Những chuyến đò 'giỡn với hà bá' đưa học sinh tới trường

Học sinh Hữu Giang hàng ngày đến trường mà thiếu các phương tiện bảo hộ đường thủy
Học sinh Hữu Giang hàng ngày đến trường mà thiếu các phương tiện bảo hộ đường thủy
(PLO) - Thôn Hữu Giang nằm ở một bên khúc sông Côn đoạn chảy qua xã Tây Giang (huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định), đến nay người dân vẫn phải đi lại tới trung tâm xã cách đó chưa đầy 1km bằng những chuyến đò ngang tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Đặc biệt, học sinh hàng ngày phải đến trường bằng đò trong điều kiện thiếu các phương tiện bảo hộ đường thủy.

Nguy hiểm rình rập

Toàn thôn Hữu Giang có 370 hộ dân với 1.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 150 học sinh THCS và THPT thường ngày đều phải di chuyển bằng đò ngang vượt sông Côn để đến trường học. Tình trạng này khiến người dân thôn Hữu Giang luôn thấp thỏm lo âu, bởi rất nhiều nguy hiểm khó lường, luôn rình rập tính mạng của người dân và các em học sinh.

Ông Châu Minh Vương, người lái đò ở đây cho biết, mặc dù người dân thôn Hữu Giang ai cũng mong muốn có một cây cầu bắc qua sông để việc đi lại đỡ vất vả hơn nhưng nguyện vọng chính đáng ấy vẫn chưa thành hiện thực. Để phục vụ nhu cầu của bà con phía hai bờ, hàng ngày ông phải thức dậy từ sớm để ra sông đưa đò.

Theo quan sát của chúng tôi, đoạn sông Côn này rộng hơn 50m. Hiện đang mùa khô nhưng nước sông sâu hơn 2m. Mỗi chuyến đò thường chở từ 10 đến 20 người, trong đó đa phần là học sinh. Trên đò chỉ có vài chiếc áo phao tạm bợ và không có thêm một thiết bị bảo hộ nào.

“Tôi đưa học sinh đi học theo nhu cầu của người dân trong thôn, mỗi học sinh nộp 200.000 đồng/năm. Biết chở đông sẽ nguy hiểm nhưng vẫn phải đi vì số lượng học sinh chờ nhiều, sợ các cháu sẽ muộn học. Vào buổi chiều, khi học sinh trở về trời tối rất nhanh nên rất nguy hiểm”, ông Vương cho biết.

Em Nguyễn Văn Thanh (học sinh lớp 10, Trường THPT Võ Lai) cho biết: “Gia đình phải chuẩn bị cho em hai chiếc xe đạp gửi hai bên bờ sông để thuận tiện cho việc tới trường. Buổi sáng em phải dậy sớm, chạy xe ra gửi bên mép sông nhờ mấy cô chú đi làm đồng trông coi giúp rồi lên đò qua sông.

Qua bên kia sông thì có chiếc xe gửi ở nhà cô bán nước, em lấy chạy tới trường. Trưa tan trường thì chạy xe ra gửi lại rồi lên đò qua sông, lấy xe chạy về nhà. Dù vất vả nhưng không còn cách nào khác. Nếu đi xe đạp xuống đập dâng Văn Phong rồi vòng lên trường thì hơn 25km, rất xa nên học sinh ở đây đi đò hết”.

Người dân địa phương cho biết, lúc chưa xây đập dâng Văn Phong, vào mùa khô hạn, lòng sông Côn khá cạn. Từ khi đập dâng Văn Phong tích nước năm 2015, mức nước ở sông luôn rất lớn và chảy xiết, nhất là vào mùa mưa lũ.

Mùa khô nhưng nước sông sâu hơn 2m
  Mùa khô nhưng nước sông sâu hơn 2m

“Những ngày trời yên gió lặng thì đỡ lo, còn những ngày mưa to gió lớn, các cháu cũng phải qua sông đi học, chúng tôi chỉ biết đứng nhìn các cháu ngồi trên chiếc đò chông chênh sang sông, lòng cứ thấp thỏm lo âu. Có khi trời tối chưa thấy con đi học thì lật đật chạy xe  ra đứng ngóng, chờ con qua sông mới an tâm”, chị Nguyễn Thị Thắm (ngụ thôn Hữu Giang) cho biết.

Theo ông Nguyễn Ngọc Châu - Trưởng thôn Hữu Giang, người dân ở đây khổ trăm bề vì giao thông cách trở. Những lúc đau ốm, người dân muốn lên trạm xá xã để khám, điều trị cũng bất tiện, tốn thời gian. Vào mùa thu hoạch lúa, bà con phải tốn thêm một khoản chi phí vận chuyển, muốn giao thương phải mất cả buổi đường.

