Bình yên chốn từ bi
Cách đây hơn nghìn năm, trẻ em thôn (Yên Xá, xã Phan Đình Phùng, Hưng Yên) thường ra khu đất cánh đồng để chăn trâu, chơi trận giả và đặc biệt hay cùng nhau nặn đất hình tượng Phật. Một lần, vua Đinh Tiên Hoàng qua đây thấy cảnh làng quê, yên bình, trẻ em ngộ nghĩnh liền ngự lại một vài ngày. Một đêm, Ngài mơ thấy Phật Quan Âm bế bồng trẻ nhỏ. Như điềm báo sự linh thiêng, Ngài đã xây dựng ngôi chùa ở đây đặt tên là chùa Mục Đồng (chùa Trẻ nhỏ- chùa Cầu con). Sau khi xây dựng ngôi chùa, bà con trong làng rất phấn khởi thường ra thắp hương khấn vái. Nhiều gia đình trong làng ngoài tỉnh khắp nơi về đây cầu tự (cầu con). Đặc biệt, ba vị Thành hoàng làng của 3 làng chính là những người được bố mẹ cầu tự tại chùa Mục Đồng.
Trẻ nô đùa nơi cửa Phật. |
Theo các vị cao niên ở làng, xưa kia, có đôi vợ chồng ở Kinh thành sống với nhau mãi không có con đã về ngôi chùa Mục Đồng cầu tự. Thời gian sau, vợ chồng vui mừng khôn siết khi có tin vui. Ba người con trai khôi ngôi, tuấn tú lần lượt ra đời. Lớn lên, ba người con ấy thông minh hơn người, văn võ song toàn. Khi Bà Trưng khởi quân đánh giặc ngoại xâm, ba ông đã xung phong ra trận, đã cùng bắt sống được Tô Định. Trước chiến công ấy, Bà Trưng đã phong tướng cho ba ông. Ba vị tướng đã về ngôi chùa Mục Đồng để lễ tạ chùa và khao làng. Đêm hôm đó, ba ông đã hóa về trời. Để tưởng nhớ công lao của ba vị tướng, dân ba làng: làng Da, làng Dìa, làng Dồi tôn ba vị là ba vị Thành Hoàng làng.
Trải qua hơn nghìn năm, thời gian và chiến tranh đã tàn phá ngôi chùa Mục Đồng tới ba lần. Cuối năm 2017, một lần đi qua ngôi chùa Mục Đồng, thấy ngôi chùa đổ nát, còn ít tàn dư của ngôi chùa cũ, không điện, không nước, cách xa nhà dân 2 km, chỉ có một con đường độc đạo nhỏ hẹp, lầy lội bùn đất vào chùa, Đại đức Thích Nguyên Bình – Trụ trì chùa Thiên Hương (cách chùa Mục Đồng 10km) đã phát nguyện sẽ cố gắng dùng sức lực và kêu gọi tịch tài, thiện nguyện của những tấm lòng từ bi để xây chùa. Sau hơn một năm, ngôi chùa bình dị, nhỏ xinh, mái lớp tôn màu đỏ, đã dần được hoàn thiện.
Trong cái nắng gay gắt, oi nồng giữa trưa đầu mùa hạ, Đại đức Thích Nguyên Bình cùng trưởng thôn Yên Xá và một số thành viên CLB thiện nguyện chùa Mục Đồng hì hụi lấp đất, ủi đá để san phẳng con đường vào chùa. Quệt những giọt mồ hôi, Đại đức Thích Nguyên Bình phấn khởi: “Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, chúng tôi sẽ có con đường rộng, ô tô có thể đi vào tận cửa chùa”.
