“Con sâu làm rầu nồi canh”
Sau một thời gian dài cả nước không có ca nhiễm Covid-19 thì đến ngày 27/01 dịch bệnh đã bùng phát trở lại. Từ đó đến nay, cả nước đã có thêm 803 bệnh nhân dương tính với Covid-19 trên 13 tỉnh, thành phố và có gần 107.000 người đang được cách ly y tế tại các điểm cách ly tập trung và cách ly tại nhà. Trong đó, Hải Dương là tỉnh có nhiều ca nhiễm bệnh nhất với hơn 600 ca nhiễm, trở thành tâm dịch lớn nhất cả nước.
Trước những diễn biến phức tạp và vô cùng nguy hiểm của dịch bệnh, nhiều tỉnh, thành phố đã đưa ra những biện pháp nhằm hạn chế lây lan và kiểm soát tình hình một cách triệt để nhất. Trong đó đã có tỉnh Hải Dương, thành phố Hải Phòng thực hiện lệnh giãn cách toàn tỉnh, toàn thành phố.
TP HCM cũng đã giãn cách xã hội ở một số khu vực có dịch bệnh trên địa bàn. Bên cạnh đó, một số nơi như Hà Nội, Sơn La, Hưng Yên,… thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh như cho học sinh các cấp nghỉ học, yêu cầu đóng cửa quán ăn, cà phê, trà đá hè phố, karaoke, vũ trường, quán bar,… Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc khai báo y tế, cách ly tại nhà đối với những người dân từ vùng dịch.
Đến thời điểm hiện tại dịch bệnh ở một số nơi đã kiểm soát được, 11/13 tỉnh có dịch đã không ghi nhận thêm ca bệnh mới. Để đạt được kết quả như vậy là sự chung tay góp sức, nỗ lực của các ban ngành và nhân dân cả nước. Chính sự tự giác, nghiêm túc chấp hành chỉ thị của từng cá nhân dù là nhỏ bé nhưng lại giúp sức to lớn trong công tác phòng chống dịch bệnh thế kỷ này.
Vậy nhưng, điều đáng buồn là không phải cá nhân nào cũng hiểu trọng trách mà mình đang mang trên người. Khi mà cả nước đang “gồng gánh” đại dịch, chỉ cần một người vô ý thức cũng có thể kéo theo hậu quả cho cả nghìn người.
Trong công cuộc phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam suốt hơn 1 năm qua, có những trường hợp chỉ vì thiếu ý thức mà gây nên hậu quả khôn lường. Thật đáng tiếc khi những “con sâu làm rầu nồi canh” lại xuất hiện ở khắp nơi, gây khó khăn cho công tác phòng dịch của cả nước.
Điển hình trong đó phải kể đến trường hợp bà N.T.T (SN 1969, Hải Dương), vào ngày 15/2, công an TP Hải Dương đã ghi nhận trường hợp bà N.T.T nhiễm Covid-19. Từ kết quả truy vết, cơ quan chức năng đã ghi nhận thêm 3 ca bệnh liên quan đến yếu tố dịch tễ của bà N.T.T gồm: chồng, con và người giúp việc.
Đặc biệt trong quá trình truy vết cơ quan chức năng đã gặp nhiều khó khăn do bà N.T.T không thành thật nên việc xác định nguồn lây có lúc tưởng như mất dấu. Căn cứ cứ tài liệu thu thập được xác định, khoảng thời gian từ 01/2- 15/2, bà T đã không khai báo y tế và thực hiện các biện pháp chống dịch. Chính sự chủ quan, không hợp tác của bà N.T.T đã làm lây lan dịch bệnh, làm khu vực cư trú của những người nói trên bị phong tỏa, cách ly gây thiệt hại kinh tế, hoang mang trong nhân dân.
Không chỉ có vậy, những thông tin, tít báo liên quan đến vấn đề ý thức của người dân, chống dịch hời hợt xuất hiện ngày càng nhiều. Ví dụ như: “Hai thiếu niên 14-15 tuổi cư trú tại Hải Dương và Hà Nội vào Thanh Hoá thăm bạn gái, bỏ trốn khi bị đưa đi cách ly”, “Yên Bái: Nữ công nhân trở về từ vùng dịch Cẩm Giàng nhưng khai ở Hưng Yên”,… Vẫn còn những trường hợp không thành thật, khai báo gian dối, trốn cách ly,… diễn ra mỗi ngày bởi những người vô ý thức!
Và còn cả những người đặt tiền bạc, lợi ích bản thân lên trên sự an toàn của đất nước và nhân dân. Đó là những trường hợp dù thành phố đã có chỉ thị không mở cửa các hàng quán cafe, hàng ăn, trà đá,… Nhưng những người chủ cửa hàng vẫn bất chấp không thực hiện theo, chỉ vì kiếm vài đồng bạc mà sẵn sàng đánh đổi sức khoẻ của bản thân và những người xung quanh.
