Chị Nguyễn Thị Vĩnh An (khu phố 11, Phường 5, TP Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) cho rằng, bản thân chị và gia đình là những minh chứng sống động nhất cho sự đồng hành của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với các đối tượng trong xã hội.
“Tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông của huyện vùng trũng Hải Lăng, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào 2 vụ lúa nên việc duy trì cho con em đến giảng đường đại học vô cùng khó khăn. Giữa lúc rất nhiều gia đình cho con em nghỉ học để vào miền Nam lập nghiệp trong các nhà máy, xí nghiệp, ba mẹ tôi vẫn kiên trì bám trụ cho 4 anh em tôi đến trường bởi suy nghĩ của ba mẹ rất đơn giản rằng “chỉ có đến trường mới là con đường thoát nghèo bền vững nhất”, chị An nói.
Thế nhưng, để gánh gồng vượt qua con đường ấy vô cùng gian nan, vì vậy bố chị đã giao hết trọng trách quán xuyến gia đình cho mẹ để đi kinh tế mới trồng cây cà phê tại xã Hướng Phùng, huyện Hướng Hóa với hy vọng tìm hướng đi mới cho cả gia đình.
“Những ngày đầu lên chốn hoang vu, thiếu thốn, mọi nguồn kinh phí mua đất, giống cây và phân bón… đều nhờ vào gói vay hỗ trợ từ Phòng giao dịch NHCSXH huyện Hướng Hóa ủy thác qua Hội Cựu chiến binh xã Hướng Phùng”, chị An kể lại.
Được hỗ trợ vay vốn nhưng để sống dựa vào nông nghiệp còn nhiều khó khăn, câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa và thậm chí mất mùa mất luôn cả giá khiến đời sống gia đình vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.
“Tôi còn nhớ mỗi lần anh chị em chúng tôi làm hồ sơ dự thi ba đều căn dặn “Ba chỉ nuôi nổi khi con học ở Huế thôi nghe”, vì thời đó vé tàu đi về giữa Diên Sanh và Huế chỉ có 9 nghìn đồng, nếu học ở Huế chúng tôi sẽ bới gạo bới mắm từ quê vào được, tiền ba mẹ gửi vào cũng ít hơn”, chị An nói, “Giữa lúc con cái ngày một lớn, tiền ăn học ngày một cao, mỗi lần đến kỳ gửi tiền cho chúng tôi ba mẹ phải chạy vạy mượn nhà này nhà kia rất vất vả. May mắn sao năm 2007 có gói vay dành cho học sinh sinh viên, đó thực sự là cứu cánh cho gia đình tôi lúc bấy giờ”.
Chị An kể về hình ảnh rạng rỡ của mẹ chị khi đi nhận tiền từ Ngân hàng về. Lúc đó, em gái chị hỏi: “Răng mà đi vay tiền mắc nợ họ mà mẹ mừng dữ rứa”, mẹ chị giải thích: “Chưa kể chuyện lãi bên NHCSXH rẻ hơn mà có người cho vay để mỗi tháng không lo lắng suy nghĩ xem nhà ai có tiền để tới muợn, rồi vay chỗ ni đập chỗ tê là mẹ hạnh phúc rồi”.
Từ đó, gia đình chị dìu nhau đi lên. Đến hôm nay, dù vẫn là khách hàng thân thiết của NHCSXH nhưng ba mẹ chị có thể nở nụ cười mãn nguyện vì cả 4 đứa con đều ăn học thành tài, có công ăn việc làm ổn định, không phải sống dựa vào nông nghiệp bấp bênh như ba mẹ.
Cơ duyên của chị và gia đình với NHCSXH chưa dừng lại ở đó. Khi lập gia đình, vợ chồng chị ki cóp vay mượn người thân người quen mua được mảnh đất nhỏ ven thành phố, định bụng bao giờ có một nửa tiền sẽ làm nhà. Hơn 5 năm sống ở TP Đông Hà, hai vợ chồng chuyển nhiều chỗ trọ, điều kiện sống hạn chế, nhưng vì nguồn thu nhập còn thấp nên một ngôi nhà của chính mình là điều ước xa vời.
Thế là, khi biết chủ trương qua loa phát thanh khu phố và qua xem tivi, đài phát thanh truyền hình Quảng Trị, chị đã mạnh dạn đến UBND phường đăng ký nhu cầu vay vốn chương trình Nhà ở xã hội, dù không chắc khi nào được vay do nhiều người có nhu cầu trong khi nguồn vốn có hạn. May mắn đã mỉm cười với chị một lần nữa.
“Ngày cán bộ tín dụng báo tôi lên làm hồ sơ tôi mới thấm thía câu nói năm xưa của mẹ, tôi cũng nhận ra rằng "Thì ra hạnh phúc của mỗi người đôi khi không phải điều gì quá cao xa mà chỉ là được vay vốn với lãi suất thấp"”, chị nói. Giờ, gia đình chị đã được yên ổn ở trong chính ngôi nhà của mình.
“Kể câu chuyện của mình, tôi chỉ muốn chia sẻ rằng trong chặng đường vượt khó của chúng tôi, của mỗi học sinh sinh viên, mỗi người nông dân hay công chức, viên chức thu nhập thấp luôn có sự đồng hành hỗ trợ của Đảng, Nhà nước thông qua các gói vay vốn của NHCSXH. Bằng tình cảm chân thành nhất tôi xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc đến Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Trị đã luôn kịp thời đồng hành cùng mỗi người dân trên mỗi giai đoạn quan trọng của đời người, đó là học tập, là lập nghiệp, khởi nghiệp, là an cư”, chị An xúc động chia sẻ.