Ước mong một cây cầu

Ông Châu bảo, người dân cùng chính quyền địa phương cũng đã nhiều lần có đề xuất về nguyện vọng, mong muốn có cây bắc qua sông giúp bà con thuận tiện đi lại. Nhưng nhiều năm nay ước mơ đó vẫn chưa thành hiện thực.

Theo thầy Phạm Văn Hồng - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Lai, hiện có trên 60 học sinh ở thôn Hữu Giang đang theo học tại trường. Nếu đi đường đập Vân Phong các em phải vòng đường quá xa, nên hầu hết các em học sinh đều phải đi đò để tới trường. 

“Mùa khô thì không sao, chứ mùa mưa lũ thì việc đến lớp của các em gian nan, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước khi phải qua đò. Vì vậy, mỗi khi có mưa lũ, nhà trường phải động viên phụ huynh các học sinh tìm nhà người quen ở gần trường để cho các em ở lại. Nếu như có cây cầu bắc qua sông, việc học tập, đi lại của các em sẽ thuận lợi hơn”, thầy Hồng nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Anh - Chủ tịch UBND xã Tây Giang, bến đò tại thôn Hữu Giang chỉ là tự phát. Để đảm bảo an toàn cho việc đi lại, xã đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền kết hợp với kiểm tra chủ đò, người lái đò để quán triệt, ký cam kết không vi phạm Luật Giao thông đường thủy nội địa; đồng thời, cấp phát áo phao cho người đi đò, song ý thức chấp hành của chủ đò lẫn người đi đò còn hạn chế. Trong khi đó, xã không thể cấm hoạt động, bởi nhu cầu của người dân đi lại rất lớn.

“Toàn thôn Hữu Giang hiện có hơn 150 học sinh phải vượt sông Côn để đến trường. Với số lượng học sinh đó thì chưa thể thành lập điểm trường. Còn về vấn đề kinh phí để xây dựng một cây cầu bắc qua sông thì vượt quá khả năng của địa phương. Chúng tôi rất mong chính quyền cấp trên và ngành chức năng quan tâm xây dựng một cây cầu nối liền hai bờ sông, để cuộc sống của bà con đỡ vất vả hơn, đặc biệt là các em học sinh”, ông Anh cho biết.

Năm 2014, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt điều chỉnh danh mục cầu thuộc Chương trình xây dựng cầu dân sinh đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2020. Dự án cầu Tây Giang với quy mô dự kiến: cầu kết cấu bê tông cốt thép, chiều dài cầu khoảng 500m, khổ cầu 5,0m có bố trí nhịp tránh xe, tổng mức đầu tư khoảng 89 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải và các điều kiện tiên quyết, chủ yếu xây dựng các cầu dân sinh có quy mô nhỏ, để nhà tài trợ giải ngân vốn, trên địa bàn tỉnh Bình Định được đầu tư xây dựng 23 cầu, với nguồn kinh phí dự kiến khoảng 116 tỷ đồng. Vì thế danh mục cầu Tây Giang không thuộc dự án cầu dân sinh, do quy mô và nguồn kinh phí xây dựng cầu không phù hợp với các quy định của dự án. 

Đọc thêm

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề

Cục CSGT tăng cường xử lý vi phạm giao thông theo chuyên đề
(PLVN) - Trong năm 2023 và 3 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân gây TNGT. Trong đó vi phạm về nồng độ cồn 1.045.844 trường hợp, chiếm 20,21%; ma túy 4.522 trường hợp; đi sai làn đường, phần đường 102.878 trường hợp; tránh vượt không đúng quy định 15.261 trường hợp; quá tải 123.177 trường hợp...

Tổ chức chạy tàu 'Kết nối di sản miền Trung'

Tuyến đường sắt nối Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng sẽ qua đèo Hải Vân hi vọng sẽ đem đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách.
(PLVN) - Để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân và du khách từ Huế đến Đà Nẵng và ngược lại, từ ngày 26/3/2024, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng tổ chức vận hành đoàn tàu trên khu đoạn Huế - Đà Nẵng và ngược lại theo hình thức kinh doanh vận tải kết hợp khai thác dịch vụ du lịch.

Con số đáng báo động

Ảnh minh họa.
(PLVN) - Cả nước hiện có gần 1.900km đường cao tốc, nhưng do phân kỳ đầu tư nên trong giai đoạn 1, 5 dự án mới có 2 làn xe, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, Yên Bái - Lào Cai, Thái Nguyên - Chợ Mới, Hòa Lạc - Hòa Bình.

Tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và tuyến Quốc lộ 5, Quốc lộ 10

Quang cảnh cuộc họp.
(PLVN) - Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, Trưởng Ban An toàn giao thông TP vừa chủ trì cuộc họp với Cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam; các Sở, ngành chức năng và địa phương; cùng đại diện Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), Công ty TNHH MTV Tasco Hải Phòng về bảo đảm trật tự ATGT trên tuyến đường sắt và các tuyến Quốc lộ (QL) 5, QL 10 đoạn qua TP Hải Phòng.