Thuê mặt bằng “cứu” tiến độ
Hai ngày 30 - 31/10, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên cùng nhiều “ban bệ” của Bộ này đã, đang có mặt tại các tỉnh Bắc miền Trung để tháo gỡ những nút thắt chủ quan lẫn khách quan trong công tác GPMB.
Địa điểm ông Viên tới thị sát là đoạn TP.Thanh Hóa - Quán Hành và đoạn Nam Bến Thủy - Vũng Áng. Lãnh đạo 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh dịp này cũng sẽ cùng Thứ trưởng Viên thảo luận chung vấn đề đang được coi là tâm điểm của ngành Giao thông.
Bộ này cho biết, công tác GPMB đoạn tuyến nói trên có tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng, tổng diện tích thu hồi đất hơn 1.402ha, hàng ngàn hộ dân phải di dời tái định cư để nhường đất cho dự án. Điều dễ thấy ở đây là quy mô dự án càng lớn thì độ khó trong GPMB lại càng cao, trong khi sự nhanh - chậm của dự án gần như phụ thuộc hoàn toàn vào tiến độ GPMB.
Thống kê cho thấy, số địa phương quyết liệt, hiệu quả trong khâu này đang chiếm tỷ lệ rất thấp, số đông còn lại vẫn khó khăn, thậm chí có nơi rất trì trệ như Quảng Trị gần 5 năm không làm “sạch” nổi mặt bằng với độ dài chỉ hơn chục cây số thuộc Dự án TP.Đông Hà - thị xã Quảng Trị, dù nhà đầu tư - Cty CP Tập đoàn Trường Thịnh đã khởi công từ năm 2008.
Những con số dưới đây cho thấy việc GPMB đoạn này có thời điểm chỉ ngang tốc độ… “rùa”, cụ thể: năm 2010 bàn giao 10,534 km/13,242km; năm 2011 không bàn giao được mét nào; tháng 3/2012 “nhỏ giọt” thêm 0,482km… dẫn đến nhiều lần dự án phải gia hạn tiến độ, kéo theo không ít hệ lụy.
Thực tế đó khiến nhiều nhà đầu tư, nhà thầu lo lắng vì sức ép tiến độ rất lớn trong khi mặt bằng chưa “sạch”, buộc nhà thầu, có nơi phải tự ứng vốn… thuê lại mặt bằng của dân.
Tương tự, tại Gói thầu 3.1 đoạn qua thị trấn Cầu Giát (Nghệ An) do Ban quản lý Dự án 85 (Bộ GTVT làm đại diện chủ đầu tư), Công ty Cổ phần 482 công bố thực hiện hợp đồng từ ngày 15/10/2013, nhưng hiện nhà thầu này mới chỉ có trong tay 700/4.700m mặt bằng…
Về tổng thể, tới thời điểm này, trên toàn tuyến mới chỉ thu hồi được hơn 200/1.402ha đất, cá biệt có địa phương chưa thu hồi được hécta nào, dù dự án đã khởi công, động thổ rất rình rang trên địa bàn nhiều tỉnh.
“Hiện tượng” Hà Tĩnh
Trong bối cảnh việc GPMB gặp nhiều khó khăn như thế, Hà Tĩnh bỗng nổi lên như một “hiện tượng” thu hút sự chú ý của Bộ GTVT, được Chính phủ đánh gia cao khi trong thời gian ngắn đã thu hồi được gần 80% mặt bằng phục vụ các dự án đoạn qua tỉnh này.
“Những huyện có dự án ngang qua, chúng tôi đều cử một đồng chí trong Thường vụ Tỉnh ủy bám chặt địa bàn để kịp thời chỉ đạo cấp ủy, chính quyền ở đó, đồng thời tiếp nhận phản hồi từ chủ đầu tư nhằm tháo gỡ vướng mắc. Tuần nào, Thường trực Tỉnh ủy cũng nghe báo cáo vấn đề này, vì thế cái gì gay go dưới chưa làm được, ngay sau đó đều được chúng tôi cho chủ trương giải quyết. Cứ như thế, mọi việc đâu cũng vào đấy.” - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình nói về cách làm của tỉnh mình.
Ông Nguyễn Văn Huệ - Giám đốc Ban điều hành Dự án BOT QL1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - Bắc tuyến tránh TP.Hà Tĩnh xác nhận với PLVN: “Dự án dù chỉ dài 35km, nhưng có thời kỳ và có đoạn rất “xương”, nếu không có sự vào cuộc có hiệu quả, kịp thời của tỉnh Hà Tĩnh cùng với sự nỗ lực của chủ đầu tư, thì chúng tôi khó mà hoàn thành về mặt tiến độ.
Điều đáng nói, không chỉ chính quyền mà ngay cả Đoàn Thanh niên họ còn cùng chúng tôi về tận địa phương vận động dân bàn giao mặt bằng. Đấy quả là một cách làm hay, cần nhân rộng!”.
Rõ ràng, chuyến công cán miền Trung của Thứ trưởng Viên trong bối cảnh như vậy là rất cần thiết. Nhưng cần thiết hơn và có thể làm ngay là phải nhân rộng mô hình tại Hà Tĩnh, tại Dự án BOT QL1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - Bắc tuyến tránh TP.Hà Tĩnh ra phạm vi cả nước để nó không còn là “hiện tượng” của riêng Hà Tĩnh, mà bất kỳ đâu có dự án đi qua cũng phải sát sao, quyết liệt, để dự án “cán đích” đúng tiến độ.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh:
“Có mỗi quốc lộ 1 và quốc lộ 14 quan trọng như vậy, nói mãi mà không làm xong”
“Chúng ta nói tái cơ cấu nhưng chưa làm được nhiều, trong khi đây lại là nhu cầu và đòi hỏi cấp bách. Muốn tái cơ cấu phải có tiền, các nước khi gặp suy thoái họ có các gói kích cầu. Năm 2009 chúng ta cũng đưa ra gói kích cầu 145.000 tỉ đồng nhưng thật sự chưa hiệu quả. Nó chính là một trong những nguyên nhân gây ra lạm phát, bất ổn của nền kinh tế như hôm nay.
Bây giờ chúng ta phải phát hành trái phiếu để giải quyết những khó khăn của nền kinh tế. Phát hành trái phiếu không phải là in thêm tiền mà là vẫn cái khối tiền đang có trong lưu thông ấy, chúng ta vay để tiêu và nguồn vốn này chỉ dành để nâng cao hiệu quả đầu tư và góp phần tăng trưởng.
Hiện đang có 1.400 công trình dở dang của các bộ, ngành, địa phương. Tôi tính chỉ cần 14.000 tỉ thôi thì có thể hoàn thành 668 công trình đang dở dang. Thứ hai là vốn ODA, có khoản người ta cho vay 40 năm, 60 năm, chúng ta đã ký kết rồi, bây giờ mỗi năm cần 7.000-8.000 tỉ tiền vốn đối ứng nhưng ngân sách không còn tiền.
Làm được cái này, tức là bỏ ra 20-30% vốn đối ứng thì chúng ta có thể giải ngân được 16-17 tỉ USD. Mà đây là những công trình gì? Đó là cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, cầu Nhật Tân, sân bay Nội Bài, sân bay Long Thành... Đó là những công trình khổng lồ, nếu không làm thì bỏ phí nguồn lực vô cùng lớn, đất nước không phát triển được. Có mỗi quốc lộ 1 và quốc lộ 14 quan trọng như vậy, nói mãi mà không làm xong”.
Hồng Thúy (ghi)