Ngồi buồn nảy sinh ý tưởng
Ông Tám Rô tên thật là Dương Văn Rô (SN 1949, ngụ phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TP. HCM). Gần đây, người trong xóm vẫn thường gọi ông Tám Rô là “nhà sáng chế” và bỗng chốc ông nổi tiếng khi cho ra đời “chiếc quạt thể dục”. Những sáng chế của ông Tám Rô rất đơn giản, tiết kiệm nhưng mang lại hiệu quả trong cuộc sống thường nhật.
Ông Tám Rô là người gốc Sài Gòn, cả họ 5 đời cư ngụ ở đất Thủ Đức. Hồi nhỏ, cuộc sống khá khó khăn, ông không được học hành. Mới đôi mươi đã lăn lộn với cái nghề thợ hồ. Mon men học hỏi, ông cũng làm được chủ thầu nho nhỏ.
Nhưng không trình độ, không học vấn, thầu nhà cấp 4 thì được chứ nhà cao tầng thì thua. “Bởi xây nhà cao tầng cần giấy phép, thiết kế, nhiều thứ lắm, mà thuê người đứng tên thì còn bao nhiêu lời lãi. Cùng với tuổi già, sức yếu nên tui bỏ nghề từ năm 2000”, ông Tám Rô kể.
Kiến thức cơ khí không có, ông tự mày mò, tự học và tự mua dụng cụ về thực hiện. Ông Tám Rô bỗng dưng nổi tiếng cả vùng. Người ta đồn, ông vừa mới sáng chế ra “chiếc quạt triệu đô” không sử dụng điện mà vẫn chạy được.
Ông Tám Rô cười: “Người ta đồn bậy đó. Người ta nói vui “quạt triệu đô” vì thấy nó khác lạ, chưa có trong thực tế chứ tui làm cái quạt đó tốn có hai trăm ngàn à. Bán triệu đô chắc lời khủng rồi. Quạt không chạy bằng điện nhưng chạy bằng sức người. Làm gì có cái gì tự quay”.
Tuổi già, cứ mãi quây quần bên con cháu, “ăn không ngồi rồi”, chán ngán, ông Tám Rô tạo ra sự bận rộn cho mình bằng cách nghĩ ra cái gì là xắn tay vào làm. Đôi lần hỏng rồi cũng thành công. Cái quạt thể dục là sáng chế mới nhất ông tạo ra.
“Tui bị bệnh thoái hóa khớp gối, đi lại khó khăn, phải điều trị và tập vật lí trị liệu. Nằm nhà, tui mới nghĩ ra cách chế tạo một chiếc máy đạp tập cho đôi chân. Nó giống như mấy chiếc máy ở trong phòng tập thể hình, sử dụng hai chân đạp. Đạp máy một thời gian, tui lại nghĩ “sao mình không tìm cách nào đó vừa đạp vừa thư giãn”. Thế là bắt đầu tìm hiểu nguyên lí để gắn cánh quạt vào. Mình vừa tập, vừa được mát, một công đôi chuyện”, ông Tám Rô kể.
Tuổi già, ông Tám Rô vẫn miệt mài sáng chế những món đồ hữu ích |
Chiếc máy quạt thể dục sử dụng sức người khá đơn giản. Nó bao gồm hai bàn đạp gắn với một bánh đà lớn. Bánh đà nối với bánh răng đến cánh quạt thông qua dây cuaroa. Do bánh đà lớn, khi đạp nhẹ, cách quạt quay với tốc độ nhanh, tạo gió lớn. Tất cả được nối với khung sườn bằng sắt sao cho cánh quạt ở ngang tầm mặt khi ngồi. Toàn bộ được thiết kế nhỏ gọn với trọng lượng khoảng 2kg.
Người sử dụng có thể thoải mái ngồi ở ghế bố, dựa hẳn người vào ghế vẫn có thể đạp được. “Tui nghĩ sự kết hợp này rất thuận lợi. Khi mình muốn ngồi đâu cứ xách ghế và quạt theo. Quạt gắn vào ghế bằng một con ốc nên có thể tháo ra lắp vào, có thể xoay nhiều hướng và có các lỗ điều chỉnh cho vừa tầm chân. Trưa nào, tui cũng mang ghế ra ngoài gốc cây ngồi, vừa đọc báo, vừa tập thể dục cho đôi chân, vừa được mát”, ông Tám Rô chia sẻ.
Chi phí làm ra chiếc quạt thể dục khá thấp, khoảng 200 nghìn đồng. Ông Tám Rô nhẩm tính: “Cánh quạt 10 nghìn. Bánh răng 40 nghìn. Bạc đạn khoảng 40 nghìn. Cộng với các chi phí vặt khác như khung sắt, dây nhợ, bàn đạp xe đạp. Nếu so với quạt máy bây giờ thì giá ngang ngửa nhau. Tui tận dụng đồ cũ nên chi phí thấp lắm. Còn công sức thì không tính”.
