Có lẽ chưa bao giờ ở Việt Nam, những căn bệnh nan y, đặc biệt là bệnh ung thư, lại bùng phát ghê gớm, kinh hoàng như hiện nay. Điều đáng sợ là bệnh nhân phải sống đau đớn, sống khổ sở, hàng giờ phải quằn quại vật lộn với những cơn đau. Họ kêu la, khóc lóc, rền rĩ. Nhiều người, không chịu đựng nổi, đã cầu xin bác sĩ, cầu xin người thân cho mình uống thuốc... tự vẫn. Lại có nhiều trường hợp ốm liệt giường liệt chiếu, nằm thối da thối thịt, ngắc ngoải chết mà không chết được.
Vậy chúng ta sẽ xử lý thế nào khi lâm vào hoàn cảnh éo le đó? Trong hành trình đi tìm lời giải đặc biệt ấy, chúng tôi đã khám phá ra một sự thật hãi hùng: Rất nhiều người mắc bệnh nan y, quái đản, sống đau đớn, chết khổ sở… chính là do nhân quả, nghiệp báo bởi chính họ hoặc do ông bà, cha mẹ gây ra với những câu chuyện ám ảnh, rùng rợn. Điều đặc biệt là nhờ những buổi tụng kinh giải nghiệp huyền bí mà cả trăm trường hợp đã thoát khỏi những đớn đau, dằn vặt của kiếp người, ra đi một cách thanh thản, nhẹ nhõm.
Người mẹ hành nghề sát sinh và cái chết oan nghiệt của cả gia đình
15 năm hành nghề buôn bán, giết mổ gia súc gia cầm, bà Nguyễn Thị Th. đã giết hàng vạn con gà, vịt, thỏ, chó… Vào mùa cưới hay dịp Tết, bà giết cả trăm con mỗi ngày, thu lãi hàng triệu đồng. Bà nhanh chóng trở nên giàu có. Cả làng ngưỡng mộ bà.
Thế nhưng, không ai có thể ngờ được, một ngày, hiểm họa đã giáng liên tiếp xuống nhà bà. Chồng bà bị chết chết bất đắc kỳ tử trong một vụ tai nạn rùng rợn. Con trai cả của bà bị điện giật chết đêm trước ngày đón dâu một hôm. Vài tháng sau, con trai út bị ung thư xương .
Của nả lần lượt đội nón ra đi. Đến lúc nhà cửa sạch sành sanh cũng là lúc nó vĩnh biệt cõi đời. Ngày hỏa táng con, bà xuống tóc đi tu. Bà muốn mượn tiếng mõ, lời kinh để quên đi nỗi đau tột cùng. Bà muốn nương nhờ cửa Phật để rửa bớt nghiệp ác mà bà đã gieo rắc suốt 15 năm.
“Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”
Bà Nguyễn Thị Th. quê ở miền Trung, lên vùng Đức Trọng, Lâm Đồng lập nghiệp từ những năm 1980. Chồng bà tên Tr. cùng quê, gia cảnh đều nghèo khó. Thời gian đầu, hai vợ chồng đi làm thuê cuốc mướn sống tằn tiện qua ngày. Sau, vay mượn tiền của anh em họ hàng, bà mở quầy bán gà, vịt tại chợ thị trấn.
Lúc đầu, mỗi ngày bà chỉ túc tắc bán được một vài con; sau, khách đông dần, ngày bà thịt vài chục con. Những ngày giáp Tết hay mùa cưới, bà thịt cả trăm con, đủ loại: gà, vịt, thỏ, chó, ngan, ngỗng… Bà kể, thu nhập trung bình mỗi ngày 500.000đ. Những ngày đông khách, bà kiếm vài triệu ngon ơ. Từ bấy, kinh tế nhà bà phất lên như diều gặp gió. Cả làng ngưỡng mộ.
Một chiều nọ, có bà cụ già tay bị tay gậy đến nhà bà xin ăn. Nhận chút thực phẩm và ít tiền từ tay bà, cụ già ăn xin bảo: “Cô ơi! Nhà cô sắp có đại họa rồi đấy. Cô nghe tôi, nên dừng lại nghề sát sinh, phát tâm ăn chay niệm Phật để giải nghiệp kẻo sau này hối hận cũng chẳng kịp đâu”.
Nghe vậy, bà Th. tức giận, gắt gỏng: “Bà này ăn nói luyên thuyên. Xéo ngay ra khỏi nhà tôi. Từ rày, đừng có vác mồm đến đây xin ăn nữa nhé”.
Một tuần sau. Có gia đình ở thị trấn Liên Nghĩa tổ chức đám cưới con giai, đặt bà Th. làm một tạ thịt chó. Chồng bà phải mất 2 ngày xuôi ngược khắp nơi thu mua cả thảy được 9 con. Buổi chiều, trong lúc ngồi đun nước sôi chuẩn bị làm thịt, nhìn vào cái lồng nhốt chó, bỗng dưng bà bị hút vào con chó cái màu vàng.
Nó có chửa, bụng khá to, nằm bệt dưới lồng vì mệt. Chợt bắt gặp ánh mắt của bà Th. đang nhìn, con chó vàng liền nhỏm dậy. Nó dúi cái mõm qua ô lồng sắt, mắt nhìn bà như van lơn, ư ử kêu như van xin tội tình.
Bà Th. chợt rùng mình. Bà hớt hải chạy lên nhà, bảo chồng: “Ông ơi! Con chó vàng nhốt ở lồng dưới gốc cây ngọc lan đang có chửa. Nó vừa van xin tôi đấy. Hay là mình để nuôi vài tuần, chờ nó đẻ xong rồi giết thịt sau ông nhé”. “Bà có điên không đấy? Con chó biết nói à mà bà lại bảo là nó van xin bà. Vớ vẩn”.
