Những con số đáng báo động
PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đưa ra những con số đáng báo động. Cả nước có 1,9 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng thấp còi 5.000 trẻ tử vong hàng năm do những nguyên nhân liên quan đến dinh dưỡng. Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi lên đến 24,6%, thể nhẹ cân là 14,1%.
“Nghèo đói và thiếu kiến thức là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em ở nước ta”, PGS Tuyên nói.
Tại Hà Nội, nghiên cứu mới đây trên hơn 3.000 học sinh tiểu học nội thành cho thấy, gánh nặng kép về vấn đề dinh dưỡng đã nghiêng hẳn về phía thừa dinh dưỡng với 23,4% học sinh bị thừa cân và 17,3% học sinh bị béo phì, so với 2,4% học sinh bị thấp còi và 2% học sinh bị gầy còm.
Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng cũng đang tồn tại phổ biến. Theo đó, cứ 4 trẻ dưới 5 tuổi thì có 1 trẻ bị thiếu máu. Có 43% trẻ em dưới 2 tuổi (tức là trong 1000 ngày vàng đầu đời) bị thiếu máu do đói nghèo. Tỷ lệ thiếu vitamin A, thiếu máu, thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu I-ốt, thiếu vitamin D và khẩu phần canxi thấp… ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ - giống nòi người Việt.
Đáng lo ngại là thiếu hụt vi chất dinh dưỡng ở giai đoạn đầu thường không biểu hiện rõ ràng, mà diễn ra âm thầm và không có các dấu hiệu để nhận biết. Với trẻ nhỏ, thiếu vi chất thì cơ thể trẻ vẫn tiếp tục tăng trưởng nên các phụ huynh dễ bỏ qua.
Trong khi đó, nguồn dự trữ các vi chất dinh dưỡng này trong cơ thể đang bị sử dụng dần, cho đến khi xảy ra tình trạng bệnh lý đặc hiệu thì thường đã là giai đoạn muộn.
Lãnh đạo Viện Dinh dưỡng cho rằng, trước đây, nhà nước đã có các chương trình muối I-ốt hay nước mắm pha sắt..., nhưng nay các chương trình này đã chấm dứt và các nguy cơ bệnh do thiếu các nguyên tố vi lượng này đang có nguy cơ quay trở lại. Phía bệnh viện hi vọng báo chí lên tiếng đồng hành để những chương trình nói trên được quay trở lại, mở ra trên diện rộng và toàn diện hơn.
Những sai lầm về dinh dưỡng
“Ở những gia đình khó khăn về kinh tế, trẻ thiếu cái ăn, cái mặc, còn ở những gia đình khá giả, bữa ăn của trẻ có thể thừa đạm, dinh dưỡng nhưng lại mất cân đối vi chất”, PGS.TS Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia nhấn mạnh.
Đáng lên án là các bà mẹ luôn có tư tưởng “nhồi” con ăn bằng mọi cách. Hậu quả là một số trẻ quen dạ, ăn quá nhiều và thích các món tinh bột, các món rán, thức ăn nhanh đã khiến cân nặng của trẻ không thể kiểm soát. “Bố mẹ chiều con, cho con ăn đồ chiên, rán quá nhiều, không tốt cho sức khỏe, sự phát triển của trẻ”, bà Mai nói.
Mặt khác, cũng theo Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, phần lớn người Việt ăn theo sở thích mà không tính toán về thành phần dinh dưỡng có hợp lý hay không. Ngay cả những gia đình kinh tế khá giả cũng rơi vào tình trạng “giàu món ăn nhưng nghèo dinh dưỡng”, khẩu phần ăn mất cân đối về chất lượng. Rất nhiều gia đình ở thành thị, trẻ thiếu chất dinh dưỡng, còi xương không phải vì thiếu ăn mà vì các bà mẹ thiếu kiến thức về việc nuôi dưỡng con cái.
Bà Mai dẫn chứng, mỡ gia cầm, gia súc, mỡ cá là một loại thực phẩm tốt, không thể thiếu trong mỗi gia đình. Các cụ ta thường nói “đẹp vàng son, ngon mật mỡ” nhưng chúng ta đang bỏ qua nó. Người dân đang sợ mỡ vì nghĩ nó ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trong khi đó, chất béo là nhóm chất hữu cơ giàu năng lượng nhất, mỗi gram khi đốt cháy sẽ giải phóng ra 9 Kcal. Vì thế, thức ăn giàu chất béo là nguồn năng lượng đậm đặc cần thiết cho người lao động nặng, cần thiết cho thời kỳ phục hồi dinh dưỡng đối với người ốm, cần thiết cho trẻ em là lứa tuổi có sức đồng hóa rất cao để sinh trưởng.
