Dự án NPA (nhà tài trợ chính là Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy) tại Thừa Thiên - Huế hoạt động từ năm 2011, hiện gồm 2 đội khảo sát, rà phá, hủy nổ với 19 nhân viên, trong đó có 10 nữ. Ông Magnus Johansson – quản lý kỹ thuật hiện trường nhận xét về nhân viên nữ trong đội: “Các chị rất khỏe, làm việc rất hiệu quả và không thua gì nam giới. Các chị có thể cùng chung sức khiêng nhưng quả bom rất to mà không cần các anh phải trợ giúp”.
Sàng lọc, tập huấn khắt khe
Trước khi đến với nghề rà phá bom mìn, chị Nguyễn Thị Vân Ka (25 tuổi), người dân tộc Ca Tu ở xã Hồng Tiến (TX Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) chưa bao giờ đi đâu ra khỏi làng. Ka suốt ngày chỉ từ nhà lên rẫy, rồi từ rẫy về nhà. Tận đến ngày quyết định mua hồ sơ ứng tuyển, Ka vẫn còn “không biết về Huế phải đi đường mô?”.
Hôm đó, đang đi làm trên rẫy, có người bạn chạy xe ngang qua hỏi: “Ka ơi, hôm nay không đi nộp hồ sơ, sao còn lên rẫy?”. Ka hỏi ra, mới biết một số thanh niên trai tráng trong làng đi nộp đơn ứng tuyển vào đội rà phá bom mìn. Ka cũng muốn đi. Ka đang trên rẫy không mang theo tiền, lục khắp túi áo túi quần cũng không đủ 6 ngàn để mua hồ sơ. Ka phải mượn mẹ chồng 20 ngàn để về phố mua hồ sơ nộp. Nhưng cả đời chưa ra khỏi làng, Ka quýnh quáng không biết làm sao. Người bạn tốt bụng, liền chở giúp Ka đi nộp.
Chị Mùi Thị Lan (33 tuổi, quê ở xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) trước đây sinh sống ở Long Khánh (tỉnh Đồng Nai). Ngày gia đình chị dọn về Huế ở, cũng là ngày cuối cùng dự án rà nhận hồ sơ. Không có hộ khẩu, nên hồ sơ của chị Lan bị trả lại. Thấy chị cứ ngồi một góc “ăn vạ” mãi, một nhân viên không đành lòng, nên phá lệ, yêu cầu ngày hôm sau phải bổ sung đầy đủ giấy tờ gấp. Lan mừng húm, vì đã bước được một chân vào “vòng gửi xe”.
Sau khi nộp hồ sơ, sàng lọc hồ sơ, các ứng viên phải làm bài kiểm tra, trải qua thời gian tập huấn, sau đó các ứng viên tiếp tục qua vòng kiểm tra vô cùng khắt khe về sức khỏe, độ bền ý chí, kỹ năng công việc… Người nào không trụ được sẽ bị loại lần lượt qua các đợt. Chỉ những người xuất sắc nhất mới trụ lại, trở thành nhân viên của dự án.
Chị Đinh Thị Lâm (41 tuổi, ngụ xã Bình Thành, TX Hương Trà) vẫn còn nhớ như in lần kiểm tra thể lực đầu tiên. Hôm đó trời nắng chang chang. Địa điểm kiểm tra là ngọn đồi trọc không bóng cây che nắng. Nhiệt độ ngoài trời lúc đó phải trên 43 độ C. Các ứng viên vừa phát cỏ vừa leo dốc. Làm liên tục 50 phút, các ứng viên sẽ được nghỉ 10 phút. Làng của Lâm đi mấy chục người, nhưng “rụng” dần dần. Cuối cùng chỉ còn mình Lâm vượt qua thử thách. Đến nay, Lâm đã có thâm niên 4 năm theo nghề.
Cận cảnh “tử thần thời hậu chiến” |
Ở xã Bình Điền (TX Hương Trà) ứng tuyển 30 chị, nhưng “giơ tay đầu hàng” hết, chỉ có chị Trần Thị Yến (SN 1989) là trụ lại được. Yến kể, hôm kiểm tra thể lực cuối cùng, có hai chị rất cố gắng. Thế nhưng, cả hai lại ngất xỉu khi chỉ còn 10 phút nữa là hết thời gian kiểm tra. Có nhiều chị khi nộp hồ sơ thì hăng hái, nhưng qua quá trình tập huấn đều bỏ cuộc vì sợ gian khổ, sợ vắt, sợ rắn, và sợ bom mìn.
