99,4% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp ở Hà Nội
Theo số liệu của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp tăng đều qua các năm. Cụ thể, năm 2011, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc đạt 97,3%, năm 2012 đạt 97,5%, năm 2014 đạt 98%, đến năm 2015, tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc đạt 99,4%. Tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được can thiệp, trợ giúp, loại bỏ nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt cũng tăng qua các năm: năm 2011, tỷ lệ trẻ em có nguy cơ rơi vào HCĐB được chăm sóc, trợ giúp đạt 85%, năm 2014 đạt 93,9%, năm 2015 đạt 95,21%.
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông được tổ chức tốt, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức và sự cam kết trách nhiệm của các cấp, ngành, đồng thời chuyển đổi hành vi tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em; công tác nâng cao năng lực cho cán bộ, cộng tác viên làm nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc trẻ em được các cấp quan tâm, đầu tư và đáp ứng được yêu cầu cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, việc xây dựng và vận hành hệ thống bảo vệ và chăm sóc trẻ em trên địa bàn thành phố đã giúp cho việc phát hiện thông tin về các trường hợp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và trẻ em cần được bảo vệ, trên cơ sở đó tiến hành các hoạt động can thiệp kịp thời, hiệu quả.
Xác định tầm quan trọng của công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em nên khi có sự chuyển đổi công việc giữa Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc trẻ em sang ngành LĐ-TBXH thì số cộng tác viên ở các địa phương giảm rất nhiều, từ trên 160.000 xuống còn trên 70.000. Riêng Hà Nội đã duy trì hệ thống cộng tác viên rất tốt, ghép với nhiệm vụ của cộng tác viên dân số, có phụ cấp bổ sung với tổng số 11.000 người. “Có thể nói, Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu trong công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em” - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan nhấn mạnh.
Tới năm 2020, 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc
Đó là một trong những mục tiêu của Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội do Bộ LĐ-TB&XH đảm trách và mới đây đã được bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Bộ LĐ-TB&XH đưa ra tại hội nghị cung cấp thông tin về công tác nhân quyền cho báo chí do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức mới đây.
Theo đó, hiện Việt Nam có hơn 26 triệu trẻ em, trong đó có trên 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; trên 2 triệu trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với việc hoàn thiện các hệ thống văn bản pháp luật về bảo vệ trẻ em, hiện cả nước có 31 trung tâm công tác xã hội cấp tỉnh, trong đó có 7 trung tâm dành cho trẻ em; 158 văn phòng tư vấn cấp huyện; 1.539 điểm tham vấn cộng đồng và 2.765 điểm tham vấn trường học…
Tới năm 2020, 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển; giảm gia tăng tỷ lệ số trẻ em bị xâm hại; có kế hoạch hỗ trợ, can thiệp 100% trẻ em có nguy cơ cao bị xâm hại; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được quản lý, theo dõi. Ngay trong năm 2016, Bộ LĐ-TB&XH đã đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt xuống 5,5% trên tổng số trẻ em; 86% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp; 100% tỉnh, thành phố triển khai vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu trẻ em; sản xuất 104 chương trình truyền hình vì trẻ em và an sinh xã hội…
Những quyết tâm và con số này không chỉ nằm trên lý thuyết mà đã được thực hiện trên thực tế như Hà Nội là một ví dụ. Mới đây với mong muốn làm thay đổi nhận thức cộng đồng và xã hội, nhất là ở vùng nông thôn, trẻ em ở nhà với ông bà nhưng do thiếu kỹ năng chăm sóc, bảo vệ dẫn đến các nguy cơ cho trẻ như tai nạn thương tích, xâm hại tình dục, bạo lực, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ và Kênh VOV Giao thông quốc gia Đài Tiếng nói Việt Nam cũng đã ra mắt Chương trình “1 giờ Đường dây nóng” là Chương trình phát thanh chuyên biệt, với thời lượng 60 phút, phát sóng từ 16h – 17h Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VOV Giao thông FM 91Mhz. Chương trình hướng tới việc nâng cao chất lượng, phát huy hiệu quả tốt nhất công tác hỗ trợ, tư vấn và đề ra nhiều giải pháp để chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Với hình thức thể hiện trực tiếp, sinh động cùng sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ của các cơ quan chức năng, Chương trình “1giờ Đường dây nóng” sẽ là diễn đàn lắng nghe và bảo vệ trẻ em.
Bên cạnh những thuận lợi thì công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em cũng còn không ít trở ngại. Bày tỏ về vấn đề này, ông Hoa Việt Thắng - Phó Phòng cảnh sát hình sự - Công an TP. Hà Nội cho biết, trong quá trình thực hiện Chương trình Quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015, Công an Hà Nội nhận thấy có một số khó khăn như: Hà Nội là địa bàn có nhiều trẻ em từ các tỉnh theo cha mẹ đến cư trú hoặc lao động tự do kiếm sống, đây là đối tượng rất dễ bị tác động của các mặt trái của xã hội và dễ bị đối tượng xấu lôi kéo, dụ dỗ dẫn đến phạm tội. Giải quyết vấn đề trẻ em lang thang, ăn xin, kiếm sống đường phố là vấn đề khó khăn và không thể giải quyết triệt để nếu không có sự tham gia phối hợp tích cực của các bộ, ngành và các địa phương liên quan. Ngoài ra, công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm xâm hại trẻ em, người trong lứa tuổi chưa thành niên phạm tội chưa huy động được sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và sự tham gia của xã hội.