Nói đoạn, ông bước huỳnh huỵch ra sân, cầm cái chày bằng gỗ lim đen bóng. “Đốp”. Bà Th. chạy ra đến nơi, đã nhìn thấy con chó vàng nằm chết duỗi, không kịp tru lên một tiếng. Hai mắt nó ướt nhèm. Mổ bụng, lôi ra 5 con chó con còn chưa đủ hình hài. Bà Th. bỗng thấy sống lưng ớn lạnh.
6h chiều mới làm thịt xong 9 con chó. Ông Tr. chồng bà phải huy động thằng Tuấn, con giai cả đang học lớp 12 nghỉ học thêm để phụ ông chở lên thị trấn. Hai bố con đi hai xe. Buổi tối, bà Th. chờ mãi không thấy chồng và con về. Sốt ruột, điện thoại cho chồng thì nghe tiếng gắt: “Tôi với thằng Tuấn đang uống rượu trên đám cưới. Khuya mới về. Bà cứ ngủ trước đi”.
11h đêm chồng con vẫn chưa về. Ruột bà Th. nóng như lửa đốt. Tiếng chuông điện thoại kêu reng. Tiếng thằng Tuấn hốt hoảng: “Mẹ ơi! Bố con bị tai nạn chết rồi”. Sau này, thằng Tuấn kể, tan bữa tiệc cưới, hai bố con phóng xe về. Bố đi trước, con đi sau. Đột nhiên, xe ông Tr. đâm thẳng vào gốc cây bên đường. Xe máy đổ ầm. Ông Tr. ngã vật xuống đường. Đầu đập vào tảng đá. Trán ông vỡ toang.
Sau cái chết của chồng, nhớ lại lời dặn của bà cụ ăn xin hôm nào, bà Th. thấy chờn chợn. Lẽ nào lời tiên tri về đại họa giáng xuống nhà bà là thật? Nhiều đêm không ngủ, nằm vắt tay lên trán, bà cũng định bụng dừng lại nghề giết mổ. Nhưng nghĩ đến khoản lãi tiền triệu, tiền trăm mỗi ngày, bà lại thấy tiếc. Vả lại, hai thằng con giai đang tuổi ăn tuổi lớn. Bà không cố gắng ky cóp, sau này, lấy đâu ra tiền mà lo lắng tương lai cho chúng.
Một hôm, bà Th. bảo Tuấn: “Con học xong lớp 12 thì ở nhà giúp mẹ. Học hành tốn kém. Ra trường, lương ba cọc ba đồng, sống sao nổi”. Tuấn nghe lời mẹ. Vài tháng sau, nó đã trở thành anh đồ tể sắc tay. Tiền kiếm như nước. Gái trong vùng mê Tuấn như điếu đổ. Nhiều gia đình muốn gả con cho Tuấn vì Tuấn vừa khỏe mạnh, chịu thương chịu khó lại kiếm được tiền. Cuối cùng, Tuấn quyết định lấy cô K, hoa khôi của thị trấn.
Cưới con trai đầu, bà Th. làm cỗ tưng bừng suốt 3 ngày 3 đêm. Khách mời dự đông nườm nượp. Gà, vịt giết không biết bao nhiêu mà kể. Bà Th. khan hết cả tiếng nhưng mặt vẫn ngời ngời như hoa. Song niềm vui ngắn chẳng tày gang. Trước hôm đón dâu một ngày, đêm muộn, khi khách về hết, chú rể lụi hụi mắc lại đèn chùm trong phòng ngủ. Chẳng hiểu hí hoáy thế nào bị điện giật chết. Ngày cưới trở thành ngày tang. Bà Th. ngã ngửa người, khóc ngất lên ngất xuống.
Gắng gượng lo xong đám tang cho con, bà Th. lăn đùng ra ốm. Suốt ngày nằm bệt trên giường. Mỗi bữa chỉ húp được vài thìa cháo loãng. Đúng ba tháng 10 ngày, bà mới nhóc nhách ngồi dậy, lần thành giường tập đi. Bà bắt đầu tin vào luật nhân quả, vào ác nghiệp sát sinh mà mình gieo rắc suốt mười mấy năm. Bà thỉnh mời các nhà sư đến nhà, lập đàn tế lễ giải nghiệp suốt 3 ngày 3 đêm. Rồi mua cả tạ lươn, ốc, cá phóng sinh…
Bà bảo thằng Công, con trai út của bà: “Mẹ cả đời vất vả hành nghề sát sinh cũng chỉ vì muốn tạo dựng tương lai tốt đẹp cho con. Con gắng học cho tốt, sau này, có công ăn việc làm đàng hoàng, tử tế, đỡ khổ con ạ”.
Công đang học lớp 12 trường huyện. Nó học rất giỏi, mơ ước thi vào trường Đại học an ninh. Một buổi chiều, đi đá bóng cùng đám bạn về, nó thấy đau đầu gối chân trái. Cứ nghĩ là do chạy nhiều nên nó cứ cắn răng chịu đau.
Mấy tuần sau, đầu gối sưng to, nhức nhối suốt đêm không ngủ, bà Th. đưa nó đến Bệnh viện tỉnh Lâm Đồng khám. Xét nghiệm khối u to như quả trứng gà, bác sĩ kết luận nó bị ung thư xương. Nó khóc ầm lên. Bà Th. thì chết lặng.../. (Mời xem kỳ tiếp trên số báo sau)