Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam:
“Việc thực hiện cam kết phải đi cùng với tăng cường năng lực cạnh tranh…”
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam. Trong số các nước thành viên TPP thì Việt Nam là nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất và được đánh giá là có nhiều lợi thế tương đối trong các ngành chế biến, chế tạo sử dụng nhiều lao động. TPP dự kiến sẽ giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu cũng như dịch chuyển thương mại.
Đây là yếu tố quan trọng vì Việt Nam dự kiến sẽ thay thế ngày càng nhiều hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào các thị trường TPP, cụ thể là Hoa Kỳ và Nhật Bản, và thực sự quá trình này đã và đang diễn ra trong khi TPP còn chưa được ký kết. TPP dự kiến cũng sẽ làm tăng thêm dòng vốn FDI vốn đã khá cao và góp phần làm tăng năng lực xuất khẩu, trong đó bao gồm cả các nhà cung cấp thượng nguồn cho những ngành chịu sự kiểm soát khắt khe về nguồn gốc xuất xứ.
Các kết quả mô phỏng cho thấy trong vòng 20 năm tới, TPP sẽ đóng góp 8% vào GDP của Việt Nam, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% vốn đầu tư. Khoảng một nửa con số đó được tạo ra bởi cắt giảm thuế quan và một nửa bởi các biện pháp phi thuế quan (NTM), ví dụ tự do hoá các ngành dịch vụ cơ bản. Các ngành công nghiệp chế tạo sử dụng nhiều lao động, nhất là những ngành hiện nay đang chịu thuế nhập khẩu cao sẽ được lợi nhiều nhất.
Đó là các ngành dệt, may mặc, giày dép, và ở một mức độ thấp hơn - công nghiệp chế biến thực phẩm và điện tử. Ngược lại, các ngành xuất khẩu hàng hóa cơ bản và nguyên liệu thô, kể cả nông nghiệp và dịch vụ, dự tính sẽ bị co hẹp do đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu (yếu tố sản xuất được tái phân bổ sang ngành sản xuất, chế biến, chế tạo).
Tuy tác động của TPP đối với Việt Nam là tích cực nhưng thực hiện hiệp ước này lại là vấn đề không đơn giản. TPP có thể gây tác động từ bên ngoài lên quá trình tái cơ cấu. Hiệp ước này không chỉ xoá bỏ các rào cản thương mại, tăng cường tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn mà còn tác động rõ nét lên chất lượng luật pháp, quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ nhà đầu tư, cạnh tranh, quản lí DN nhà nước, tiêu chuẩn lao động và môi trường, an toàn thực phẩm, mua sắm công, tự do hoá dịch vụ, kể cả dịch vụ tài chính và viễn thông.
Tuy việc thực hiện những cam kết này là thách thức lớn đối với Việt Nam do Việt Nam đi theo con đường cải cách từ từ và chịu ảnh hưởng của các yếu tố lịch sử về thể chế (sự tồn tại của các DN nhà nước lớn, hệ thống thể chế thị trường chưa hoàn chỉnh...) nhưng Việt Nam cũng đã thể hiện khả năng tận dụng các cam kết quốc tế để thúc đẩy cải cách trong nước khi gia nhập WTO, nhất là trong những lĩnh vực khó thực hiện. Muốn tận dụng tối đa những cơ hội do TPP mang lại thì việc thực hiện cam kết phải đi cùng với tăng cường năng lực cạnh tranh, ví dụ đầu tư vào giao thông, điện lực, cảng, dịch vụ kho vận và nâng cao hiệu quả thủ tục thông quan…
Ông David Devine, Đại sứ Canada:
“Nếu không có sự triển khai và cam kết cẩn trọng, Việt Nam có thể đánh mất nhiều lợi ích…”
Cơ chế thương mại và mở cửa đã mang lại nhiều lợi ích và giúp thúc đẩy cải cách ở Việt Nam. Việc tham gia TPP mang lại cho Việt Nam cơ hội đạt được bước tăng trưởng kinh tế và hiện đại hóa cao hơn cũng như hội nhập quốc tế và cải cách sâu rộng . Việt Nam, quốc gia thu nhập trung bình thấp duy nhất trong nhóm, đã có vị thế tốt để hưởng lợi từ Hiệp định này.
Theo một số ước tính, việc triển khai TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng tới 8% tới năm 2035. Các ước tính khác còn cho rằng Việt Nam có thể tăng trưởng tới 2 con số, cao hơn rất nhiều so với bất kỳ một quốc gia TPP nào khác. Hiện nay, các thành viên TPP đang chiếm khoảng 40% sản lượng xuất khẩu, 22% sản lượng nhập khẩu và 38% đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia và Singapore là các nước nằm trong top 10 nước đầu tư vào Việt Nam, cũng đồng thời là các đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam.
|
Tuy nhiên, Hiệp định TPP cũng mang tới nhiều rủi ro và nếu như không có sự triển khai và cam kết cẩn trọng, Việt Nam có thể đánh mất nhiều lợi ích. Bên cạnh việc giảm thuế suất vào hàng hóa, các công cụ giảm rào cản đối với thương mại dịch vụ và các biện pháp phi thuế quan, thực thi quyền sở hữu trí tuệ cũng như việc giảm thiểu vai trò của DN nhà nước với thị trường được coi là cơ sở tốt tạo tiền đề cho cải cách cơ cấu và thể chế ở Việt Nam, bao gồm cải cách đất đai được coi như một yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực này. Công việc này đòi hỏi cải cách khó khăn nhưng cần thiết, các nỗ lực lâu dài nhằm hiện đại hóa và hợp lý hóa môi trường pháp lý cho thương mại và phát triển cho khu vực tư nhân.
