Người phụ nữ phá… tảo hôn trên đỉnh Tống Thượng
Tống Thượng là thôn đặc biệt nhất trong các thôn, bản vùng cao của xã Nậm Đét (Bắc Hà). Đây là thôn duy nhất của xã có người dân tộc Phù Lá sinh sống, nằm chót vót trên đỉnh núi, cách trung tâm xã 12km đường đất. Cách đây 30 năm, chị Sùng Phà Sủi từ xã Nậm Mòn về Tống Thượng làm dâu, cũng là người duy nhất trong thôn biết chữ. Thế nên, làm dâu được một năm thì chị được bầu làm trưởng thôn...
Ngày đó, thôn mới có 39 hộ, trong đó có 5 hộ người Mông, còn lại là dân tộc Phù Lá. Số hộ đủ ăn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tống Thượng nằm trên núi cao, quanh năm sương mù. Từ lâu, bà con đã quen trồng giống lúa, ngô địa phương, năng suất rất thấp. Thế nên, khi trưởng thôn Sùng Phà Sủi cùng chồng chuyển toàn bộ diện tích ruộng nhà mình sang cấy giống lúa mới, ai cũng can ngăn, không tin là có thể thành công.
Thế rồi, năm đó, nhà chị Sủi thu hoạch được gần 100 bao thóc trước sự hoài nghi lẫn ngỡ ngàng của bà con trong thôn. Năm thứ hai, năm thứ ba liên tiếp bội thu, Trưởng thôn Sùng Phà Sủi không những đủ thóc ăn quanh năm, mà còn có thóc bán, có tiền dựng nhà mới và là nhà lợp mái ngói đầu tiên của thôn. Đến lúc này, bà con mới bảo nhau đến nhà chị hỏi xin giống lúa mới về cấy. Chị Sủi nhiệt tình chỉ cho bà con cách ủ thóc giống, gieo mạ, chăm sóc lúa lai, rồi lại vận động họ chuyển từ trồng ngô địa phương sang ngô hàng hóa cho năng suất cao.
Từ đó đến nay, nhờ ngô, lúa được mùa, đời sống người dân trong thôn đã thay đổi nhiều. Tống Thượng hiện giờ có 74 hộ, trong đó có 11 hộ giàu, 23 hộ khá, nhiều hộ thu nhập bình quân mỗi năm từ 80 - 100 triệu đồng. Từ năm 2013 đến nay, Tống Thượng đã có hơn 20 hộ thoát nghèo. Cả thôn hiện nay chỉ còn 30 hộ nghèo...
Và rồi, cùng thời gian làm Trưởng thôn, chị Sủi còn kiêm chức Công an viên thôn Tống Thượng. Bởi lẽ, “ngày ấy đàn ông trong thôn đã ít, lại chẳng ai biết viết một cái biên bản cả, nên nhận kiêm thêm chức Công an viên”. Rồi một đêm cuối thu rét tê tái, chị Sủi cùng chồng, con đang say ngủ, bỗng tá hỏa vì một tiếng nổ inh tai và ngôi nhà rung chuyển như muốn đổ sập xuống.
Thì ra tên trộm gà hồi chiều bị chị và bà con trong thôn vây bắt được, sau khi bị giải lên xã đã tẩu thoát, rồi quay về thôn ốp mìn vào nhà chị Sủi để trả thù. May thay, bức tường nhà chị chỉ bị thủng mảng nhỏ, không ai bị thương. Sáng hôm sau, chị Sủi cùng bà con truy lùng tên trộm và bắt được hắn ở thị trấn Bắc Hà, giao cho Công an huyện xử lý. Tưởng rằng tên trộm sẽ hận chị Sủi lắm, vậy mà sau khi ra tù, hắn lại xách gà, xách rượu đến nhà chị nói lời xin lỗi và hứa sẽ sống tốt.