Chùa Mục Đồng vẫn đang hoàn thiện xây dựng, cơ sở vật chất vẫn thiếu thốn nên Đại đức Thích Nguyên Bình đã cưu mang các bà bầu khó khăn và nuôi dạy trẻ bị bỏ rơi tại chùa Thiên Hương (thôn Dương Xá, xã Dương Quang, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên) - nơi Đại đức Thích Nguyên Bình trụ trì. Hiện chùa Thiên Hương đang chăm sóc hàng chục trẻ mồ côi và bà bầu khó khăn. Theo Đại Đức, chùa cưu mang, lo nơi ăn, chốn ở cho các bà bầu khó khăn. Sau khi sinh con, nhà chùa khuyến khích, động viên các mẹ tìm mọi cách để nuôi con. Bởi không có đứa trẻ nào muốn xa vòng tay của người mẹ. Nhưng nếu những bà mẹ ấy không thể có điều kiện nuôi con, nhà chùa sẽ nuôi nấng, chăm sóc, dạy dỗ nên người. Để lo kinh tế cưu mang những bà bầu khó khăn và chăm sóc hàng chục trẻ bị bỏ rơi là việc không hề dễ dàng gì với ngôi chùa làng nhỏ bé.
Giữa mảnh sân rộng, tiếng trẻ bi bô tập nói, tiếng trẻ nô đùa rộn ràng sân chùa. Đại đức và CLB Thiện nguyện vẫn cấy lúa, trồng hoa màu và đón nhận tịnh tài của những tấm lòng thiện nguyện mới có thể xoay sở, đắp đổi qua ngày. Bé T. A, 5 tháng tuổi ngủ ngon lành trong vòng tay của Đại đức. Đại đức hân hoan kể, bé T. A bị mẹ bỏ rơi tại góc đường khi mới lọt lòng. Có người dân tốt bụng đã bế bé vào chùa. Vì bị bỏ đói và bị lạnh, bé bị viêm phổi. Lập tức, nhà chùa đã đưa đến bệnh viện chữa trị. Sau một thời gian, bé T.A đã bình phục và lên cân. Chăm sóc những đứa trẻ khỏe mạnh là niềm vui khôn tả của Đại đức và các vãi trong chùa.
Mái nhà chung có tiếng chuông chùa
Chùa Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh) được thiết kế không ngăn tường, không nóc, không cửa. Kiến trúc đặc biệt của chùa dựa trên quan niệm của Phật giáo, tượng trưng cho 9 phương trời, 10 phương Phật, không ngăn cách, không giới hạn. Ngôi chùa được hình thành từ năm 1926. Tổng thể ngôi chùa gồm 18 ngọn núi được mô phỏng theo 5 non 7 núi (Ngũ hành Sơn và Thất Sơn), 4 thác nước, 11 hang động.
Ngôi chùa là nơi trú ngụ của hàng trăm trẻ mồ côi. Trẻ nhỏ được nuôi tại chùa, cho đi học; lớn hơn chút nữa được gửi đi tu tập ở tu viện trong tỉnh hoặc tỉnh bạn. Sư cô Minh Tâm chia sẻ: “Mỗi năm, nhà chùa đều nhận nuôi thêm số trẻ mồ côi, bị bỏ rơi. Nhìn những đứa trẻ mồ côi, bị bỏ rơi còn đỏ hỏn đặt trước cổng chùa, nỡ lòng nào quay mặt đi. Khi được hỏi: “Chăm các bé, nhất là khi các bé đau ốm liên miên, có khi nào các sư có nản không?”, sư cô Minh Tâm nhẹ lắc đầu: “Không đâu. Nói như nhà Phật tất cả đều bắt đầu từ chữ duyên. Có duyên thì mới gặp được nhau. Mình đã phát tâm thiện nguyện thì mọi khó khăn đều vượt qua được. Mình cứ nuôi lớn, cho các cháu đi học Phật pháp. Nếu cháu nào có duyên với Phật thì sẽ ở lại kế nghiệp chuyên tâm tu tập, còn không thì cho hoàn tục theo sở nguyện”.
Đại đức Thích Nguyên Bình hạnh phúc khi thấy trẻ lớn khôn từng ngày. |
Chùa Hải Sơn ở thôn Lệ Uyên (xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) được biết đến là nơi cưu mang nhiều trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi từ lúc mới chào đời. Ở nơi này, các cháu được lớn lên trong tình yêu thương, sự chăm sóc của các sư cô, được học hành như bao đứa trẻ khác. “Chùa nuôi dưỡng gần 50 trẻ bị bỏ rơi, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nơi đây, các con được lớn lên trong tình yêu thương, nâng đỡ, dìu dắt của các sư cô và chính bản thân các con luôn biết nương tựa, đoàn kết với nhau như gia đình ruột thịt”, sư cô Thích Nữ Minh Chơn - Trụ trì chùa Hải Sơn cho biết.