Hiệp định TPP được kỳ vọng sẽ kích thích các cải cách thể chế để tăng cường và chuẩn hóa các quy tắc cũng như tính minh bạch, hỗ trợ tạo nên các thể chế hiện đại tại Việt Nam.
PGS.TS Chu Đức Dũng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam:
“TPP không phải là liều thuốc để giải quyết tận gốc các điểm yếu kém của nền kinh tế...”
Việt Nam gia nhập TPP là cấp thiết, vì nếu không tham gia, tình hình kinh tế, chính trị - xã hội của đất nước có nhiều khả năng sẽ còn xấu hơn! Tham gia TPP cũng phù hợp với chiến lược tái cấu trúc, đổi mới mô hình tăng trưởng và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam. Sự lựa chọn tham gia sớm của Việt Nam là quyết định đúng đắn. TPP là một lời giải cho nhiều vấn đề lớn của Việt Nam trong phát triển kinh tế và bảo đảm độc lập, tự chủ trong bối cảnh hiện nay, miễn là có quyết tâm nhìn thẳng vào sự thật, thực tế, vì lợi ích quốc gia và tiến hành cải cách thực sự.
Tuy vậy, TPP không phải là liều thuốc để giải quyết tận gốc các điểm yếu kém của nền kinh tế Việt Nam. TPP chỉ tạo ra cơ hội mới cũng như tạo ra sức ép để Việt Nam thực hiện cải cách, giải quyết những vấn đề nội tại của mình mà thôi, chứ TPP không làm thay được cho Việt Nam.
Sau 9 năm gia nhập WTO, mặc dù đã có những đổi thay về thể chế đáng kể nhưng chất lượng thể chế của Việt Nam vẫn đang là một rào cản cho phát triển. Song hiện nay với TPP, sức ép cải cách lớn hơn nhiều, nhất là từ những tiêu chuẩn mới, cao hơn trong TPP về bảo hộ đầu tư, bảo hộ sở hữu trí tuệ, mua sắm chính phủ, DN nhà nước, quyền của người lao động, bảo vệ môi trường,,...
Nếu Việt Nam thất bại trong các cải cách để thích ứng với bối cảnh mới, nhất là với sự gia nhập TPP, kinh tế Việt Nam dễ rơi vào “bẫy thương mại tự do”.
Tuy nhiên, Việt Nam hoàn toàn có thể thực hiện được các cải cách cần thiết nếu có quyết tâm từ cấp lãnh đạo Nhà nước đến từng DN, người dân. Do tình hình đã cấp bách, cải cách là hợp lòng dân.
TS Nguyễn Chiến Thắng, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam:
“Phải nghiêm túc nhìn nhận những cơ hội cải cách đã bỏ lỡ”
Việt Nam bước vào một giai đoạn hội nhập mới với các Hiệp định FTA “ thế hệ mới” như Hiệp định TPP, Hiệp định Thương mại Việt Nam - EU (EVFTA). Khác với WTO và các Hiệp định FTA trước đây, hai hiệp định này sẽ đặt ra những yêu cầu khắt khe cho Việt Nam về cải cách thể chế liên quan đến DN nhà nước, mua sắm công, sở hữu trí tuệ, cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư theo hướng cải thiện môi trường kinh doanh nâng cao tính công khai, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa khu vực tư nhận với DN nhà nước, giữa DN trong nước và DN FDI, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư.
Quy tắc xuất xứ trong TPP và EVFTA là một cơ hội cho Việt Nam thay đổi cơ cấu công nghiệp về “chất” khi thu hút các DN FDI vào công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, để có thể thu hút được các ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam phải thay đổi về chất đối với nguồn nhân lực và hệ thống ưu đãi đối với các ngành này, đang là những điểm nghẽn hạn chế sự phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Những thách thức đối với DN sản xuất hàng tiêu dùng trong nước là rất lớn khi hiện tại các mặt hàng của các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan đang tràn ngập trên các siêu thị và mức độ cắt giảm hàng rào thuế quan của Việt Nam ngày càng sâu hơn nữa theo cam kết của AEC, TPP, EVFTA và nhiều Hiệp định FTA song phương. Các ngành dịch vụ của Việt Nam cũng đang chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn khi ngày càng nhiều các hãng dịch vụ từ các nước phát triển hàng đầu như Hoa Kỳ , EU, Nhật Bản đổ bộ theo sau các Hiệp định FTA sắp ký.
Những áp lực khắc nghiệt từ giai đoạn hội nhập mới đòi hỏi chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận những cơ hội cải cách đã bỏ lỡ trong giai đoạn 30 năm hội nhập vừa qua để quyết liệt cải cách thể chế, nâng cao năng lực hội nhập với mục tiêu tận dụng tối đa những cơ hội và đối mặt với những thách thức từ hội nhập…