Chị cũng không quên những lần nửa đêm phải đội mưa gió, sương mù đến nhà dân giải quyết vụ hàng xóm đánh chửi nhau, vợ chồng mâu thuẫn, anh em say rượu gây mất đoàn kết. Nhờ cách xử lý kiên quyết, hợp tình, hợp lý của chị Sủi, nên các vụ việc trong thôn đều được giải quyết ổn thỏa, tình hình an ninh, trật tự thôn dần ổn định…
Rồi về sau, chị Sùng Phà Sủi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Đét. Ngày đó, đám cưới của đồng bào Phù Lá rất rườm rà vì nhiều lễ nghi. Để đón được cô dâu về, nhà trai phải 8 lần đến nhà gái làm lễ, lần nào cũng phải có rượu, có thịt. Lần nào nhiều, lên tới 80 lít rượu, 80kg gạo, 80kg thịt, 30kg đậu hạt, 15 bộ quần áo, 1 bộ vòng bạc trị giá 15 triệu và 2,4 triệu đồng tiền mặt. Nhiều gia đình nghèo không lấy được vợ cho con trai. Nhiều cặp vợ chồng trẻ sau đám cưới nợ nần chồng chất, nghèo đói quanh năm…
Và mưa dầm thấm đất, chị Sủi đã vận động được bà con dân tộc Phù Lá và các dân tộc khác bỏ tục thách cưới cao, tổ chức đám cưới giữ được bản sắc nhưng văn minh, gọn nhẹ, tiết kiệm. Và tâm lý “trọng nam khinh nữ” cũng dần lùi xa. Các gia đình không sinh con thứ 3 và dù khó khăn cũng cố gắng cho con đến trường học chữ.
Thế nhưng “chiến đấu” với nghi lễ rườm rà, tốn kém trong cưới xin chưa khó như tấn công vào nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Đét chia sẻ, năm 2013, chị ngăn cản thành công một vụ tảo hôn trong xã. Mọi chuyện diễn ra hồi hộp như phim trinh thám. Không ai dám đứng lên làm trưởng đoàn phá tảo hôn, người đàn bà 50 tuổi xung phong cầm đầu, đoàn người này khống chế không cho người ta mổ lợn, mổ gà, cứ canh chừng cả ngày ở đám cưới đợi cho qua đi, “vì không đúng ngày nó không báo được tổ tiên, không đúng ngày người ta không đón dâu đi nữa”, chị Sủi giải thích. Đến nay, chị đã phá được 3, 4 cuộc của người Dao tuyển, Dao đỏ, Phù Lá...
Trong lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc 2017, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến nói: “Người có uy tín hoạt động vì sự tin cậy của cộng đồng, thù lao chưa tương xứng với công sức của họ đã bỏ ra”. Bộ trưởng đã nhắc đến một số trường hợp điển hình, trong đó có Sùng Phà Sủi, gần 30 năm qua, chị làm tất cả vì bà con, bản làng mà không nhận một đồng thù lao nào…
Chị Hồ Thị Hợp, Chủ nhiệm HTX Dệt Zèng. |
Từ bản bước ra “làng” thời trang thế giới
Nhân sự kiện đến Nhật Bản nhận Giải thưởng Fukuoka năm 2015, Nhà thiết kế thời trang (NTK) Minh Hạnh đã tổ chức 3 show diễn thời trang Việt Nam, Nhật Bản. Trong tất cả các buổi biểu diễn thời trang, gặp gỡ giao lưu ấy, một người phụ nữ dân tộc thiểu số nhỏ nhắn, rụt rè luôn đươc người hâm mộ săn đón. Chị là Hồ Thị Hợp, dân tộc Tà ôi đến từ vùng núi A Lưới Thừa Thiên- Huế.
Chị Hồ Thị Hợp, Chủ nhiệm HTX Dệt Zèng, thổ cẩm thị trấn A Lưới đã được biết đến như một nhân vật nổi tiếng vì đó là một người đã có công tập hợp những người Tà Ôi, giữ gìn nghề dệt Zèng truyền thống. Chị cần mẫn dạy nghề cho những em gái từ 9, 10 tuổi và những cố gắng bền bỉ của những thợ dệt A Lưới đã được NTK Minh Hạnh đánh thức, làm cho Zèng trở nên sống động, quyến rũ, chen chân được vào thị trường may mặc, tiêu dùng hiện nay, được hoan nghênh ở nhiều nước Âu, Á, đặc biệt là Nhật Bản.