Các ứng viên đã “đạt chuẩn” thể lực và ý chí, sẽ được tập huấn kỹ lưỡng về quy trình, kỹ thuật rà phá bom mìn. Thế nhưng ngày đầu tiên đi làm, không ít chị cảm thấy sợ. Chị Ka chia sẻ: “Trong quá trình tập huấn, mình chỉ tiếp xúc với vỏ đạn. Bom đạn hay bom mìn trên hiện trường lại khác, là mối nguy hiểm thực sự. Chị em luôn bảo nhau cứ từ từ, cẩn thận làm đúng quy trình. Có gì không rõ, hỏi đội trưởng để được hỗ trợ. Nhìn bom đạn được lôi lên từ lòng đất, cứ thấy bỡ ngỡ, nhưng lòng vui vô cùng, bởi một nguy cơ chết chóc, một mầm họa được diệt trừ”.
Hi sinh âm thầm
Hôm chúng tôi đến thăm, hiện trường đội rà phá bom mìn đang làm việc là cánh rừng tràm tại thôn Hiền An, xã Phong Xuân, huyện Phong Điền. 12h trưa, nắng như đổ lửa trên đầu nhưng các chị vẫn cặm cụi bên những chiếc máy dò cạn, dò sâu, bên những hố đất mà phía dưới là đạn, mìn đủ loại. Mỗi lúc rà tìm được bom mìn, đôi mắt họ lại ánh lên hạnh phúc. Chị Ka cho biết, tất cả nhân viên của các đội, dù ở đâu thì mỗi ngày cũng phải có mặt tại nhà hoạt động của dự án ở đường Minh Mạng (thuộc xã Thủy Bằng, TX Hương Thủy) lúc 6h sáng để chuẩn bị dụng cụ và cùng đồng đội xuất phát đến địa điểm rà bom mìn.
Mỗi sáng, Ka ra khỏi nhà từ lúc 3 – 4h sáng, vượt quãng đường hơn 30km đường rừng núi, đèo dốc, ngoằn ngoèo tối thui mà không hề run sợ. Nhiều chị khác cũng vậy, đều phải đi quãng đường vài chục km khi trời còn chưa kịp sáng.
Chị Lâm tâm sự, công việc bắt buộc tính kỷ luật cao, đã lựa chọn thì phải làm cho thật tốt, dù phụ nữ phải quán xuyến đủ thứ chuyện trong nhà. Cũng may chồng chị Lâm là người tâm lý, đỡ đần chị rất nhiều công việc nhà khi có thời gian rỗi. Chị Ka thì kể, hồi con mới được 3 tháng rưỡi, Ka phải đi địa bàn A Lưới, phải ở lại suốt 1 tuần để xử lý bom mìn theo tin báo từ đường dây nóng. “Mẹ thì cương sữa đau nhức, phải vắt bỏ, trong lúc con ở nhà uống sữa ngoài bị tiêu chảy. Mẹ khóc, con khóc. Nhưng cả hai mẹ con đều cố gắng để vượt qua”.
Chị Trần Thị Yến cũng vui vẻ chia sẻ những “pha gay cấn” của mình. Năm đó, Yến mặc đồng phục chuẩn bị đi làm, thì lên cơn đau bụng. Cả nhà vội vã đưa Yến vào bệnh viện. Cái thai lúc đó mới 7 tháng tuổi. Nhưng em bé chẳng chịu ở lâu trong bụng mẹ, mà nhất quyết đòi chào đời sớm hơn 2 tháng. Bác sĩ phải mổ cấp cứu.
“Con ra đời nặng chỉ 2,3 kg nên nuôi rất vất vả. Hàng ngày, chưa đến 5h sáng, em đã bồng đứa lớn 4 tuổi đang ngủ gà ngủ gật sang gửi ngoại, bồng đứa út 1 tuổi đến nhà đứa em ruột gửi. Hai chân chạy vấp nhau. Chồng em làm công nhân cạo mủ cao su, ra khỏi nhà lúc 11h đêm và về đến nhà lúc 7h sáng hôm sau. Vợ chồng cứ như “Ngưu Lang Chức Nữ”. Dù có khó khăn trong việc chăm sóc con cái, nhưng vợ chồng bảo ban nhau, nên chị yên tâm làm tốt công tác “chiến trường”.
