Người Việt vẫn có câu “cá chuối đắm đuối vì con” hay “hổ dữ không ăn thịt con” để ví tình thương của cha mẹ với con cái là điều thiêng liêng nhất của tạo hóa. Thế nhưng, một số người làm cha, làm mẹ lại đang tâm sát hại chính đứa con mình dứt ruột đẻ ra.
Những cái chết tức tưởi
Khoảng 23 giờ ngày 21/5/2020, Nguyễn Văn Phiên về phòng trọ của mình tại thôn An Thạnh (xã Điện Thắng Nam, TX Điện Bàn, Quảng Nam) trong tình trạng đã sử dụng rượu, bia. Lúc này, Phiên dùng tay, chân đánh vợ là chị N.T.H.V (19 tuổi, ở thôn Phong Lục Tây, xã Điện Thắng Nam) và con trai ruột là cháu N.B.B (7 tháng tuổi).
Sau khi bị Phiên đánh, thấy cháu B. tím tái, chị V đưa con đi cấp cứu tại bệnh viện. Tuy nhiên, do tổn thương quá nặng nên đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, cháu B đã tử vong. Hiện Công an TX Điện Bàn (Quảng Nam) đang tạm giữ hình sự Nguyễn Văn Phiên (23 tuổi, ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) để điều tra về tội “Giết người”.
Vụ án mẹ đẻ và bố dượng hành hạ đến chết bé M (4 tuổi, ở Hà Nội) mới đây đang gây rúng động dư luận cả nước. Người người kinh hoàng và phẫn nộ, bởi tính chất tàn ác của một cặp bố mẹ với con mình đã vượt ra ngoài sự tưởng tượng của cộng đồng. Tại cơ quan điều tra, cặp vợ chồng hờ Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan Anh (Hà Nội) khai nhận, từ đầu tháng 3/2020, các đối tượng này thường xuyên đánh đập, hành hạ cháu M - con ruột của Lan Anh.
Đáng chú ý, từ 8g đến 23g ngày 29/3, mẹ đẻ và bố dượng của cháu M đã không cho cháu ăn uống, dùng chân, tay và cán chổi bằng kim loại đánh liên tiếp vào người cháu M… Đến 8g30 ngày 30/3, thấy cháu M mệt, Lan Anh cho uống sữa nhưng cháu M nôn và ngất. Trước tình trạng trên, Lan Anh đưa cháu M đến Bệnh viện Đại học Y cấp cứu, nhưng chưa đến được bệnh viện thì cháu M đã tử vong…
Cuộc sống gia đình không hạnh phúc, Đ.H.P (tỉnh Gia Lai) ly hôn vợ vào năm 2016. Từ đó P mang phận “gà trống nuôi con” khi một mình nuôi ba đứa con nhỏ. P là người ít học, tính tình lại cộc cằn và thường hay nóng nảy. Vào khoảng 6h30 ngày 20/5/2019, thấy con gái 9 tuổi lấy tiền tiêu vặt, P đã lấy cán chổi đánh vào người và tiếp tục dùng tay tát mạnh vào mặt, dùng chân đạp nhiều cái vào đầu con gái khiến cháu A. ngã đập xuống nền nhà dẫn đến chảy máu miệng.
Đến khoảng 10h40 cùng ngày, bứt rứt trong người, P đi vào phòng ngủ xem con gái thế nào thì thấy người con tím tái, hơi thở yếu nên mới tá hỏa gọi hàng xóm cùng đưa con đi cấp cứu tại trung tâm y tế huyện. Nhưng lúc này đã quá muộn, cháu A. đã chết tức tưởi do đa chấn thương dưới đòn roi của bố.
Mới đây, tháng 8/2019, chị Phan Thị H, sinh năm 1984 tố cáo về sự việc con trai của chị là cháu Nguyễn Đăng Kh (SN 2007) bị chồng cũ và dì ghẻ bạo hành dã man suốt nhiều năm trời. Trong một lần chị H cho con trai đi bơi thì bất ngờ phát hiện nhiều vết sẹo chi chít trên thân thể cháu.
Khi về tới nhà, chị gặng hỏi thì cháu Kh tỏ ra vô cùng sợ sệt, khóc nức nở và kể lại tường tận quá trình cháu bị bố đẻ và dì ghẻ bạo hành dã man trong suốt nhiều năm trời. Quá bức xúc trước vụ việc trên, chị H đã gửi đơn trình báo tới Công an phường Thanh Miếu, Công an TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ để làm rõ sự việc.
Vào khoảng 19h30 ngày 13/6/2019, tại khu vực nhà trọ trên đường Cách Mạng Tháng 8, phường 3, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, Đội Cứu nạn giao thông Tây Ninh nhận được tin báo về việc một bé trai bị nhốt ở phòng trọ trong tình trạng hoảng loạn, người có vết thương.
Ngay lập tức, lực lượng chức năng đã có mặt tại nhà trọ trên để giải cứu cháu bé và đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh kiểm tra. Kết quả, hai bên bụng của bé trai có hai mảng bầm xanh tím, lưng cũng xuất hiện các vết bầm, cánh tay, các ngón tay cũng bị sưng to, tím đen. Tại cơ quan chức năng, mẹ của cháu bé thừa nhận việc cùng người tên Ph. là người đồng tính thường xuyên bạo hành con trai bằng tay chân, cán chổi…
Năm 2017, dư luận xôn xao vụ cháu bé 10 tuổi bị bố cùng dì ghẻ bạo hành dã man. Cháu là Trần Gia K (10 tuổi). Sự việc được phát hiện khi cháu bỏ trốn về nhà ông bà nội ở ngõ 55 đường Hoàng Hoa Thám, phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội để cầu cứu. Theo lời kể của cháu K cháu không được đi học, thường xuyên phải làm việc nhà và hay bị đánh đập trong gần 2 năm.
