Vì sao gọi là Ông Ba mươi?
Người Thái ở Việt Nam gọi hổ là Tu xưa, Xưa cả, Xưa cản tao, người Mường thì gọi là Tu khán, người M'Nông gọi hổ là Rơnong, người Êđê gọi là Êman, người Hà Nhì ở Lai Châu gọi hổ là Khà dừ, người La Hủ gọi hổ là Hủ và tên của dân tộc này được đặt theo tên của con hổ.
Trong chữ Hán, chữ hổ nghĩa là dọa nạt, có bộ khẩu đứng trước để tượng hình cho việc nghe tiếng hổ gầm, tạo ra sự khủng khiếp. Trong dân gian, người ta còn gọi hổ là: cọp, hùm, hoặc những danh xưng mang tên ông như ông hổ, ông cọp, ông hùm, ông kễnh, ông hầm, ông kẹ, ông thầy, ông Ba Mươi.
Thậm chí, một số người già không dám kêu đích danh con hổ mà chỉ dám gọi chệch đi ông kễnh, ông ba mươi hay ông hùm vì sợ “ngài giận”.
Tại sao lại gọi hổ là “Ông Ba mươi”? Cách giải thích phổ biến hiện nay là theo truyện cổ tích đã được Nguyễn Đổng Chi kể lại trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Trong đó cho rằng, Hổ vốn là hóa thân của Phạm Nhĩ - người sống ở Thiên cung, có sức khỏe phi thường, có sức át cả thiên binh thiên tướng.
Sở dĩ gọi hổ là Ông Ba mươi là theo lệ khi có người nào săn được hổ thì được vua thưởng 30 quan tiền vì trừ được tai họa cho dân nhưng đồng thời cũng phạt 30 hèo vì sợ vong hồn Phạm Nhĩ giận mà tác quái.
Theo tác giả Đặng Tiến trong bài “Vì sao hổ lại được gọi là Ông Ba Mươi?”, cách gọi hổ là Ông Ba Mươi có thể là do tục lệ tế thần Xương Cuồng vào ngày 30 tháng Chạp hằng năm, có từ thời Văn Lang nước ta. Xương Cuồng, tức thần cây chiên đàn - một loài cây “trải qua hằng mấy ngàn năm khô héo mà biến thành yêu tinh, thường thay đổi dạng, rất dũng mãnh, có thể giết người, hại vật, (…) biến hóa khôn lường, thường ăn thịt người”.
Hổ trong tín ngưỡng dân gian được nhiều nơi gọi là "Ông Ba Mươi" |
Và với việc truyện Mộc Tinh ghi lại tục tế thần hàng năm, vào ba mươi Tết, phải tế thần Xương Cuồng, tác giả đề xuất: “Thần Xương Cuồng ấy phải chăng là thần Hổ mà người Văn Lang sợ hãi và trọng vọng, làm lễ tế hàng năm vào ngày ba mươi Tết? Rồi chăng từ phong tục cổ sơ này, đã có từ thời các vua Hùng, mà con hổ, con cọp được gọi là Ông Ba mươi cho đến ngày nay?”.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cũng tán thành ý kiến này khi cho biết, có sự tương hợp giữa truyện Mộc Tinh trong Lĩnh Nam chích quái của người Việt với chương Chặt cây Chu trong sử thi thần thoại Mường, đặc biệt nhận ra rằng, chi tiết đánh Quỷ Xương Cuồng chính là mô típ săn Moong Lồ (săn Hổ lớn) còn được kể ở đây.
Cuối đời Lê, còn có chuyện Ma Trành (Trành cũng có âm là Xương) do Phạm Đình Hổ chép lại (Trành quỷ hiển linh) cũng nói Trành là tinh của người chết vì Hổ, thành Hổ về bắt người ăn thịt cũng đúng như chú giải của Thiều Chửu trong từ điển.
“Lĩnh Nam chích quái chép rằng “dân phải lập đền thờ, hàng năm đến ngày 30 tháng Chạp, theo lệ phải mang người sống đến nộp, mới được yên ổn. Dân thường gọi là Xương Cuồng”. Thì rõ ràng đây là tục thờ Hổ vào Ba mươi tết. Và vì thế hổ, cọp, khái, hùm… được gọi là Ông Ba mươi”, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho biết.
Đến tranh ngũ hổ
Tranh ngũ hổ xuất hiện ở cả hai dòng tranh dân gian nổi tiếng và xuất sắc nhất của Việt Nam là Hàng Trống và Đông Hồ.
Trong cuốn “Tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội”, nhà sưu tập Phan Ngọc Khuê gọi tranh có hình 5 con hổ là “Quan lớn năm dinh” hay thường gọi nôm na là: ngũ hổ thần tướng, tức là các sơn thần trấn giữ 5 phương và bảo hộ thần linh, dân chúng trong khắp các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung ương.