Cuộc sống hồi sinh trên vùng đất một thời đầy rẫy bom mìn |
Mất mát và tự hào
So với các đồng nghiệp khác, chị Duyên lại có hoàn cảnh nhất. Chị Duyên năm nay 39 tuổi. Chồng mất nhiều năm nay, để lại cho chị một đứa con gái năm nay 13 tuổi. Nhà ở xã Bình Thành (TX Hương Trà) nên sáng nào chị cũng phải dậy từ rất sớm để chuẩn bị đến điểm tập kết. Hồi bà ngoại còn, mọi việc trong ngoài, kể cả chăm sóc con cái, đều nhờ cả vào tay người mẹ già nua của mình. Hơn một năm qua, mẹ chị mất, hai mẹ con chị chật vật hơn. Sáng sớm đi làm, chiều muộn mới trở về, nhiều lúc con gái ở nhà một mình cũng khiến chị lo lắng, bồn chồn trong dạ.
Ngày trước, chị Duyên cũng làm nghề rừng, nghề rẫy. Việc phát cỏ, chặt cây, leo dốc leo đồi đối với chị chẳng có gì khó khăn. Dù gian nan vất vả thật, nhưng sức chị có thể chịu đựng, vượt qua. “Nhưng làm rừng, làm rẫy không có bom có đạn. Lúc đầu nộp đơn, tham gia, người thân ai cũng cản, bảo “bom đạn rứa mà không sợ à?”. Sợ chứ. Nhưng trải qua quá trình huấn luyện thì không sợ nữa. Chỉ cần làm đúng quy trình, thị độ an toàn luôn được đảm bảo”, chị Duyên chia sẻ.
Đến với nghề rà phá bom mìn, đâu phải mỗi chị Duyên bị gia đình ngăn cản. Nhiều chị em khác đều được người thân hỏi những câu y chang, kiểu như “bom đạn không có mắt, con không sợ à?”, hay “phụ nữ mà làm chi cái nghề nguy hiểm rứa?”. Vậy nên, mỗi sáng bước ra khỏi nhà đi làm, mẹ, chồng các chị đều dặn dò vợ, con phải cẩn trọng từng ly từng tí trong công việc. Những lời căn dặn đầy quan tâm yêu thương đó, là hành trang theo các chị ra “chiến trường” mỗi ngày.
Dẫu vậy, dù cẩn thận đến đâu, thì bom đạn cũng không có mắt. Công việc rà phá bom mìn được thực hiện theo quy trình hoạt động chuẩn SOP của quốc tế, luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu. Vậy nhưng năm ngoái, một người đội trưởng đội rà phá bom mìn ở tỉnh Quảng Trị đã thiệt mạng khi gặp phải quả đạn với cơ chế hẹn giờ đặc biệt phát nổ trong lúc anh chuẩn bị đưa nó lên mặt đất. Tin đồng nghiệp gặp nạn khiến ai cũng sốc. Nhưng sau nỗi bàng hoàng, họ càng xốc lại bản thân, giữ kỷ luật cao hơn. “Thương tiếc đồng nghiệp, chúng tôi càng tự dặn bản thân mình phải tuân thủ nghiêm khắc quy trình, kỹ thuật trong lúc làm việc”, chị Lành nói.
Nắng chiều chênh chếch trên đầu, xuyên qua những tán tràm rọi xuống đất thành những vòng hoa đủ muôn dạng. Nhìn cánh rừng bát ngát trải dài tít tắp đã được xử lý sạch sẽ bom đạn, các chị nở nụ cười sáng lạng. Người dân lên rẫy không còn nguy cơ, trẻ em chăn trâu trên đồng không sợ bom bất chợt phát nổ. Cứ nghĩ đến những nguy cơ chết chóc ấy đã và sẽ tiếp tục được dẹp bỏ bằng công việc đầy ý nghĩa của mình, các chị càng thấy tự hào với công việc mình đang theo đuổi.