Cái quạt thể dục rất đắt hàng từ khi ra đời. Nhiều người mê mẩn, nhất là những người già quanh vùng. Họ thích cái tính tiện lợi, công dụng có một không hai của chiếc quạt. Từ hai tháng qua, ông Tám Rô chế được 5 chiếc quạt và mang đi tặng cho người khác.
“Ai tới nhà chơi, thấy chiếc quạt cũng đòi mua. Tôi không bán mà tặng cho họ. Không đáng bao nhiêu tiền. Quan trọng là tôi thấy vui, thấy có việc làm hằng ngày và giúp ích được cho người khác”.
Tự làm cả răng giả
Chiếc quạt thể dục không phải là sản phẩm duy nhất mà ông sáng chế được. Còn nhiều món đồ hữu ích khác. Đó là chiếc máy cắt chân đèn led. Sở dĩ, ông Tám Rô làm ra chiếc máy này là do con ông nhận đèn led về cắt chân cho một công ty để kiếm tiền. Một tổ hợp đèn led có hàng chục chân phải dùng kiềm cắt từng cái một, rất mất thời gian.
Ngay lập tức, ông Tám Rô sử dụng một chiếc mơ tơ cũ, một chiếc cưa cũ. Ông mày mò, tạo ra một chiếc máy cắt. Chỉ cần đưa tổ hợp chân đèn vào, cắt “rột” một phát là xong ngay. Hiệu quả công việc khá tốt, con ông Tám Rô kiếm được kha khá từ việc gia công.
Hiện nay, ông Tám Rô đang tìm cách chế tạo một hệ thống quạt sử dụng chân đạp mát khắp cả nhà. Ông tính cho ra đời sản phẩm để xem hiệu quả của nó như thế nào. “Không phải sản phẩm nào của tui cũng có ích hoặc không có nhược điểm. Như cái quạt thể dục, nhược điểm là các bánh răng nghiến vào nhau gây tiếng ồn. Tui đang tìm cách khắc phục nhưng có lẽ khó. Bởi vậy, nhiều lúc sản phẩm thành công nhưng đành phải xếp xó”, ông lão cười.
Ông Tám Rô cười để lộ hàm răng đều tăm tắp nhưng thực tế đó là răng giả. Răng giả ông Tám Rô tự làm cho chính mình. Tuổi già, không còn mấy chiếc răng ở lại, ông Tám Rô đi trồng lại từng chiếc nhưng ăn uống khó khăn. Thế nên, ông quyết làm cả hàm răng giả. Đến các phòng khám nha khoa, người ta đưa giá cao ngất tới hàng chục triệu đồng. Ông Tám Rô nói: “Nghe là dội ra liền. Già rồi, làm gì ra nhiều tiền thế. Tui quyết định tự làm hàm răng cho mình”.
Ông bỏ công đi tìm mua răng giả, mua bột, mua thuốc. Tất cả có đều có bán ở ngoài cửa hàng dụng cụ nha khoa với giá cực rẻ. Một hàm răng loại tốt chỉ 80 nghìn đồng, một chai bột 65 nghìn đồng và một chai thuốc 60 nghìn đồng.
Ông Tám Rô với chiếc quạt thể dục do mình chế tạo ra |
Lúc đầu, ông Tám Rô dùng nhôm dẻo, tự gò thành khuôn răng nhưng không thành. Ông tiếp tục sử dụng bột đúc thành khuôn răng. Hai lần thất bại, cuối cùng, ông Tám Rô cũng hoàn thành được bộ răng giả cho chính mình. Bây giờ, hàm răng giả tự làm giúp ông ăn uống dễ dàng hơn.
Phía sau tiệm tạp hóa của người con trai út, ông Tám Rô sử dụng làm “thủ phủ” của những sáng chế của mình. Dụng cụ từ máy cưa, máy hàn, máy cắt, ốc vít, kiềm, cà lê... ông Tám Rô sắm đầy đủ để phục vụ cho những ý tưởng của mình.
Suốt ngày, ông lui cui, bận bịu với công việc của mình. Vợ ông Tám Rô nói: “Ôi. Ổng làm cái gì, tui có biết đâu. Thấy ổng cứ suốt ngày hàn, gò, vặn rồi tháo. Hỏi thì không nói. Bao giờ xong thì mang vào nhà xài thử. Thấy tốt tốt lại mang đi biếu người ta”.
Ông Tám Rô chia sẻ: “Tuổi già, mỗi người mỗi sở thích, không ai giống ai. Có người thích đi đó đây, dạo chơi, trò chuyện với người trang lứa, có người vui thú điền viên. Còn tui thì thích sáng chế. Đầu óc già không còn tốt, mình cần phải tạo ra việc làm để suy nghĩ. Như thế, trí óc mới được minh mẫn. Tôi yêu thích công việc này chứ không phải làm để bán, kinh doanh”.