Nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm gia tăng
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, hiện tình hình nợ đọng, trốn đóng bảo hiểm đang tiếp tục gia tăng và xảy ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Tính đến tháng 11/ 2016 BHXH Việt Nam đã tiến hành 05 cuộc thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT đã phát hiện: 616 đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lên đến 157,7 tỷ đồng; 6.108 trường hợp thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa tham gia BHXH, BHTN, BHYT, đóng thiếu thời gian tham gia, đóng thiếu 7% mức lương đối với lao động đã qua đào tạo, 5% mức lương đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại; Truy thu chưa tính lãi đối với 1.355 trường hợp; Phát hiện 75 trường hợp người lao động không làm việc, không hưởng lương nhưng vẫn đăng ký tham gia đóng BHXH, BHTN, BHYT.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam đã tiến hành 08 cuộc kiểm tra và phối hợp thanh tra liên ngành đã phát hiện: 13.836 trường hợp thuộc đối tượng tham gia nhưng chưa tham gia BHXH, BHTN, BHYT, đóng thiếu thời gian tham gia, đóng thiếu 7% mức lương đối với lao động đã qua đào tạo, 5% mức lương đối với lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại (Bạc Liêu 1.982, Lào Cai 807, Đồng Tháp 817, Thái Nguyên 1.183, Khánh Hòa 556, Vĩnh Phúc 8.491); Truy thu chưa tính lãi đối với 3.672 trường hơp (Bạc Liêu 320, Lào Cai 245, Đồng Tháp 77, Thái Nguyên 400, Khánh Hòa 297, Vĩnh Phúc 2.351)
Theo số liệu từ BHXH Việt Nam, tính đến hết 31/10/2016, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN của BHXH các tỉnh, thành phố là 14.237 tỷ đồng chiếm 6,5% kế hoạch thu, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Nợ BHXH là 9.550 tỷ đồng, chiếm 67,07% tổng số nợ, trong đó số tiền nợ BHXH thời gian từ 3 tháng trở lên là 6.869 tỷ đồng, chiếm 72% số tiền nợ BHXH, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động; Nợ BHTN là 516 tỷ đồng, chiếm 3,62% tổng số tiền nợ; Nợ BHYT: 4.170 tỷ đồng, chiếm 29,31% tổng số tiền nợ.
Được biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trốn và nợ đọng bảo hiểm trên là do sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo chính quyền các cấp chưa thường xuyên; ý thức chấp hành pháp luật BHXH của một số chủ sử dụng lao động chưa nghiêm. Trong khi đó, người lao động không dám đấu tranh đòi quyền lợi hợp pháp của mình vì sợ mất việc làm. Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về BHXH, BHYT đối với các doanh nghiệp lại hết sức hạn chế, không thường xuyên. Tính tuân thủ pháp luật về BHXH của chủ sử dụng lao động chưa cao do đó còn phổ biến tình trạng ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn nhiều lần để trốn đóng BHXH, BHTN; ngoài ra, một bộ phận người lao động không hiểu đầy đủ quyền lợi về BHXH hoặc vì mưu sinh trước mắt mà không dám đấu tranh đòi hỏi quyền lợi;
Bên cạnh đó, chế tài xử phạt vi phạm pháp luật hành chính về đóng BHXH còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Việc thanh tra, kiểm tra công tác thu, nộp BHXH của các cơ quan có liên quan ở địa phương còn hạn chế, thiếu cương quyết, ít ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về đóng BHXH; trong khi lực lượng thanh tra mỏng nên công tác thanh tra chuyên ngành về BHXH chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục. Luật Việc làm không có quy định lãi chậm đóng BHTN.
Cần phối hợp giám sát liên ngành
Nhằm giải quyết tình trạng nợ đọng BHXH trên, tại hội nghị trực tuyến, BHXH Việt Nam kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hiểm phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu trình Chính phủ ban hành quy định về xử lý tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT tồn đọng kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH, BHTN đối với người lao động; Chỉ đạo các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHTN;
BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ Nội vụ xem xét quy định về chế độ công chức và viên chức làm công tác thanh tra chuyên ngành được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên để BHXH Việt Nam triển khai chức năng thanh tra chuyên ngành theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13 và Luật Thanh tra số 56/2010/QH12; đảm bảo quyền lợi và các chế độ bồi dưỡng cho công chức thanh tra chuyên ngành;
Đồng thời, đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét kiến nghị với Quốc hội sửa Luật Thanh tra số 56/2010/QH12 bổ sung người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành là viên chức
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam tiếp tục đề xuất Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện: Thành lập thanh tra liên ngành phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh tra (hoặc thanh tra đột xuất) việc chấp hành pháp luật đối với các doanh nghiệp đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên kéo dài từ 03 tháng trở lên trên địa bàn, cương quyết xử lý những doanh nghiệp cố tình chây ỳ, chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.
BHXH các tỉnh, thành phố cần chủ động, bám sát, đôn đốc cơ quan tài chính các cấp, cơ quan quản lý đối tượng chuyển tiền đóng BHYT kịp thời cho các đối tượng do ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng năm 2016 vào quỹ BHYT trước ngày 31/12/2016, không để nợ sang năm sau; Chủ động thành lập các đoàn thanh tra chuyên ngành đóng thanh tra đột xuất tất cả các đơn vị nợ đọng từ 3 tháng trở lên. Đến 31/12/2016, mỗi tỉnh, thành phố thực hiện thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN, xử phạt vi phạm hành chính ít nhất 15 doanh nghiệp có thời gian nợ trên 3 tháng.
Ngoài ra, BHXH Việt Nam sẽ cung cấp hồ sơ, thông tin phối hợp với Liên đoàn Lao động khởi kiện các đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN ra tòa theo quy định. Đến 31/12/2016, mỗi tỉnh, thành phố phối hợp với Liên đoàn Lao động thực hiện nộp đơn khởi kiện ra tòa án ít nhất từ 10 - 50 doanh nghiệp có thời gian nợ trên 6 tháng.
Đồng thời, BHXH Việt nam sẽ thực hiện công tác công khai danh tính đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, kéo dài trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài địa phương, đặc biệt là hệ thông truyền thanh cấp xã); Phối hợp với Cục Thi hành án dân sự tỉnh thi hành các bản án đã có hiệu lực pháp luật do Tòa án nhân dân các cấp xét xử từ ngày 14/4/2016 trở về trước.