Chùa Long Hoa (quận 7, Hồ Chí Minh) được thành lập năm 1902, do các tín đồ phật tử tại địa phương xây dựng, chùa theo hệ phái Bắc tông. Chùa có diện tích khuôn viên khá rộng, kiến trúc chùa xây dựng theo kiểu chùa cổ miền Bắc khá khang trang kiên cố nhưng vẫn giữ được nét nghệ thuật chùa cổ. Hiện chùa có nhà tình thương nơi hàng trăm em nhỏ mồ côi, cơ nhở sinh sống và học tập. Với mục tiêu giáo dục văn hóa và đạo đức, giáo dục nghề nghiệp, chăm lo đời sống và chăm sóc sức khỏe của trẻ, chùa Long Hoa thường tạo điều kiện cho trẻ học tập ở các bậc cao đẳng, đại học tại các trường trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, tại đây còn có một thư viện do Singapore tài trợ để phục vụ cho việc học tập của các em. Hiện trong chùa có hơn 100 bé trai đang nương tựa, học tập, sinh hoạt tại chùa. Vì khuôn viên chùa khá rộng nên ngoài giờ học các em còn được vui chơi, thể thao rèn luyện thể chất rất tốt.
Với phương châm tốt đời đẹp đạo, những ngôi chùa đặc biệt luôn tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các trẻ em bị bỏ rơi, không nơi nương tựa, nhằm góp phần cùng Nhà nước làm tốt công tác từ thiện, tạo điều kiện cho các em ổn định đời sống trong sự yêu thương, chăm sóc thể chất và tinh thần.
Các trụ trì, sư thầy, sư cô, các vãi…luôn nghĩ đến việc cuộc sống tự lập của các cháu sau này khi rời khỏi chùa nên việc giáo dục kiến thức, đạo đức cho các cháu, nhằm hình thành nhân cách tốt của một công dân là mục tiêu hàng đầu. Các cháu được tiếp cận kiến thức phổ thông của nền giáo dục có hệ thống, khoa học sớm nhất. Bởi nếu không có kiến thức thì dù nuôi dưỡng đến mấy, sau này các cháu cũng không thể có một tương lai tươi sáng hơn được. Vì thế, các sư cô thường dạy cho các cháu câu: “Duy tuệ thị nghiệp”, tức là duy trì trí tuệ để cố một sự nghiệp tốt đẹp. Ở đây, các cháu còn được trang bị sách, báo, tạp chí, ti vi để đáp ứng nhu cầu giải trí và thông tin. Vào các dịp lễ lớn, nhà chùa còn tổ chức chương trình lễ hội, giao lưu với phương châm “an vui - tiết kiệm - hữu ích”.
Ngoài ra, những chương trình ngoại khóa cũng được các sư cô tổ chức với mong muốn cho các cháu gần gũi, biết chia sẻ cùng nhau và có cơ hội hòa nhập với xã hội, để đáp ứng đầy đủ nhất quyền lợi của các cháu một cách bình đẳng như mọi trẻ em khác. Các hoạt động này luôn có sự đồng hành, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng.
“Các cháu ở đây luôn khát vọng tình yêu thương, sự quan tâm giúp đỡ từ những trái tim nhân hậu của tất cả mọi người, có như vậy các cháu mới không bị bao vây bởi những mặc cảm, tự ti. Tôi tin rằng, mai này chính các cháu sẽ là những người biết yêu thương, chia sẻ đến với tất cả những cuộc đời kém may mắn trong xã hội”, sư cô Minh Chơn chia sẻ.
… Tiếng chuông chùa vẳng vẳng cùng tiếng trẻ em cười đùa, chộn rộn trong sân chùa khiến các phật tử thấy yên bình.