Trong khi đó, tác giả người Pháp Maurice Durand trong một tác phẩm công phu sưu tầm và nghiên cứu về Tranh Dân gian Việt Nam gọi bức tranh 5 hổ là “Ngũ hổ ngũ sắc”. Hình ảnh thể hiện năm con hổ. Màu sắc mỗi con ứng với một hướng trong không gian: vàng (trung tâm), trắng (tây), đen (Bắc), xanh (Đông) và Đỏ hay Xích (Nam).
Tranh ngũ hổ chính là biểu hiện sinh động của tín ngưỡng thờ Thần Hổ trong văn hóa Việt. Nhưng cũng có khi thần hổ được thờ chỉ một con. Điều này có thể thấy qua những bức tranh “độc hổ”. (Phan Ngọc Khuê giới thiệu hai bức Hắc Hổ thần tướng, thuộc sưu tập của St Mark & Nhung tức Sơn thần trấn giữ phương Bắc còn Maurice Durand thì có hình tranh Bạch hổ và tranh Xích hổ).
Tranh ngũ hổ |
Năm con hổ với các tư thế khác nhau theo ngũ hành mà tô màu, tiêu biểu cho tính minh triết của dòng tranh gian gian, có xuất xứ từ học thuyết về vũ trụ quan, âm dương ngũ hành. Hổ không chỉ loài vật hung dữ, là chúa tể sơn lâm, xua đuổi tà ma, quỷ quái với ý nghĩa trấn trạch, đem lại bình yên mà còn là biểu tượng thể hiện cho sự vận động của ngũ hành – những nguyên lý tương sinh, tương khắc, vốn là bản nguyên của muôn vật.
Các nghệ nhân đã phối hợp họa tiết, hình tượng, màu sắc, tạo cho bức tranh một hệ thống khép kín hình chữ nhật, xung quanh là năm con hổ với năm màu khác nhau: màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, màu trắng hành kim, màu xanh hành mộc, màu đen hành thủy và con hổ màu vàng (hành thổ) lớn nhất nằm ở chính giữa. Sự tổng hòa các mối quan hệ màu sắc trong bức tranh này thể hiện sự hội tụ và xoay vần của vũ trụ.
Trong tranh Ngũ hổ Hàng Trống có chiều Ngũ hành tương sinh như trong cửu cung Hà đồ. Trong tranh này thì Hổ vàng không chặn lên hòm ấn mà ôm lấy miếng phù ghi dòng chữ: “Pháp đại uy nỗ”. Ngoài ra còn có bảy chấm tròn trên đầu Hổ vàng chính là chòm sao Tiểu Hùng tinh, là chòm sao Thiên cực Bắc trên bầu trời.
Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới viết: Năm con hổ - biểu tượng của sức mạnh che chở, là những kẻ canh giữ bốn phương trời và trung ương.
Xua đuổi ma quỷ
Cọp là mãnh thú, biểu tượng cho sự dũng mạnh và tính hung dữ. Bên cạnh các biểu tượng tiêu cực, nó được sử dụng như biểu tượng của thế lực tốt chống lại thế lực xấu, tà ma. Vì thế, treo tranh Ngũ hổ là biểu tượng cho sự trấn giữ khắp mọi phương. Ở Nam Bộ, nhiều nhà dùng “Bùa nêu ông cọp” dán trước cửa nhà, thậm chí ở cửa chuồng trâu/ bò để bảo vệ gia súc.
Ở miền Bắc, đồ hình bát quái và thần hổ vốn là đồ án chính của “Linh phù trấn trạch” - một loại bùa trấn trạch phổ biến. Cả hai loại bùa là hình in mộc bản trên nền giấy đỏ, chi tiết có những khác biệt tùy vùng miền.
Trong L’art à Húe (được Lê Đức Quang dịch với ấn bản mang tên Nghệ thuật & Nghệ nhân vùng Kinh thành Huế), nhà Việt Nam học Léopold Michel Cadière còn mô tả một hình hổ trên lá bùa. Theo Hình vẽ của một thầy pháp trên áo quần người bệnh, để giải thoát cho người này những căn bệnh nhiễm phải nơi rừng rú. Ghi dòng chữ Hắc hổ đại tướng sát quỷ. “Hắc hổ đại tướng quân diệt trừ ma quỷ”, nguồn cơn của bệnh tật.
Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng (bài viết “Thần Hổ và Thần Mễ tiên sinh”) thì: Thần hổ tượng trưng cho thế lực dưới đất, đối lập với con rồng tượng trưng cho thế lực trên trời. Trời đất giao hòa, âm dương quân bình, tất mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Nhiều câu thành ngữ, vần vè cũng có sự sánh đôi giữa rồng và hổ có thể kể đến như: Long tranh hổ đấu, rồng cuộn hổ ngồi, hổ phục rồng chầu, ngọa hổ tàng long, tả Thanh Long, hữu bạch hổ (rồng xanh bên trái, hổ trắng bên phải); Long đàm hổ huyệt (ao rồng, hang hổ); Long sinh quyển, hổ sinh phong (rồng sinh ra mây, hổ sinh ra gió)…