Ảnh vẽ về ý thức phòng chống dịch bệnh. |
Các cửa hàng ngoài mặt thì đóng cửa hay treo biển chỉ bán mang về, nhưng bên trong khách vẫn ngồi kín chỗ. Họ che giấu bằng cách kéo cửa xuống, đóng hết rèm cửa, cho khách ngồi tầng 2,… Đến khi bị phát hiện thì viện hết lý do này đến lý do khác để chối bỏ trách nhiệm như: “Không có, không có bán hàng đấy là họ hàng từ quê lên chơi đấy” và muôn vàn lý do khác.
Mặc dù những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” này thực chất xuất hiện không quá nhiều, nhưng đặt vào hoàn cảnh nước ta bây giờ với đại dịch Covid-19 rất dễ lây lan thì chỉ một “con sâu” thôi cũng có gây ra hậu quả lớn, phá bỏ công sức của cả nước thời gian vừa qua.
Sự trừng trị của pháp luật
Người trốn khỏi khu cách ly, kẻ lại không thành thật khi khai báo y tế đã khiến cho bao công sức cố gắng, nỗ lực đẩy lùi dịch Covid-19 phải đối diện với nguy cơ đổ bể. Theo dõi thông tin ấy, cả xã hội không khỏi lo lắng và tức giận. Và đương nhiên, những người thực hiện hành vi trên đều bị pháp luật trừng trị một cách thích đáng.
Trở lại trường hợp của bà N.T.T nói trên, sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự, Công an TP Hải Dương đã khởi tố vụ án “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” vào chiều ngày 22/2. Hiện vụ việc đang được tiếp tục làm rõ. Nhưng có thể tin chắc rằng, bà N.T.T sẽ bị pháp luật xử phạt thích đáng với những gì đã gây ra.
Cũng đã có nhiều trường hợp trước đó người dân bị xử phạt vì không làm theo chỉ thị của Nhà nước. Chỉ trong vòng vài ngày có tới ba trường hợp bị xử phạt. Trong đó, ngày 19/2, UBND phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn đã ra quyết định xử phạt 2 triệu đồng đối với Vũ Văn Phúc (35 tuổi, thành phố Bắc Kạn) vì đã khai báo y tế không trung thực.
Ngày 21/2, Công an thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh cho biết đơn vị quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với N.K.T (25 tuổi, người địa phương) do không tuân thủ công tác phòng chống dịch, vi phạm Nghị định 117 của Chính phủ.
Hay trong ngày 22/2, Chủ tịch UBND huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực y tế 15 triệu đồng đối với chị Bế Thị Ngh. (SN 1988; ngụ thôn Yên Thịnh, xã An Thịnh) là công nhân trở về từ vùng dịch huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương, khi về địa phương nghỉ Tết đã cố ý khai báo, thông tin sai sự thật.
Những trường hợp bị pháp luật xử phạt nghiêm minh như trên cũng chính là lời răn đe thiết thực nhất dành cho công dân cả nước. Trong cuộc sống hàng ngày, có những hành động thiếu ý thức tưởng chừng vô hại nhưng thực tế lại gây ra sự bất tiện, khó chịu cho những người xung quanh, thậm chí còn gây hậu quả nghiêm trọng, tổn thất lớn cho xã hội.
Câu chuyện ý thức kém trong đại dịch Covid-19 một lần nữa nhắc nhở chúng ta về tính tự giác và sự tuân thủ trong cộng đồng. Nếu như có một số người ý thức kém trong việc phòng chống dịch bệnh thì việc pháp luật giúp xử lý những trường hợp đó là rất cần thiết.
Covid-19 là một trong những đại dịch có tốc độ lây lan nhanh nhất trong lịch sử loài người. Chính vì vậy ý thức phòng, chống chính là nhân tố quyết định trong kiểm soát dịch bệnh. Điều này đòi hỏi mỗi người phải nâng cao ý thức của bản thân, nghiêm túc tuân thủ các quy định của Bộ Y tế.
Chỉ cần mỗi người thực hiện đúng và đủ các yêu cầu về đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay sát khuẩn, giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh, hạn chế tập trung đông người cũng như trung thực trong khai báo y tế, nghiêm túc cách ly khi được yêu cầu là đã góp phần quan trọng vào công tác phòng chống dịch của toàn xã hội.
Ngay lúc này, đất nước đang cần sự đoàn kết thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh của nhân dân cả nước với tinh thần “phòng dịch như chống dịch”, “chống dịch như chống giặc”, “kỷ cương, quyết liệt, trách nhiệm, bình tĩnh, hiệu quả”. Nếu mỗi cá nhân làm được những điều như vậy, tin chắc rằng không lâu nữa nước ta sẽ sớm chiến thắng dịch bệnh Covid-19.