“Chất béo rất quan trọng, bởi chất béo cấu tạo 60% não và đó chính là chất để quyết định việc hình thành não và trí thông minh của mỗi người. Đặc biệt, bà bầu khi mang thai là lúc não của trẻ hình thành và phát triển. Ăn mỡ sẽ giúp những đứa trẻ thông minh hơn”, bà Lê Bạch Mai cho biết.
Tuy nhiên thực tế PGS Mai cho hay “rất ít bà bầu ăn mỡ, ai cũng sợ mỡ, nhất là mỡ cá, mỡ động vật”. Bà Mai từng ra chợ và thấy lạ người Việt rất sợ mỡ, thịt phải thịt nạc, cá mà béo là không mua. Mỗi nhà có đến 2-3 loại dầu ăn nhưng rất ít người có bát mỡ để ăn.
Cholesterol cũng là thành phần cấu trúc màng tế bào nói chung, đặc biệt là lớp vỏ myelin thần kinh đáy mắt để chống cận thị. Cholesterol là tiền chất tổng hợp axit mật trong gan tham gia vào quá trình nhũ tương hóa mỡ.
Đặc biệt, cholesterol là tiền chất tổng hợp nhiều chất xúc tác sinh học rất quan trọng của cơ thể như: vitamin D3 điều hòa sự phát triển bộ xương, các cortisol vỏ thượng thận điều hòa chuyển hóa đường, nước và muối khoáng, các hormone điều hòa hoạt động sinh sản.
Ngoài ra, cholesterol có vai trò liên kết để vô hiệu hóa các độc tố tan máu của thực vật, các độc tố tan máu của vi khuẩn, ký sinh trùng.
Tuy nhiên, sự dư thừa quá mức của cholesterol nhất là dạng cholesterol xấu sẽ gây tình trạng vữa xơ động mạch, một số khối u ác. Vì thế nên ăn mỡ đủ theo khuyến cáo ở trên.
Đáng chú ý, PGS.TS Lê Bạch Mai nhìn nhận, thực tế, còn rất nhiều bà mẹ trước khi sinh con, trước khi lập gia đình chưa được trang bị kiến thức về chăm sóc bà mẹ có thai, nuôi con bằng sữa mẹ, cho trẻ ăn bổ sung, theo dõi sự phát triển của trẻ... dẫn đến thực hành dinh dưỡng không đúng, chăm sóc con chưa đúng khoa học khiến trẻ suy dinh dưỡng...
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, giai đoạn vàng 1.000 ngày đầu đời của trẻ (từ khi người mẹ bắt đầu mang thai đến khi trẻ được 2 tuổi) là cơ hội duy nhất và quan trọng nhất để tạo nền tảng cho sức khỏe, sự tăng trưởng và phát triển não bộ tối ưu trong suốt cuộc đời của trẻ sau này.
Trong khi bộ não con người tiếp tục phát triển và thay đổi trong suốt cuộc đời, giai đoạn phát triển nhanh nhất của não là trong ba tháng cuối của thai kỳ và trong hai năm đầu tiên của trẻ.
Dinh dưỡng kém trong 1.000 ngày đầu tiên không chỉ ảnh hưởng đến cân nặng thai nhi, giảm khả năng làm việc của nhau thai, mà còn khiến trẻ bị suy dinh dưỡng khi chào đời, phát triển kém, nguy cơ cao mắc các bệnh mạn tính sau này, giảm năng suất lao động khi trưởng thành…
Vì vậy, PGS.TS Lê Bạch Mai khẳng định, muốn trẻ phát triển thể lực, trí tuệ thì vấn đề dinh dưỡng cần phải được quan tâm từ rất sớm, ngay từ khi trẻ còn trong bào thai, đừng chờ đến khi trẻ lớn, sẽ mất đi “cơ hội vàng” để trẻ phát triển toàn diện.
Chuyên gia dinh dưỡng này còn khuyến cáo tương tự như vậy đối với việc bảo đảm cho trẻ đủ các hàm lượng nguyên tố vi lượng như kẽm, sắt... từ hải sản, rau củ quả. Cần thay đổi quan niệm ăn tôm bóc vỏ ăn cá bỏ xương. Trẻ béo phì không những được liệt vào diện “đói dinh dưỡng” mà còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh mãn tính.