Dệt Zèng là nghề truyền thống có từ lâu đời của người dân tộc Tà Ôi, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Những tấm zèng là lễ vật hoặc trang phục không thể thiếu trong sinh hoạt cộng đồng hoặc các lễ hội quan trọng của đồng bào vùng cao A Lưới. Mỗi sản phẩm dệt Zèng có giá trị về nhiều mặt, vừa là vật dụng, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật, thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi. Trên mỗi bộ trang phục dệt thổ cẩm ẩn chứa tầng sâu văn hóa, đó là hình ảnh những cánh hoa sim tím hay họa tiết hoa văn trên những bức tường nhà rông truyền thống. Đầu năm 2017, dệt Zèng được đón nhận bằng công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Tại Hợp tác xã Dệt Zèng, chị em phụ nữ hoàn cảnh khó khăn được ưu tiên tham gia. Chị em có thể làm tại nhà, tranh thủ vào ban đêm. Trung bình mỗi người có thêm từ 2 - 4 triệu đồng/tháng. Từ thị trấn A Lưới ra TP Huế, đoạn đường gần 2 tiếng đồng hồ, chị vẫn theo những chuyến xe mỗi tháng như vậy để tìm nơi bán sản phẩm. Và cửa hàng trưng bày sản phẩm thổ cẩm A Lưới đầu tiên đã xuất hiện tại thành phố Huế.
Và đến nay, những tấm thổ cẩm xuất hiện trong những lễ hội trang trọng nhất, được tạo từ sợi vải, hạt cườm. Đặc biệt, tại các sàn diễn thời trang, chị Hợp cùng những chị em dân tộc ở đây đã trở thành người mẫu không chuyên, chỉ với mục đích duy nhất, đó là đưa các sản phẩm vượt ra khỏi bản làng…
Già làng Hmirk. |
Già làng Hmirk - “bóng cây Kơnia” ở Biển Hồ
Già làng Hmirk (sinh năm 1948) là tấm gương sống tốt đời đẹp đạo, là niềm tin yêu và tự hào của dân làng Brel, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Làng Brel có 96 hộ với gần 500 nhân khẩu, 100% là người dân tộc thiểu số Ja Rai theo đạo Tin lành. Theo già làng Hmirk, những năm 2001-2002, trong làng có nhiều đối tượng bỏ gia đình, ruộng rẫy để theo tổ chức phản động Fulro. Điển hình là Hnưch, người từng bị bắt giữ khi đang trên đường vượt biên sang Campuchia. Hơn 6 năm được giáo dục, cải tạo, hiện nay Hnưch đã chí thú làm ăn, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục.
Thời gian đầu, công tác tuyên truyền vận động của già làng gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều đối tượng lẩn trốn không chịu gặp hoặc một vài người chịu nghe vận động nhưng vẫn lén lút làm theo lời xúi giục của kẻ xấu. Thế nên, một ngày đều đặn đôi ba lần ông gặp gỡ và chia sẻ cho họ thấy tác hại, hậu quả của việc nghe theo lời xúi giục của các tổ chức phản động là trái pháp luật, làm khổ gia đình, người thân. Ngoài ra, thông qua các cuộc họp làng, lễ hội hay những buổi đi lễ nhà nguyện, ông dành nhiều thời gian tuyên truyền, vận động bà con sống có ích, chăm lo gia đình và xây dựng quê hương giàu mạnh. Già Hmirk còn phối hợp tốt với các cơ quan chức năng của tỉnh hỗ trợ xây nhà văn hóa cộng đồng, nhà rông truyền thống cho làng, tạo niềm tin đối với bà con.
Sau khi giữ được dân ở lại làng, già Hmirk lại trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế cho bà con. Nếu trước đây, thu nhập bình quân của dân làng chỉ đạt từ 10-20 triệu đồng/năm, nay đã tăng lên 40-50 triệu đồng/năm. Nhiều hộ gia đình đã mua sắm được những vật dụng đắt tiền phục vụ sinh hoạt hàng ngày như xe công nông, máy bơm nước, xe máy, ti vi, tủ lạnh…; con cái được học hành đầy đủ, cuộc sống ngày càng được cải thiện và nâng cao.
Nhiều năm liền già Hmrik được tín nhiệm làm Trưởng Ban công tác Mặt trận, là cầu nói để đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân. Nói không chưa đủ, già luôn tâm niệm muốn vận động được bà con nghe theo, trước tiên bản thân mình phải gương mẫu đi trước, phải bằng hành động cụ thể thì dân mới tin, mới nghe. Không chỉ với bà con trong làng mà già Hmrik còn là người có uy tín, được người dân các làng lân cận quý mến, tin tưởng…