi dạy và chăm sóc con, muốn mua nhà trước rồi mới tính đến chuyện kết hôn, sinh con...
Trước thực trạng mức sinh thấp và tốc độ già hóa dân số nhanh, tháng 8/2024, Sở Y tế TP HCM đã có tờ trình UBND TP HCM về phê duyệt “Đề án các giải pháp tăng tổng tỷ suất sinh, quản lý sức khỏe phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ em trên địa bàn TPHCM giai đoạn từ nay đến năm 2030”.
Theo đó, Đề án đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của chính sách về lao động, việc làm, nhà ở; phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế...
Đặc biệt các biện pháp khuyến sinh được chú trọng như hỗ trợ toàn bộ chi phí cho phụ nữ mang thai khi tham gia chương trình sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh và hỗ trợ toàn bộ chi phí đồng chi trả (sau khi đã trừ chi phí được bảo hiểm y tế thanh toán) khi khám thai định kỳ và sinh con.
Quy hoạch, xây dựng các điểm trông, giữ trẻ, nhà mẫu giáo phù hợp với điều kiện của bà mẹ, nhất là ở các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu đô thị. Thí điểm các dịch vụ thân thiện với người lao động như điều chỉnh thời gian trông trẻ, hỗ trợ chi phí học bán trú ở cấp mầm non và tiểu học, nhân rộng phòng vắt và trữ sữa mẹ tại nơi làm việc.
Thí điểm xây dựng ứng dụng về chăm sóc bà mẹ, trẻ em, theo dõi, quản lý, hỗ trợ bà mẹ trong quá trình mang thai và nuôi con. Đảm bảo cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ trẻ em tới mọi người... Bên cạnh các biện pháp khuyến sinh, Sở Y tế TP HCM cũng có chính sách khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát sơ sinh.
Để dân số Việt Nam không rơi vào cảnh tụt giảm
“Dự báo thô dân số Việt Nam ở phương án cơ sở, năm 2200 là 46 triệu người”, đây là thông tin được Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đưa ra tại Hội thảo khoa học “Khuyến sinh bằng chính sách thiết thực, nhân văn” do Báo Phụ nữ TP HCM tổ chức mới đây.
Theo Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân, hiện nay không chỉ Việt Nam mà các nước trên thế giới cũng đối diện với thách thức về tỷ suất sinh giảm. Có 38 trên tổng số 40 nước có thu nhập cao trên thế giới có tổng tỷ suất sinh dưới 2.
Tại Nhật Bản, Viện quốc gia về dân số và nghiên cứu an ninh xã hội dự báo, dân số đất nước này năm2100 là 50 triệu người, năm 3000 là 62 triệu người. Tại Hàn Quốc, năm 2100, dự báo dân số chỉ có khoảng 20 triệu người, mất hơn 61% dân số so với năm2020.Có 4 nguyên nhân gốc rễ gây ra tổng tỷ suất sinh thấp dưới tỷ suất sinh thay thế, trong đó, đáng chú ý là vấn đề lãnh đạo các nước, chủ các doanh nghiệp không xem tái tạo con người, tái tạo gia đình là một điều kiện tiên quyết để đất nước phát triển bền vững, thay vào đó là ưu tiên mục tiêu tăng trưởng GDP hơn.
Hiện nay, trước sự báo động về dân số giảm, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore bắt đầu thực hiện các chương trình khuyến khích kết hôn,sinh con nhưng đã quá muộn bởi tổng tỷ suất sinh đã rơi vào con số quá thấp.
Từ tình hình dân số, kinh tế và xã hội của Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước thu nhập cao, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra những bài học cho Việt Nam về vấn đề dân số. Theo ông, điều quan trọng nhất là cần thay đổi triết lý quản trị đất nước, không lấy mục tiêu tăng trưởng GDP cao liên tục nhiều năm làm mục tiêu hàng đầu, cần lấy hạnh phúc của Nhân dân và dân tộc trường tồn làm mục tiêu cao nhất.
“Nếu không có sự thay đổi đột phá về chính sách kinh tế, xã hội và chính sách dân số thì tổng tỷ suất sinh của Việt Nam sẽ tiếp tục giảm sâu dưới 2,1 và duy trì lâu dài, theo con đường của tất cả các nước phát triển đã trải qua. Dự báo thô dân số Việt Nam, ở phương án cơ sở, năm 2200 là 46 triệu người”, Giáo sư Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Nhằm đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới, Cục Dân số, Bộ Y tế đã phát động cuộc thi sáng tác logo ngành Dân số. Theo Cục Dân số, trước đây, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo trong các giai đoạn hình thành Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa gia đình; Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em; Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế.
Tuy nhiên, do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, cần có logo ngành Dân số mới thay thế cho logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình. Có thể thấy, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình trước đây là hướng tới mục tiêu chủ yếu giảm sinh, nhưng hiện nay nội dung yêu cầu trong tình hình mới là “Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững”.