Thấy cháu nội với nhiều thương tích trên người, người thân đã trình báo sự việc với cơ quan chức năng, đồng thời đi kiểm tra sức khỏe và tâm lý cho cháu K. Qua kiểm tra sức khỏe ban đầu, trên cơ thể cháu K có nhiều vết thương, xương sườn bị gãy và trên đầu bị rạn sọ não.
Cơ quan công an đã bắt giam 2 đối tượng Trần Hoài Nam (sinh năm 1983, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) - bố ruột của Gia K. và Phạm Thị Tú Trinh (sinh năm 1983, là vợ hai của Nam) về tội “Hành hạ con” và “Cố ý gây thương tích” để điều tra.
Bức bối những vụ xâm hại bạo lực trẻ em
Ngày 27/4/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” theo Nghị quyết số 81/2019/QH14 ngày 14/6/2019 của Quốc hội. Báo cáo sẽ được Quốc hội thảo luận, ra Nghị quyết vào Kỳ họp thứ 9 tới đây. Theo báo cáo, gia đình vốn được xem là môi trường an toàn nhất với trẻ em, song vừa qua xảy ra nhiều vụ xâm hại trẻ em ngay tại gia đình.
Nhiều địa phương, trẻ em bị xâm hại bởi chính người ruột thịt, người thân thích chiếm tỉ lệ cao. Theo thống kê của tổng đài 111, trong tổng số các cuộc gọi đến, số vụ bạo lực trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65,88%.
Những sự việc bạo hành con liên tiếp xảy ra đã gióng lên hồi chuông về một hiện tượng đáng lo ngại. TS. Tâm lý Vũ Thu Hương cho hay, một số người làm cha, làm mẹ cho rằng, con là “tài sản” của riêng mình, mình sinh ra nên có quyền dạy bảo, người ngoài không được can thiệp. Và họ mặc nhiên nghĩ mình thích đối xử với con cái thế nào cũng được.
Thực tế, việc giáo dục bằng cách sử dụng bạo lực là phương pháp đã không còn phù hợp với thời hiện đại ngày nay và tuyệt nhiên không nên cổ xúy cho hành vi đó. Các chuyên gia giáo dục cho rằng dạy con cái bằng đòn roi không đúng cách sẽ dẫn đến những tác hại khôn lường như: Khiến trẻ hung hăng, cục súc hơn; trẻ gia tăng hành vi sai trái; ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần và làm trẻ suy giảm khả năng nhận thức...
Việc chửi bới, đánh đập trẻ dẫn tới tinh thần trẻ hoảng loạn, thể xác bị thương tích, thậm chí bị tử vong, đó là sự suy thoái đạo đức, sự vô cảm, tàn nhẫn của một số cha mẹ với con của mình. Nó phá vỡ tình cảm thiêng liêng của bố mẹ với con cái, khiến bao người chỉ vì bực tức cá nhân mà đang tâm hành hạ những đứa con ruột của mình.
Trong những vụ án đau lòng, mỗi một vụ việc đều có những nguyên nhân khác nhau. Thường bạo hành trẻ hay xảy ra ở những trường hợp bố mẹ không thể chung sống, họ ly hôn, ngay sau đó lấy người mới, đứa trẻ ở cùng bị hành hạ. Có những ông bố, bà mẹ, vì cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc quay sang đánh đập con hoặc gia đình bất hòa về tình cảm, công việc, tiền bạc sau đó những người làm cha, làm mẹ đã dồn bức xúc lên con trẻ. Rồi đạo đức, lối sống buông thả…
Để hạn chế bớt sự việc như trên xảy ra thì cần ngăn chặn vấn đề từ gốc đó là thúc đẩy việc mở lớp học kỹ năng sống, lớp học tiền hôn nhân, truyền đạt các kỹ năng giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc, quan tâm của cộng đồng dân cư và các cơ quan, đoàn thể ở địa phương trong việc phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng bạo lực gia đình.
Cha mẹ đánh đập con có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015, nếu cha mẹ đánh đập con cái có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội “Hành hạ người khác” (Điều 140), với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam; hoặc tội “Ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình” (Điều 185), với khung hình phạt cao nhất là 5 năm tù giam. Ngoài ra, nếu vì bị đối xử tàn ác, thường xuyên ức hiếp, ngược đãi... làm con cái tự sát thì cha mẹ có thể bị phạt đến 12 năm tù do tội “Bức tử” quy định tại Điều 130 của Luật này.
Nếu người sát hại cháu bé là mẹ đẻ, bố đẻ, bố dượng hay mẹ kế thì những người này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người” theo Điều 123 Bộ luật Hình sự với nhiều tình tiết định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Giết người dưới 16 tuổi, giết người mà mình có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, có tính chất côn đồ hoặc vì động cơ đê hèn...
Bởi theo quy định của Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình thì cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con cái mình đến khi trưởng thành. Trong trường hợp ly hôn và tái hôn thì cha dượng, mẹ kế cũng có nghĩa vụ phải bảo vệ, chăm sóc, giáo dục con riêng của chồng, của vợ mình đến khi trưởng thành.
Trường hợp không bảo vệ, chăm sóc con cái mà còn đánh đập, hành hạ là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, hình phạt sẽ nghiêm khắc hơn... Mẹ đẻ, bố đẻ, mẹ kế, cha dượng phải đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.